Cập nhật: 02/04/2024 09:10:00
Xem cỡ chữ

Nhằm góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, các hoạt động hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn.

Để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về quan hệ lao động; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về quan hệ lao động. Nâng cao năng lực các cơ chế, thiết chế quan hệ lao động. Đẩy mạnh thành lập mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, nhất là trong các Khu, Cụm công nghiệp. Thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp để chủ động phối hợp với người sử dụng lao động giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động, giảm thiểu nguy cơ phát sinh tranh chấp lao động, ngừng việc, đình công.

Mục tiêu đến năm 2025, Vĩnh Phúc phấn đấu có 75-80% doanh nghiệp trong Khu công nghiệp có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động; 81-85% doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở thực hiện thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể; 56 - 60% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Lưu Trường