Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo quý đầu năm ước đạt 79,6 tỷ USD, chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2023 đã cho thấy nhiều điều tích cực.
Hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước đã có dấu hiệu phục hồi tích cực. Nhiều doanh nghiệp thậm chí đã có đơn hàng hết quý 2, thậm chí sang quý 3/2024.
Điều này không chỉ góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng cho ngành công nghiệp mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế những tháng tới đây.
Nhiều tín hiệu tích cực
Theo đại diện Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp trong quý 1/2024 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 0,73%), đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%.
Ông Viên Minh Đạo, Giám đốc Chi nhánh Vinatex Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định cho biết kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, song ngành dệt may vẫn có cơ hội để phát triển khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này dự kiến cải thiện hơn nhiều so với năm 2023 nhờ vào việc phục hồi nhu cầu tiêu thụ, cải thiện chuỗi cung ứng và hưởng lợi từ các chính sách kích thích kinh tế của các khách hàng lớn.
Bên cạnh đó, những tín hiệu khởi sắc của thị trường bông, sợi toàn cầu của những tháng đầu năm 2024 đã giúp cho các doanh nghiệp sản xuất sợi có thể hy vọng về một năm sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Trong bối cảnh đó, các đơn hàng của Chi nhánh Vinatex Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định đang có xu hướng tăng dần.
Thực tế cho thấy, trong quý đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng diện rộng trên phạm vi cả nước, trong đó, 54/63 địa phương đều ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp tăng. Đặc biệt, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng ấn tượng, ở mức hai đến ba con số, như Trà Vinh tăng 102,%; Khánh Hoà tăng 37%; Bắc Giang tăng 23,9%...
Cùng với đà phát triển của sản xuất công nghiệp, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/3/2024 tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,1% so với cùng thời điểm năm trước.
Doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài thông qua các sự kiện triển lãm quốc tế. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công Thương) đánh giá sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh trở lại đã kéo theo việc làm, gia tăng thu nhập và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Đối với nền kinh tế có độ mở lớn tới 200% như Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo quý đầu năm ước đạt 79,6 tỷ USD, chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2023 đã cho thấy nhiều điều tích cực.
Điểm nhấn này đã góp phần đưa cán cân thương mại xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý đầu năm, giúp tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác.
Tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng
Đánh giá bức tranh kinh tế những tháng đầu năm, tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận việc các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào sản xuất-kinh doanh cũng là tạo nền tảng giúp tăng trưởng được củng cố và nền tảng tăng trưởng đó được thể hiện qua các chỉ số sản xuất công nghiệp trong những tháng vừa qua.
Chuyên gia này dẫn chứng thêm, việc sản xuất công nghiệp cả nước tăng cao trong tháng 3 rõ rệt nhất ở các ngành như: thép, phân bón, thủy sản, dệt may, vật liệu cơ bản… đã phản ánh được sự phục hồi nhanh, điều đó cho thấy những lĩnh vực đầu vào cho sản xuất-kinh doanh đang phục hồi mạnh.
“Các lĩnh vực này sẽ tạo đà rất tốt, chỉ báo cho các quý sau về tăng trưởng, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo đang có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực,” ông nói.
Nhìn nhận về đóng góp của sản xuất công nghiệp vào tăng trưởng quý đầu năm 2024, chuyên gia kinh tế Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) dẫn chứng bằng sự so sánh chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) - là một trong những công cụ quan trọng đo lường hiệu suất sản xuất trong ngành công nghiệp.
Ông cho biết nhu cầu đối với hàng hóa của Việt Nam đã bắt đầu có sự cải thiện, bởi so với 4 tháng cuối của năm 2023, chỉ số PMI đều ở mức dưới 50, nhưng trong 2 tháng đầu năm 2024 đã có sự cải thiện lên mức 50,3-50,4.
“Mặc dù chưa nhiều so với giai đoạn trước đây, nhưng đấy cũng là dấu hiệu cho thấy nhu cầu đối với hàng hóa đã có sự quay trở lại và điều quan trọng hơn khi nhìn vào bản đồ PMI trên thế giới, trong bối cảnh nhu cầu giảm hầu hết các thị trường lớn và chỉ tăng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á… điều đó cho thấy kết quả chúng ta đạt được rất tích cực,” ông Nguyễn Anh Dương nhìn nhận.
Doanh nghiệp sản xuất thép chuẩn bị các đơn hàng xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Mặc dù ghi nhận các kết quả tốt ở hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực, song đại diện Bộ Công Thương cũng lưu ý việc chỉ số tồn kho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng; thị trường trong nước tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu còn phụ thuộc một số thị trường chính…
Vì vậy, trong quý 2 và các quý tiếp theo, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...
Về phía Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan này sẽ tập trung vào triển khai các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành Quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là Quy hoạch điện VIII để khuyến khích đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trọng điểm, tạo đà tăng trưởng công nghiệp trong thời gian tiếp theo./.
Theo (Vietnam+) - 04/04/2024
https://www.vietnamplus.vn/don-hang-tang-cong-nghiep-chu-luc-but-toc-tang-truong-ngay-quy-dau-nam-post938240.vnp