Testosterone là một loại hormone nam quan trọng chịu trách nhiệm cho các đặc điểm như sự phát triển của tóc, khối lượng cơ bắp và độ trầm của giọng nói. Khi nam giới già đi, nồng độ testosterone giảm dần, đặc biệt là trên 40.
Testosterone là một loại hormone mà cơ thể con người sản xuất. Cả nam giới và phụ nữ đều sản xuất hormone này nhưng nó được tìm thấy ở mức độ cao hơn ở nam giới. Tinh hoàn (ở nam giới) chủ yếu sản xuất testosterone cùng với tuyến yên.
1. Tại sao đàn ông cần testosterone?
Theo ThS.BS Lê Quang Dương – Giám đốc Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững, testosterone rất quan trọng vì nó chịu trách nhiệm cho sự phát triển và ngoại hình giới tính của nam giới, là hormone sinh dục được sản xuất ở tinh hoàn của nam giới.
Khi bé trai đang phát triển, hormone này giúp hình thành cơ quan sinh dục. Ở tuổi dậy thì, testosterone đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thể chất của các bé trai thành nam giới. Nó cũng điều chỉnh khối lượng cơ bắp, đặc điểm tình dục, hồng cầu, mật độ xương, sản xuất tinh trùng và ham muốn tình dục.
2. Tại sao nồng độ testosterone giảm?
Lão hóa cũng có thể dẫn đến nồng độ testosterone thấp.
ThS.BS Lê Quang Dương cho biết, mức độ testosterone giảm là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa. Đàn ông càng lớn tuổi thì mức testosterone càng giảm. Một số nguyên nhân khác ngoài lão hóa cũng có thể dẫn đến nồng độ testosterone thấp như chấn thương tinh hoàn cũng như hóa trị hoặc xạ trị để điều trị ung thư ở vùng sinh dục. Các nguyên nhân khác bao gồm các bệnh về tuyến yên và các loại thuốc ảnh hưởng đến tuyến này, chẳng hạn như steroid. Tình trạng sức khỏe mạn tính và căng thẳng cũng có thể làm giảm sản xuất testosterone như AIDS, bệnh thận, chứng nghiện rượu, bệnh xơ gan.
Tình trạng suy sinh dục nam (testosterone thấp) xảy ra khi tinh hoàn không sản xuất đủ hormone testosterone.
Theo Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ, việc sản xuất testosterone giảm theo độ tuổi với 30% nam giới ở độ tuổi 70 và 80 có mức testosterone thấp. Chẩn đoán testosterone thấp được xem xét khi nồng độ testosterone giảm xuống dưới 300 ng/dL.
Tổng mức testosterone bình thường là:
3. Ảnh hưởng testosterone thấp
Sản xuất quá ít testosterone có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Testosterone thấp ảnh hưởng đến đời sống tình dục:
Testosterone thấp có thể gây ra những ảnh hưởng thực sự và quan trọng đến sức khỏe, đặc biệt là đối với đời sống tình dục của nam giới. Đàn ông có lượng testosterone thấp có thể gặp khó khăn trong việc đạt được và duy trì sự cương cứng.
Sự cương cứng mà họ đạt được có thể xảy ra ít thường xuyên hơn và không còn mạnh mẽ như trước. Ham muốn tình dục (libido) của đàn ông cũng giảm khi testosterone giảm. Tất cả những yếu tố này dẫn đến việc quan hệ tình dục ít thường xuyên hơn. Điều này có ảnh hưởng đến đời sống tình dục của vợ chồng.
Những tác động khác của testosterone thấp:
Testosterone thấp không chỉ ảnh hưởng đến ham muốn tình dục và khả năng quan hệ tình dục mà còn gây ra các triệu chứng khác. Nếu nam giới bị testosterone thấp, có thể nhận thấy một số triệu chứng sau:
-
Mệt mỏi và giảm mức năng lượng.
-
Giảm khối lượng cơ bắp và sức mạnh.
-
Tăng mỡ cơ thể, đặc biệt là xung quanh bụng.
-
Tâm trạng thay đổi thất thường, cáu kỉnh và trầm cảm.
-
Giảm chức năng nhận thức và trí nhớ.
-
Giảm sự phát triển của tóc và thay đổi kết cấu da.
Việc thiếu testosterone đôi khi có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài cho cơ thể. Ở nam giới với mức độ rất thấp, xương trở nên yếu, có khả năng gây ra tình trạng gọi là loãng xương. Loãng xương khiến dễ bị chấn thương hơn.
Một nghiên cứu trên Tạp chí Nội tiết lâm sàng và Chuyển hóa cũng liên kết lượng testosterone thấp với nguy cơ tử vong cao hơn do bệnh tim và các nguyên nhân khác.
4. Chẩn đoán testosterone thấp
Nếu đàn ông có các triệu chứng như giảm ham muốn tình dục hoặc vấn đề cương cứng, nên đi khám để xét nghiệm máu giúp xác định xem có bị testosterone thấp hay không. Nồng độ testosterone thường tăng và giảm trong ngày, vì vậy nên xét nghiệm máu vào buổi sáng, đó là lúc nồng độ testosterone cao nhất.
5. Điều trị testosterone thấp
Chế độ ăn uống cân bằng với protein, carbs và chất béo để tăng testosterone.
Nếu mức độ testosterone thấp, nam giới có thể được chỉ định liệu pháp thay thế testosterone. Hầu hết đàn ông có lượng testosterone thấp đều bôi gel testosterone lên cánh tay hoặc vai. Một phương pháp khác là tiêm vào cơ hoặc có thể đeo miếng dán giải phóng testosterone từ từ vào máu. Ngoài ra còn đặt thuốc dưới da. Cũng có những liệu pháp thay thế bằng đường uống nhưng những liệu pháp này không được khuyến khích để thay thế testosterone. Đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt không nên dùng testosterone vì nguy cơ thúc đẩy sự phát triển của ung thư.
Khi nói đến việc cải thiện sức khỏe hoặc điều trị sự mất cân bằng trong cơ thể, chế độ ăn uống và tập thể dục cũng đóng một vai trò quan trọng.
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục thường xuyên là yếu tố làm tăng mức testosterone. Nhiều nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc tăng cường hoạt động thể chất có hiệu quả hơn việc tuân theo chế độ ăn kiêng giảm cân đối với những người đàn ông béo phì đang cố gắng tăng mức testosterone thấp.
Về loại hình tập thể dục, tập luyện cường độ cao ngắt quãng (HIIT) và các hình thức rèn luyện sức đề kháng khác (cử tạ) được cho là có hiệu quả nhất trong việc tăng mức testosterone.
Nên có một chế độ ăn uống cân bằng với protein, carbs và chất béo để thúc đẩy nồng độ hormone. Ăn đúng lượng mỗi loại cũng có thể giúp thúc đẩy quá trình giảm mỡ lành mạnh, hỗ trợ thêm mức testosterone. Ngay cả việc ăn carbs cùng với việc rèn luyện sức đề kháng cũng được chứng minh là giúp tối ưu hóa mức testosterone thấp.
Khi chọn kế hoạch ăn kiêng, hãy lựa chọn thực phẩm nguyên chất và tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn tăng cường testosterone tốt nhất.
Theo dantri.com.vn - 04/04/2024
https://suckhoedoisong.vn/testosterone-thap-co-nguy-hiem-cho-suc-khoe-nam-gioi-khong-16924040219313879.htm