Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2019-2025, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách nhằm xã hội hóa giáo dục, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đã từng bước phát triển, góp phần giảm tải cho hệ thống các trường công lập cũng như ngân sách Nhà nước.
Hai vợ chồng đều là công nhân nên giờ giấc nhiều khi không chủ động được, vì vậy chị Đỗ Thị Châm ở thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương đã lựa chọn gửi con vào Trường Mầm non tư thục Linh Nga, thị trấn Hợp Hòa. Cũng như chị Đỗ Thị Châm. Như bao trường hợp công nhân khác, chị Đặng Thị Hoa, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên cũng không chủ động việc đưa đón con nên chị cũng đã lựa chọn gửi con vào nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục Sao Mai 3, tại xã Thiện Kế để yên tâm đi làm.
Thời gian đưa đón trẻ linh hoạt, chủ động, có nhiều cơ sở giáo dục mầm non còn nhận trông trẻ thêm thời gian theo nhu cầu của phụ huynh và làm việc 1 ngày cuối tuần. Đây chính là những ưu điểm mà nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt là công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp lựa chọn gửi con em mình vào các cơ sở mầm non tư thục. Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay trên địa bàn tỉnh có 14 trường mầm non tư thục và trên 200 nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục, huy động được gần 17.000 trẻ ra nhóm, lớp.
Để phát triển hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, trong đó có Nghị quyết số 14/2021 của HĐND tỉnh về hỗ trợ trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hưởng mức hỗ trợ là 220.000 đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Việc phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã góp phần giải bài toán quá tải cho hệ thống các trường công lập, đặc biệt là ở các Khu công nghiệp có biến động dân số cơ học nhanh, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của một bộ phận người lao động.
Nguyễn Toàn