Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp này phục hồi và phát triển, hệ thống các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình tín dụng thiết thực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tỉnh về tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hội sở chính về hạn mức tín dụng, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng; ưu tiên vốn cho các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, tích cực triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối "Ngân hàng - Doanh nghiệp".
Về phần hỗ trợ lãi suất, đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay ngắn hạn của các ngân hàng hiện nay từ 4 - 4,5%/năm, trung và dài hạn từ 5,5 - 7%/năm. Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 6 - 6,8%/năm, trung và dài hạn từ 9 - 10,5%/năm. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, giảm bớt áp lực tài chính để tập trung sản xuất kinh doanh.
Tính đến hết quý I/2024, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang cho hơn 3.300 doanh nghiệp vay vốn với tổng dư nợ trên 53.000 tỷ đồng, tăng 0,11% so với cuối năm 2023, trong đó cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa 28.700 tỷ đồng, chiếm 54% tổng dư nợ.
Hải Đăng