Cập nhật: 10/04/2024 08:00:00
Xem cỡ chữ

Thời gian qua, Phú Quốc đã nổi lên trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của du lịch Việt Nam với tốc độ tăng trưởng nhanh và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, quá trình phát triển nóng theo hướng đại trà ở Phú Quốc cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề, hạn chế và thách thức đối với sự phát triển bền vững.

"Chiếc áo quá chật" ở Phú Quốc?

Phú Quốc sở hữu tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định Phú Quốc nằm trong 7 khu vực động lực phát triển du lịch của cả nước. Thời gian qua, Phú Quốc đã nổi lên trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của du lịch Việt Nam với tốc độ tăng trưởng khá nhanh và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương và vùng.

Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ hoạt động du lịch của thành phố Phú Quốc trong giai đoạn 2011-2023 đạt khoảng 20-30%, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt trên 38%/năm, cao gấp 6 lần mức bình quân chung của cả nước. Ngành du lịch - dịch vụ của Phú Quốc chiếm tỷ trọng 70% trong cơ cấu giá trị sản xuất của Phú Quốc và tạo công ăn việc làm cho khoảng 70% dân số trên đảo. Quy mô ngành lưu trú tại Phú Quốc năm 2023 trên 470 cơ sở với hơn 25.000 phòng (so với chỉ 55 cơ sở lưu trú vào năm 2004), trong đó có đến 19 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao. Điểm đến này đón 5,57 triệu lượt khách tham quan, du lịch trong năm 2023, tăng hơn 40 lần so với năm 2004.

phu quoc - cau chuyen thu vi cua nganh du lich hinh anh 1

Phú Quốc là điểm đến yêu thích của khách quốc tế. Ảnh: M.K.

Trong báo cáo kết quả thực hiện Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ rõ những khó khăn, hạn chế đã cản trở quá trình phát triển của Phú Quốc. Trong đó, bộ máy quản lý nhà nước của thành phố Phú Quốc có thời điểm không theo kịp nhu cầu phát triển, thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của Phú Quốc, ví như “chiếc áo quá chật so với cơ thể".

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, sự phát triển nhanh chóng của du lịch Phú Quốc trong những năm qua đến sau một số tác động về chính sách và dự án đầu tư hạ tầng lớn. Phú Quốc chiếm khoảng 80% lượng khách quốc tế cũng như tổng thu từ khách du lịch và lượng buồng lưu trú của tỉnh Kiên Giang, đồng thời cũng là nơi thu hút phần lớn vốn đầu tư phát triển du lịch của cả tỉnh Kiên Giang, thậm chí chiếm tỷ trọng rất lớn đối với cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, Phú Quốc phát triển quá nhanh nên năng lực, trình độ quản lý, khả năng thích ứng của xã hội, khả năng đáp ứng về nguồn nhân lực không theo kịp. "Phát triển nóng theo hướng đại trà ở Phú Quốc đã bộc lộ nhiều vấn đề, hạn chế và thách thức đối với sự phát triển bền vững như xâm hại tài nguyên, rác thải, ô nhiễm môi trường, quản lý điểm đến, an ninh, trật tự, an toàn cho khách du lịch…. Các hạn chế, thách thức trên cần được giải quyết kịp thời nếu không muốn Đảo Ngọc từ “thiên đường” trở thành “bình thường” trong mắt du khách và đánh mất lợi thế, vị thế trên thị trường du lịch", TS Nguyễn Anh Tuấn nhận định.

phu quoc - cau chuyen thu vi cua nganh du lich hinh anh 2

Quy mô ngành lưu trú tại Phú Quốc đã vượt trội so với nhiều địa phương khác trên cả nước.

TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, phát triển du lịch đảo Phú Quốc với tốc độ nhanh là cần thiết nhưng không được tách rời mục tiêu phát triển bền vững, vừa đảm bảo duy trì được tốc độ tăng trưởng nhưng vẫn bảo đảm gìn giữ tài nguyên để khai thác lâu dài. Quan điểm phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và bền vững phải được đặt lên hàng đầu, cùng với đó là chú trọng đặc biệt đến chất lượng phát triển, tránh tăng trưởng nóng như vừa qua. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu này cần phải thực hiện song song đầu tư phát triển các dự án du lịch đi đôi với đầu tư hạ tầng môi trường và công tác bảo vệ môi trường, thậm chí đầu tư cho hạ tầng môi trường và bảo vệ môi trường trước để bảo đảm tính bền vững cho đầu tư phát triển du lịch.

Thay đổi phương thức quản lý điểm đến

Với 471 cơ sở lưu trú cung ứng hơn 24.880 phòng, 62 công ty lữ hành hoạt động trên địa bàn và sân bay Phú Quốc với công suất phục vụ khoảng 2,65 triệu lượt khách/năm, có thể quy mô phát triển du lịch tại thành phố Phú Quốc lớn hơn nhiều địa phương khác. Điều này đặt ra bài toán về quản lý điểm đến Phú Quốc một cách đồng bộ và theo định hướng bền vững.

PGS.TS Phạm Trương Hoàng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng Phú Quốc là một câu chuyện thú vị trong ngành du lịch thời gian qua, khi đi sâu phân tích quá trình phát triển, những cái được và chưa được của điểm đến mới nổi này: “Phú Quốc là một điểm đến mới nổi, vậy nên cũng đón nhận những mặt tiêu cực và tích cực của bất kỳ điểm đến nào theo quá trình phát triển, từ ra mắt, tăng tốc, ổn định rồi đến bão hòa. Ở đâu cũng vậy, các điểm du lịch mới nổi thì sản phẩm có tính thử nghiệm cao, sống nhờ xu hướng thì cũng sẽ lao đao khi xu hướng thay đổi, còn lượng khách tăng nhanh thì giảm cũng nhanh. Khi bước vào giai đoạn ổn định, các điểm đến sẽ ít bị sụt giảm lượng khách đột ngột, vì nếu du khách đã yêu quý một nơi thì họ sẽ không quay lưng hàng loạt”.

phu quoc - cau chuyen thu vi cua nganh du lich hinh anh 3

Câu chuyện tăng - giảm lượng khách đột ngột tại Phú Quốc là bài học kinh nghiệm về cách quản lý điểm đến

Theo PGS.TS Phạm Trương Hoàng, từ câu chuyện tăng - giảm lượng khách đột ngột tại Phú Quốc thời gian qua cần rút ra bài học về cách quản lý điểm đến tại Việt Nam sao cho đồng bộ và hiệu quả, nhất là những nơi giàu tiềm năng du lịch và thu hút đầu tư rất lớn.

“Phú Quốc phát triển nóng vì nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng và cơ hội, họ đều có tính toán cả. Dù lượng khách tăng rất nhanh nhưng hạ tầng tại Phú Quốc vẫn đáp ứng được, đó là nhờ công sức của các nhà đầu tư. Nếu không có những đầu tư đó thì trước đây hay vài năm tới, khi lượng khách tăng cao thì điểm đến không thể kịp sẵn sàng mà phục vụ được. Tuy nhiên song song đó là rủi ro cao, lại thêm dịch Covid-19 khiến Phú Quốc đã phải gánh chịu nhiều tác động. Bất kỳ điểm đến du lịch nào khi lượng khách tăng đột biến thì các vấn đề nảy sinh là không thể tránh khỏi.

Vì vậy phải có một mô hình quản trị điểm đến đặc thù, chuyên nghiệp, bài bản cho Phú Quốc. Ví dụ như người đứng đầu mô hình này phải trả lời được câu hỏi, Phú Quốc vào mỗi thời điểm trong năm hay mỗi giai đoạn phát triển sẽ khai thác phân khúc nào, thị trường nào, đi theo luồng tuyến gì; hay đối tượng khách nào thì phân bổ về nơi nào trên đảo… Năm ngoái khi vấn đề xảy ra ở Phú Quốc, chúng ta thấy thiếu vai trò người điều hành chung của điểm đến. Nguyên tắc xử lý khủng hoảng là phải có phương án dự phòng chứ không phải đến lúc xảy ra mới xử lý, mà Phú Quốc dường như yếu trong việc này".

PGS.TS Phạm Trương Hoàng cho rằng một mô hình quản lý điểm đến phù hợp hơn sẽ là cần thiết cho Phú Quốc để phát triển du lịch tốt hơn, giảm rủi ro cho cả điểm đến và mỗi thành phần trong ngành du lịch - từ nhà đầu tư đến mỗi người dân. “Một số địa phương có mô hình Sở Du lịch, đó là mô hình tốt. Tuy nhiên ở một thành phố hay cấp huyện thì phòng Văn hóa thông tin rất khó quản lý, nhất là thành phố Phú Quốc có quy mô phát triển du lịch còn lớn hơn nhiều tỉnh khác. Vì vậy cần có một mô hình phù hợp hơn để quản lý điểm đến tại Phú Quốc, có thể là hợp tác công tư với sự tham gia của nhiều thành phần trong ngành du lịch”.

Theo Hải Nam/VOV.VN - 09/04/2024

 https://vov.vn/du-lich/phu-quoc-cau-chuyen-thu-vi-cua-nganh-du-lich-post1086257.vov