Nhiều trường đại học mới công bố mức học phí dự kiến cho giai đoạn từ 2024 - 2028 với mức học phí lên đến cả trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, có không ít trường không tăng học phí để chia sẻ khó khăn với sinh viên...
Ảnh minh họa
Nhiều trường đồng loạt tăng học phí
Theo đề án tuyển sinh Trường Đại học Bách khoa TP HCM, năm 2024 trường có 8 chương trình đào tạo với mức học phí thấp nhất từ 30 triệu đồng đến mức cao nhất là 807 triệu đồng/năm.
Theo đó, các chương trình tiêu chuẩn dạy bằng tiếng Việt; Chương trình tài năng; Chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp (PFIEV) có học phí khoảng 15 triệu đồng/học kỳ.
Học phí chương trình dạy học bằng tiếng Anh; Chương trình tiên tiến được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh khoảng 40 triệu đồng/học kỳ (chưa kể học kỳ Pre-English).
Đối với chương trình chuyển tiếp quốc tế, trong 2-2,5 năm đầu, học phí khoảng 40 triệu đồng/ học kỳ. Từ 2-2,5 năm cuối - chuyển tiếp sang ĐH đối tác học phí khoảng 566-807 triệu đồng/năm.
Học phí chương trình định hướng Nhật Bản khoảng 30 triệu đồng/ học kỳ; Chương trình chuyển tiếp Quốc tế (Nhật Bản), trong đó 2,5 năm đầu học phí khoảng 30 triệu đồng/ học kỳ; 2 năm cuối khoảng 91 triệu đồng/năm.
Lộ trình học phí của Trường Đại học Luật TP HCM năm học 2024 – 2025, ngành đào tạo đại trà có mức học phí từ 35,25 – 41 triệu đồng/năm học. Các ngành đào tạo chất lượng cao có học phí từ 70,5 – 83,6 triệu đồng/năm học. Đặc biệt nhất, chương trình đào tạo chất lượng cao giảng dạy 100% bằng tiếng Anh có mức học phí 181,5 triệu đồng/năm học.
Trường Đại học Y Dược TP HCM dự kiến tăng học phí, mức thu năm 2024 cao nhất là ngành Răng - Hàm - Mặt với 84,7 triệu đồng/năm. Theo đó, học phí dự kiến các ngành dao động từ 46 - 84,7 triệu đồng/năm học. So với mức thu của năm học 2023-2024 trong khoảng 42,8 - 77 triệu đồng/năm học thì học phí các ngành năm tới đều tăng từ 3-8 triệu/năm.
Ngành có học phí cao nhất là Răng - Hàm - Mặt với 84,7 triệu đồng/năm (dự kiến tăng 7,7 triệu đồng so với năm học 2023-2024). Tiếp đến, ngành Y khoa dự kiến thu 82,2 triệu đồng/năm (dự kiến tăng 7,4 triệu đồng).
Ngành Dược học dự kiến học phí 60,5 triệu đồng/năm (tăng 5,5 triệu đồng). Hai ngành đào tạo bác sĩ y học cổ truyền và y học dự phòng cùng mức học phí dự kiến 50 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại cùng mức 46 triệu đồng/năm.
Trường đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng tăng học phí từ học kỳ II năm học này sau khi Chính phủ ban hành nghị định 97 cuối năm 2023. Nhiều sinh viên của trường kêu ca vì mức học phí mới quá cao.
Một sinh viên ngành dược cho biết học phí năm học này tăng gấp đôi so với năm học trước, lên 51 triệu đồng/năm. Học kỳ I trường thu học phí hơn 12 triệu đồng/học kỳ. Học kỳ II học phí tăng lên, ngoài học phí 25,5 triệu đồng của học kỳ này, sinh viên phải đóng bù thêm 13,25 triệu đồng học phí của học kỳ I. Tổng học phí phải đóng học kỳ này của sinh viên ngành dược lên đến 38,75 triệu đồng.
Trường đại học Y Dược Hải Phòng cũng vừa quyết định mức học phí mới năm học 2023-2024 đối với sinh viên chính quy. Theo đó, học phí dao động từ 27 triệu đến 35 triệu đồng/năm học. Mức này tăng cao hơn gấp đôi so với học kỳ II năm học 2022-2023.
Nếu như năm học trước các ngành y, răng hàm mặt, dược... có học phí 1,43 triệu đồng/tháng thì học kỳ II năm học này sinh viên phải đóng 3,5 triệu đồng/tháng. Trường đại học này chỉ áp dụng mức học phí tăng cho học kỳ II và không tăng học kỳ I năm học 2023-2024, sinh viên không bị "truy thu" học phí học kỳ I như một số trường đại học khác.
Không tăng học phí, chia sẻ cùng sinh viên
Trong khi một số trường tăng học phí, có nơi tăng gấp đôi thì một số trường lại thông báo không tăng học phí trong năm học này, mà sẽ tăng trong năm học tới.
Trường Đại học Giao thông vận tải TP HCM thông báo không tăng học phí. Nhà trường giữ ổn định học phí chương trình đào tạo chuẩn là 354.000 đồng/tín chỉ. Học phí chương trình chất lượng cao là 770.000 đồng/tín chỉ. Với mức thu theo tín chỉ này, sinh viên đóng học phí hơn 10,6 triệu đồng/năm cho chương trình chuẩn và khoảng 23,1 triệu đồng/năm đối với chương trình chất lượng cao.
Lãnh đạo nhà trường cho biết, việc không tăng học phí đồng nghĩa với việc trường đối mặt với nhiều khó khăn như thu nhập cho cán bộ, giảng viên, hiện đại hoá cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập. Tuy nhiên, nhà trường có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, đồng hành và sẻ chia với phụ huynh, sinh viên.
Trường Đại Công Thương TP HCM cũng cam kết không tăng học trong suốt khoá học. Mức thu là 730.000 đồng/tín chỉ lý thuyết và 935.000 đồng/tín chỉ thực hành, tức khoảng 27-30 triệu đồng một năm. Ngay từ đầu kỳ tuyển sinh, nhà trường đã công bố học phí của toàn bộ khóa. Cụ thể, toàn khóa 2023–2027, dao động từ 105-120 triệu đồng/khóa. Dự kiến học phí toàn khóa 2024-2028 dao động từ 110– 130 triệu đồng/khoá.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng trường ĐH Công Thương TP HCM cho rằng, trong bối cảnh kinh tế đất nước, gia đình phụ huynh còn khó khăn thì không tăng học phí là trách nhiệm xã hội của trường đại học.
Học phí Trường Đại học Công nghiệp TP HCM dao động từ 27,83-30,2 triệu đồng/năm, tuỳ ngành. Mức tăng không quá 10% mỗi năm.
Năm học 2024-2025, học phí dự kiến cho chương trình chính quy của Trường Đại học Ngân hàng TP HCM là gần 10,6 triệu đồng/học kỳ. Trong khi đó, dự kiến học phí chương trình chính quy chất lượng cao (tiếng Anh bán phần) và chương trình đào tạo đặc biệt là 20,2 triệu đồng/học kỳ.
Đối với chương trình chính quy quốc tế cấp song bằng và học phí chương trình liên kết đào tạo quốc tế do đại học đối tác cấp bằng tối đa là 216,5 triệu đồng/khoá. Nếu sinh viên học 8 học kỳ thì trung bình là 27 triệu đồng/học kỳ...
Theo Hương Lý/VOV-Tây Nguyên - 04/04/2024
https://baophapluat.vn/nhieu-dai-hoc-tang-hoc-phi-co-nganh-len-den-hang-tram-trieu-dongnam-post509741.html