Nằm trong khu vực Duyên hải miền Trung, Ninh Thuận được mệnh danh là "Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt" bởi sự kết hợp độc đáo giữa cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và di sản văn hóa đa dạng.
Nắm bắt lợi thế này, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết du lịch theo vùng và quốc gia để thu hút du khách, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Du khách Hàn Quốc tham quan, tìm hiểu nghệ thuật làm gốm của đồng bào Chăm làng Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước). Ảnh: TTXVN phát
Năm 2024, Ninh Thuận đặt mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách; trong đó, khách nội địa 3,1 triệu lượt, khách quốc tế 100.000 lượt, doanh thu ngành Du lịch phấn đấu đạt 2.500 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các hãng hàng không, nhiều tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, các tỉnh Tây Nguyên để xây dựng chương trình, tour, tuyến du lịch hấp dẫn.
Bên cạnh duy trì và phát triển thị trường khách truyền thống khu vực Đông Nam Á, Nga, Trung Quốc, Australia, Đông Âu, Tây Âu, ngành Du lịch Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển các thị trường Đông Bắc Á, hướng đến mở rộng thị trường khách các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Đông và Bắc Mỹ nhằm thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Du khách tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Po Klong Garai ở phường Đô Vinh (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Năm 2024, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện thu hút du khách trong nước và quốc tế như: Đón đoàn famtrip Hàn Quốc khảo sát sản phẩm du lịch Ninh Thuận; thí điểm tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; tham gia hội chợ du lịch các tỉnh, thành phố tìm kiếm cơ hội đầu tư, liên kết du lịch; Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận trong tháng 4/2024.
Cùng với đó, tỉnh tổ chức giải Golf Ninh Thuận mở rộng; Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng; chương trình Ngày quốc tế Yoga lần thứ 10; Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI; Lễ hội Katê; Giải lướt ván diều Ninh Thuận. Tỉnh triển khai các nội dung ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Ninh Thuận với các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên... để hình thành tour, tuyến trải nghiệm mới thu hút du khách.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên, thời gian qua, du lịch Ninh Thuận dần định vị được thương hiệu, xác lập nhiều điểm đến có sức hấp dẫn riêng trong khu vực Duyên hải miền Trung và cả nước. Tỉnh xác định du lịch là một trong sáu nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển. Hiện nay, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết du lịch với các tỉnh, thành phố và các quốc gia để thu hút du khách, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Vẻ đẹp nên thơ của bãi biển Ninh Chữ (thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Về tiềm năng du lịch, Ninh Thuận sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Hang Rái; có hai Vườn Quốc gia gồm Phước Bình và Núi Chúa, trong đó Vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam. Nơi đây có hệ sinh thái rừng, biển, bán sa mạc độc đáo đang được đầu tư xây dựng để trở thành những khu du lịch tầm cỡ trong khu vực.
Ninh Thuận còn có đồi cát rộng, đẹp sát biển quy mô lớn, phù hợp phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, trường đua mô tô trên cát, lướt sóng, leo núi, tham quan cánh đồng muối. Không chỉ sở hữu tài nguyên thiên nhiên phong phú, Ninh Thuận còn có hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa Chăm, Raglai, lễ hội dân gian, tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực bản địa đặc sắc của cư dân miền biển... cũng là điểm mạnh thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, để đưa ngành Du lịch phát triển trong giai đoạn mới, địa phương cùng các doanh nghiệp du lịch đang tập trung huy động nguồn lực, kiện toàn cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ. Toàn tỉnh hiện có 212 cơ sở lưu trú với trên 4.680 phòng; trong đó, trên 50% số phòng đạt chất lượng tương đương 3 sao trở lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú để tổ chức sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh, quốc gia và quốc tế.
Xây dựng các khách sạn, khu nghỉ dưỡng hiện đại ven biển thành phố Phan Rang – Tháp Chàm phục vụ khách du lịch. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Hiện nay, một số dự án du lịch trọng điểm trên địa bàn đang được triển khai xây dựng như: Sunbay Park Hotel & Resort Phan Rang, Khu resort nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn quốc tế 5 sao kết hợp tuyến phố thương mại ẩm thực của Công ty Cổ phần du lịch Quốc tế Ninh Thuận, dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Hõm, dự án Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa, dự án Khu du lịch Bình Tiên...
Ngành Du lịch tập trung xây dựng và ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch để tăng tính trải nghiệm, tạo thuận lợi cho du khách. Ninh Thuận đẩy mạnh quảng bá du lịch trên các nền tảng số, kênh truyền thông, báo chí, mạng xã hội, phát hành ấn phẩm giới thiệu điểm đến “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”.
Theo Nguyễn Thành (TTXVN) - 12/04/2024
https://baotintuc.vn/du-lich/thuc-day-lien-ket-vung-quoc-gia-de-phat-trien-du-lich-20240412121459211.htm