Vùng biên giới giữa Nga và các nước Đông Âu trong khối NATO hiện nóng lên từng ngày khi Nga củng cố thế trận quân sự tại đây và điều thêm tên lửa hạt nhân, còn Ba Lan cũng bày tỏ sẵn sàng cho phép Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này để đáp trả.
Nga bố trí tên lửa hạt nhân sát biên giới phía Đông, Ba Lan phản ứng
Khi Nga chuẩn bị củng cố quân khu Leningrad mới được thành lập dọc theo biên giới với Phần Lan, Tổng thống Ba Lan Andrzej Sebastian Duda bày tỏ dấu hiệu nước ông sẵn sàng để Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân tại đây nếu khối quân sự NATO muốn tăng cường sườn phía Đông của họ trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Nga.
Tên lửa đạn đạn Iskander của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Trả lời phỏng vấn ấn phẩm Ba Lan Fakt, Tổng thống Duda cho hay: “Nga đang gia tăng quân sự hóa tỉnh Königsberg (tức Kaliningrad). Gần đây, họ đã triển khai vũ khí hạt nhân sang Belarus”.
Ông Duda nói tiếp: “Nếu các đồng minh của chúng ta quyết định triển khai vũ khí hạt nhân như một phần trong việc chia sẻ hạt nhân trên lãnh thổ chúng ta, để củng cố an ninh sườn phía Đông của NATO, thì chúng ta sẵn sàng cho điều đó”.
Theo ông Duda, Ba Lan đã và đang thương thảo với Mỹ về “chia sẻ hạt nhân”. Ông không cung cấp thêm chi tiết về các cuộc thảo luận này.
Tuyên bố trên của Tổng thống Ba Lan xuất hiện sau khi ông thăm Mỹ và gặp gỡ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, hiện đang trong hành trình tái tranh cử tổng thống tại Mỹ. Ông Duda nói nhiều điều tốt đẹp về ông Trump và cho biết, cả hai có nhiều điểm tương đồng trong thảo luận.
Bình luận trên của Tổng thống Duda được đưa ra trong bối cảnh Nga đã nhiều lần bóng gió về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Các nguồn tin tại Bộ Quốc phòng Nga gần đây thông báo cho truyền thông địa phương rằng điện Kremlin đang củng cố quân khu Leningrad mới thành lập bằng một đơn vị tên lửa đạn đạo Iskander-M có năng lực mang đầu đạn hạt nhân.
Mặc dù hầu hết các nước NATO không sở hữu vũ khí hạt nhân riêng, học thuyết “Chia sẻ hạt nhân” của NATO cho phép các nước thành viên không có vũ khí hạt nhân vẫn được tham gia hoạt động triển khai vũ khí hạt nhân của NATO. Thí dụ, Bỉ, Đức, Italy và Hà Lan được tiếp cận các vũ khí hạt nhân họ B61 do Mỹ cung cấp.
Thỏa thuận Chia sẻ hạt nhân của NATO có thể được mở rộng để bao gồm cả Ba Lan nếu như liên minh quân sự này quyết định tạo thế răn đe dọc theo sườn Đông Bắc. Tuy nhiên Mỹ vẫn chưa bình luận về các ý kiến của ông Duda và những động thái như vậy dường như chưa được tính đến.
Nga tái lập quân khu Leningrad rộng lớn
Trước đó, trong năm 2024 này, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh tái lập quân khu Leningrad tích hợp Cộng hòa Karelia, Cộng hòa Komi, các địa phương Arkhangelsk, Vologda, Kaliningrad, Leningrad, Murmansk, Novgorod và Pskov, thành phố Saint Petersburg và vùng tự trị Yamalo-Nenets.
Việc lập quân khu Leningrad là để đáp trả NATO mở rộng, kết nạp thêm Phần Lan và Thụy Điển. Về việc này, khi đó Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu phát biểu như sau: “Do sự hình thành tiềm lực quân sự NATO gần biên giới Nga, sự mở rộng liên minh này thông qua kết nạp Phần Lan và trong tương lai, cả Thụy Điển, chúng tôi đã thực thi các bước đi nhằm củng cố lực lượng trên hướng chiến lược Tây Bắc và phía Tây”.
Từ lâu trước khi có ý tưởng triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật Iskander-M tới Leningrad, Nga đã công bố ý định bố trí vũ khí hạt nhân ở Belarus. Tổng thống Belarus Lukashenko thông báo vào tháng 12/2023 rằng việc chuyển vũ khí hạt nhân Nga sang đất nước ông đã hoàn thành.
Khi ấy, ông Lukashenko nói rằng nước ông cho đặt các vũ khí hạt nhân là nhằm ngăn chặn nguy cơ một cuộc xâm lấn từ phía Ba Lan - quốc gia có chung đường biên giới với Ukraine và đóng vai trò chủ chốt trong viện trợ quân sự cho Ukraine đối đầu vũ trang với Nga. Belarus là đồng minh duy nhất của Nga trong vùng và có biên giới với cả Ukraine lẫn Ba Lan.
Ba Lan theo dõi sát sao các động thái như vậy.
Phần Lan tiếp tục không dừng lại
Nga đã liên tục bày tỏ quan ngại rằng Phần Lan gia nhập NATO đồng nghĩa với việc binh lính và vũ khí hiện đại của NATO sẽ được triển khai sát biên giới Nga, đe dọa an ninh của Nga. Phần Lan chưa bác bỏ các khả năng như vậy. Không những thế, Phần Lan còn thực hiện các bước đi để tăng cường sự hiện diện của NATO trên lãnh thổ của mình.
Động thái này của Phần Lan được xem là để phản ứng lại việc Kremlin quyết định triển khai tên lửa Iskander-M tại quân khu Leningrad nằm sát biên giới NATO.
Theo các nguồn tin, Karelia (thuộc quân khu Leningrad của Nga) đã thiết lập một lữ đoàn tên lửa riêng biệt được trang bị hệ thống tên lửa Iskander-M. Khu vực này cũng tiếp nhận quân đoàn 14 ở tỉnh Murmansk và quân đoàn 11 ở tỉnh Kaliningrad. Karelia nằm dọc theo biên giới với Phần Lan.
Cựu Tư lệnh Hạm đội Biển Đen, Đô đốc Vladimir Valuev, nói với tờ Izvestia: “Việc thành lập một lữ đoàn tên lửa là quyết định rất kịp thời. Đây là phản ứng hợp lý trước việc Phần Lan gia nhập NATO”. Ông Valuev gợi ý rằng lữ đoàn tên lửa này sẽ đóng vai trò của nó trong trường hợp xuất hiện mối đe dọa nào đó từ quân NATO và thực hiện hoạt động tác chiến phù hợp. Ông nhấn mạnh rằng lữ đoàn này được kỳ vọng sẽ củng cố vùng sườn của Nga.
Hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động 9K720 Iskander-M làm nên cốt lõi năng lực tấn công chính xác hiện đại của Nga. Hệ thống này có tầm bắn trên 400km, tên lửa của nó lao với tốc độ Mach 7 trong khi cơ động luồn lách để tránh hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Các vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế với tầm bắn ngắn và sức công phá vừa phải so với loại tên lửa tầm xa gắn đầu đạn mạnh hơn nhiều.
Tuy nhiên, vũ khí hạt nhân chiến thuật vẫn có sức công phá ghê gớm so với vũ khí thông thường. Nga ít khả năng sử dụng loại vũ khí này với một quốc gia NATO nhưng với diễn biến căng thẳng hiện nay trong khủng hoảng Ukraine, rất khó loại trừ mọi tình huống.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch – 24/4/2024
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nga-cung-co-bien-gioi-bang-ten-lua-hat-nhan-ba-lan-san-sang-bo-tri-vu-khi-my-post1090945.vov