Cập nhật: 25/04/2024 17:00:00
Xem cỡ chữ

21.000 chiếc xe đạp thồ, hơn 3 vạn lượt dân công hỏa tuyến - trong số 26 vạn dân công cả nước, đã cùng với phương tiện vận tải cơ giới, vượt núi cao, vực sâu, đưa 25.000 tấn vũ khí, lương thực thực phẩm vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Có những "kiện tướng xe thồ" lập kỷ lục chở trên 3,5 tạ/1 chuyến, kiện tượng xe cút kít chở đến 2,8 tạ/một chuyến.

Người Pháp đã phải thốt lên: “Không phải viện trợ của nước ngoài đã đánh bại tướng Nava,  mà đó là những chiếc xe đạp “Pơgiô” chở 200 đến 300kg hàng, do những dân công ăn không đủ no, ngủ trên những tấm ni lông trải ngay trên mặt đất!

70 năm sau chiến thắng Điện Biên, đường lên Tây Bắc nay đã có cao tốc thênh thang, sân bay hiện đại. Nhưng, hình ảnh chiếc xe đạp thồ vẫn là niềm kinh ngạc với thế giới, niềm tự hào và kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam.

Duong len tay bac tu nhung chiec xe dap tho den may bay a321 hinh anh 1

Khách tham quan Triển lãm 70 năm Chiến thắng Điện Biên hào hứng với chiếc xe đạp thồ đã dùng trong Chiến dịch

Ký ức Điện Biên: Những cung đường huyền thoại 

Lần đầu tiên tham gia triển lãm ảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ tổ chức ngày 23/4, tại Hà Nội, bạn Phan Ngọc Hà, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội rất thích thú với hình ảnh những chiếc xe đạp thồ, những chiếc áo trấn thủ, bát sắt của các chiến sỹ từng dùng trong chiến dịch Điện Biên năm xưa.

Cũng như nhiều du khách, Hà không thể tưởng tượng, chỉ với chiếc xe đạp thồ, có thể chở tới 200-300kg đạn dược, lương thực, hay những: "Khi nhìn lại thời đại của các cụ như thế thì quả thật rất thán phục các cụ… Nếu không được học lịch sử thì khi nghĩ về chuyện trong một ngày đêm mà mở đường 15km thì bọn em nghĩ là điều đó không thể xảy ra".

Bạn Bùi Thị Thu, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cũng bày tỏ: "Nếu đặt em vào hoàn cảnh đấy thì chưa chắc em có thể dũng cảm, kiên cường như những người chiến sĩ lúc đó. Em nghĩ những câu chuyện như thế này nên được kể nhiều hơn, nói nhiều hơn, thậm chí có thể đưa vào sách vở để giảng dạy cho những thế hệ sau"

Duong len tay bac tu nhung chiec xe dap tho den may bay a321 hinh anh 2

Đại tá Nguyễn Hữu Tài tại triển lãm

Từng thực hiện nhiệm vụ tại tỉnh Điện Biên 5 năm, đọc nhiều tài liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, Đại tá Phùng Tiến Thanh, nguyên cán bộ Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng không giấu được niềm tự hào, thán phục. Thậm chí, so với thời điểm Quốc lộ 6 cũ chưa sửa chữa, việc đi lại bằng phương tiện ô tô đã thấy rất gian truân:

"Có thể mường tượng được trước đây các cụ mở một con đường hành quân, đưa được vũ khí, khí tài, đưa lực lượng lên trên đấy là cả một vấn đề rất lớn. Việc đi của các cụ như thế phải có một động lực rất lớn là vì đất nước. Chỉ có động lực đó mới chiến thắng được như thế, vì đường đi đến thế hệ như mình đi ô tô từ sáng đến đêm mới về đến Hà Nội mà đã thấy khó khăn lắm, mà đấy là đi ô tô".

Đã bước sang tuổi 95, nhưng từng trận đánh, từng chặng đường hành quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm dường như vẫn chưa phai mờ trong ký ức Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 - đơn vị được chọn tiên phong tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong đó, con đường 13 (nay là Quốc lộ 37) từ Bến Hiên (Tuyên Quang), qua đèo Lũng Lô tới ngã ba Cò Nòi (tỉnh Sơn La), nối với đường 41 phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ dài trên 120 km, địa hình chủ yếu là núi cao, vực sâu, đi qua 3 con sông lớn là sông Chảy, sông Hồng và sông Đà để lại ấn tượng đặc biệt.

Duong len tay bac tu nhung chiec xe dap tho den may bay a321 hinh anh 3

Bản đồ vẽ các vị trí đóng quân của địch trong trận địa Điện Biên Phủ

Hơn 124.000 lượt dân công tham gia mở đường, hơn 200 ngày đêm nỗ lực, cùng với sự hỗ trợ của nhân dân địa phương tự nguyện quyên góp hàng nghìn cây gỗ, hàng vạn cây tre, bương, vầu, cột nhà... để lót đường, bắc cầu thông xe, đã giúp hàng vạn ô tô, xe thồ chở vũ khí tiếp ứng đầy đủ, kịp thời cho chiến trường.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài chia sẻ: "Ngày 20 tháng 11 quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ lập tập đoàn cứ điểm lớn ở đấy thì ngày 15 tháng 12, tức là 25 ngày sau thì đơn vị chúng tôi bắt đầu hành quân lên Điện Biên Phủ. Hàng tháng trời, hành quân 500 cây số, dọc đường thấy dân công, thanh niên xung phong, công binh, tất các thứ làm con đường để cho pháo đi được, nhất là qua đèo Lũng Lô, đèo Pha Đin, 2 con đèo cao nhất, thấy đường mở rộng ra, thấy rằng khí thế bắt đầu, nghĩa là bắt đầu chiến dịch rồi".

Từng tham gia mở đường kéo pháo, đại tá Nguyễn Quốc Thịnh, 93 tuổi, nguyên đại đội phó cơ quan tham mưu Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, nguyên Phó Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng nhớ lại, dù chỉ kéo dài 15km, song đây lại là tuyến đường rất quan trọng để kéo pháo vào trận địa. Đèo cao, dốc sâu, có những đèo cao nhất lên đến 1.060m, có những con dốc tới 60 độ, nhưng việc làm đường được hoàn thành trong 1 ngày 1 đêm - một thời gian kỷ lục không ai ngờ tới: "Từ Nà Ngần, tức đường số 41, đơn vị tôi phải làm con đường kéo pháo sang Lai Châu, đi qua Mường Pôn. Vì nó là cánh rừng, nhưng vì là đường kéo pháo nên đơn vị phải làm trong 1 ngày đêm phải xong con đường đó"

Còn rất nhiều con đường tải đạn, tải lương in dấu những năm tháng gian lao và hào hùng năm xưa nay đã trở thành một huyền thoại. Những khó khăn, vất vả dần rời xa thay cho sự đổi thay đáng mừng trong cuộc sống của đồng bào trên những tuyến đường làm nên lịch sử.

 Để Điện Biên “cất cánh” 

Nét nổi bật trong bức tranh phát triển hạ tầng giao thông ở Điện Biên là dự án đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đã được hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 12/2023, đáp ứng khai thác dòng máy bay A320, A321.

Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh: “Việc đưa Cảng hàng không Điện Biên vào hoạt động giúp cho các hãng hàng không đi từ các nơi, đặc biệt là từ Hà Nội lên Điện Biên, TP HCM tới Điện Biên và sau này là từ các trung tâm kinh tế lớn khác tới Điện Biên thuận lợi; giúp cho Điện Biên ngày càng phát triển về kinh tế về du lịch, bà con tới được Điện Biên nhiều hơn”.

Duong len tay bac tu nhung chiec xe dap tho den may bay a321 hinh anh 4

Một chiếc máy bay Airbus hạ cánh xuống mặt đường băng sân bay Điện Biên

Ngoài cảng hàng không, Điện Biên đã đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ huyết mạch như quốc lộ 12, quốc lộ 279B cùng hệ thống đường giao thông nông thôn kết nối với các huyện, xã, thôn của tỉnh. Có đường mới, chị Tòng Thị Xuyến, người dân ở huyện Mường Ảng, Điện Biên chia sẻ, việc lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân thuận lợi hơn rất nhiều: “Khi chưa có con đường này thì người dân đi lại, buôn bán khó khăn. Được Nhà nước quan tâm giờ chúng em có con đường tốt để đi lại”.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được cải tạo, nâng cấp đã góp phần quan trọng “mở đường” đón các nhà đầu tư đến với Điện Biên. Ông Bùi Anh Tiến, một nhà đầu tư tại tỉnh Điện Biên hy vọng, các dự án giao thông sẽ giúp khơi thông con đường đón khách du lịch về với Điện Biên nhiều hơn: “Như chúng ta đã biết thì giao thông là cầu kết nối quan trọng giữa du lịch và khách hàng. Khi giao thông thuận tiện thì khách hàng sẽ đến với chúng ta rất nhiều. Vì thế đây là cơ hội rất lớn với các doanh nghiệp như chúng tôi để có thể tập trung và đầu tư trong thời gian sắp tới”

Không riêng Điện Biên mà cả vùng Tây Bắc cũng đang rút ngắn về khoảng cách với các vùng, miền trong cả nước với nhiều công trình giao thông đã và đang được triển khai như: dự án kết nối giao thông liên vùng hầm Hoàng Liên và dự án kết nối giao thông Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai;  dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa và dự án Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai…Các địa phương Tây Bắc đã có hàng nghìn km đường giao thông nông thôn được mở mới, nhựa hóa, bê tông hóa; có tỉnh đã đạt 100% xã có đường ô tô đến trung tâm.

Tuy nhiên, điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh Điện Biên còn nhiều khó khăn, lưu lượng phương tiện chưa cao trong khi địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt, nhiều tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng và vào mùa mưa hàng năm thường xảy ra sụt, trượt. Do đó, việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng và quốc tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Ông Phạm Văn Sỹ, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên chia sẻ về các giải pháp sẽ triển khai nhằm đồng bộ hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh: “Để thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, ngành giao thông Điện Biên sẽ tập trung thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác và bảo trì các công trình đường bộ; chủ động khắc phục hậu quả thiên tai để đảm bảo giao thông thông suốt; đồng thời tích cực tìm kiếm, kêu gọi các nguồn lực đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”.

Trọng tâm của Điện Biên trong thời gian tới là ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông có tính liên kết vùng, giữa các địa phương với trung tâm kinh tế của các tỉnh và cả nước; ưu tiên các tuyến kết nối với cửa khẩu quốc gia đến Lào, Trung Quốc và từng bước nghiên cứu đầu tư hệ thống cao tốc đoạn Sơn La – Điện Biên.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên mong mỏi có nguồn vốn để thực hiện các dự án đường địa phương: “Khoảng thời gian từ nay đến năm 2030, để đạt được các mục tiêu nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thì tỉnh Điện Biên rất cần Trung ương hỗ trợ khoảng 7.000 tỷ để đầu tư nâng cấp các tuyến Quốc lộ, đặc biệt là 3 tuyến quốc lộ lết nối với Lai Châu, với Lào và với Trung Quốc”

Các dự án hạ tầng giao thông tại Điện Biên đã đảm bảo tính sẵn sàng để thực hiện. Khi được triển khai và hoàn thành sẽ góp phần tăng khả năng kết nối nội vùng, liên vùng, thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực, tạo đà để Điện Biên “cất cánh”.

Theo PV/VOV-Giao thông – 25/4/2024

https://vov.vn/chinh-tri/duong-len-tay-bac-tu-nhung-chiec-xe-dap-tho-den-may-bay-a321-post1091409.vov