Năm nào cũng vậy, kỷ niệm ngày 30/4 ở TP. HCM luôn mang không khí lễ hội rất đặc biệt, vừa xúc động, tự hào, vừa phấn khởi, tưng bừng. Cảm xúc của những nhân chứng lịch sử đã từng chứng kiến thành phố trong ngày 30/4/1975 càng đặc biệt hơn.
Niềm vui như trong mơ
Trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ở đô thị Sài Gòn có lực lượng biệt động được mệnh danh là "xuất quỷ nhập thần" với những chiến công vang dội, đóng góp vào thắng lợi của cả dân tộc.
Ông Huỳnh Văn Cấn (biệt danh Tư Trung) là thành viên của Đội B2 Biệt động Sài Gòn trong kháng chiến, kể rằng, ông cùng đội với những anh hùng đã hy sinh anh dũng, tên đã được đặt cho những con đường mà ngày nay người dân TP.HCM hầu như ai cũng nghe danh, như: Bành Văn Trân (biệt danh Năm Vững), Đồng Đen (tên thật là Nguyễn Văn Kịp)...
Năm 1975, bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, do yêu cầu công tác, ông Tư Trung chuyển sang làm trinh sát và xạ thủ B41 của Trung đoàn Gia Định, đánh vào Xuân Thới Thượng, Bà Điểm - Hóc Môn.
Một góc Ngã tư Bảy Hiền ngày nay, phía bên phải, trong hàng rào là hàng cây viết mà ông Tư Trung từng mắc vòng nằm gác chốt trong ngày 30/4/1975.
Đêm 28/4/1975, ông cùng đơn vị hành quân về chốt tại cầu Tham Lương ở cửa ngõ phía Bắc của Sài Gòn (trên đường Trường Chinh, Quận 12 ngày nay), để cho xe tăng của quân ta vào thành phố.
Đêm 29/4/1975, ông Tư Trung cùng đơn vị tiếp tục hành quân vào nội thành Sài Gòn, tiến về phía cư xá Lữ Gia, khám Chí Hòa và quay lại chốt ở Ngã tư Bảy Hiền - một địa điểm nổi tiếng ác liệt lúc bấy giờ.
Trưa 30/4/1975, khi Sài Gòn được giải phóng, quân ta cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, Tổng thống Sài Gòn Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, bà con khu Bảy Hiền đổ ra đường ăn mừng chiến thắng. Sau đó, bà con về nấu cơm đem ra cho bộ đội mình ăn mừng.
Ông Tư Trung nói, chưa bao giờ vui như vậy. Ông nhớ lại, lúc đó ông cũng không có quân phục gì cả, có gì mặc nấy nhưng người dân vẫn nhận ra bộ đội mình: "11h30 VNCH tuyên bố đầu hàng. Tôi còn nhớ như in. Tôi dựng khẩu B41 ở hàng rào cây viết, rồi mắc võng chốt ở đó. Dân ngã tư Bảy Hiền là dân cách mạng mà, dân làng dệt mà, dân nấu cơm cho tụi tui ăn mà. Chốt đến 1h trưa thì đói bụng, dân nấu cơm mang ra cho bộ đội mình ăn.).
Cũng là một chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, bà Lại Thị Kim Túy (Sáu Túy) thuộc Đội Biệt động Vùng 3 - Phân khu 2, cùng đồng đội tiến vào thành phố từ hướng Củ Chi.
Chiều 29/4, tại Củ Chi, bà Sáu Túy bị thương. Đơn vị định để bà ở lại ngoại thành nhưng bà thấy mình chỉ bị thương ở phần mềm, vẫn có thể theo đơn vị được. Và trên tất cả, bà Sáu Túy cũng như các đồng chí đồng đội khác mong ước cháy bỏng được chứng kiến ngày giải phóng Sài Gòn: "Tình hình lúc đó ngày trước và ngày sau khác hẳn nhau. Ngày 29/4 còn là chế độ cũ, khác hoàn toàn với ngày 30/4 khi quân ta đã chiếm được Sài Gòn. Người dân rất phấn khởi, ào ạt đổ ra đường, cờ và băng rôn vẫy đầy đường chào đón bộ đội, chào đón lực lượng cách mạng."
Trong ký ức của các nhân chứng lịch sử về ngày 30/4/1975, có một người mang ký ức khá đặc biệt, đó là chị Bành Thị Lệ - con gái của chiến sĩ biệt động thành Bành Văn Trân (Năm Vững).
Anh hùng lực lượng vũ trang Bành Văn Trân đã hy sinh năm 1967 và từ đó đến năm 1975, gia đình ông đã vừa sống vừa hoạt động cách mạng vô cùng khó khăn ngay tại nội thành Sài Gòn.
Từ trái sang: Ông Huỳnh Văn Cấn (biệt danh Tư Trung), chị Bành Thị Lệ (con gái của Anh hùng lực lượng Vũ trang Bành Văn Trân) và bà Lại Thị Kim Túy (biệt danh Sáu Túy) trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn đúng vào dịp kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sống gần sân bay Tân Sơn Nhất, gia đình chị Bành Thị Lệ cùng bà con phải đào hầm để tránh bom rơi đạn lạc. Ngày giải phóng, chị Lệ khi ấy 15 tuổi, cùng bà nội, má và các anh chị em vỡ òa niềm vui, niềm tự hào, niềm xúc động khi những hy sinh của ông Bành Văn Trân và bao chiến sĩ cách mạng khác đã đi đến kết quả cuối cùng.
Chị Lệ kể: "Trước đó, khu nhà tôi ở gần sân bay, đạn bắn nên ai cũng sợ, mọi người đào hầm chui xuống tránh. Ngày 30/4, buổi trưa giải phóng, mọi người ùn ùn lên mừng vui phấn khởi. Mọi người la lên, giải phóng rồi, mừng vui phấn khởi dữ lắm. Bao nhiêu năm chờ đến ngày này mà."
Chứng kiến sự đổi thay của thành phố
49 năm sau ngày giải phóng, những chiến sỹ biệt động thành như ông Tư Trung, bà Sáu Túy hay con của chiến sỹ Biệt động như chị Bành Thị Lệ vẫn tiếp tục sống và làm việc tại Sài Gòn - TP.HCM. Họ đã góp phần xây dựng thành phố sau chiến tranh và niềm vui lớn dần cùng sự phát triển của thành phố.
Ông Tư Trung - Huỳnh Văn Cấn thỉnh thoảng có dịp đi qua Ngã tư Bảy Hiền vẫn lặng ngắm hàng cây viết cao lớn trong khuôn viên Bệnh viện Thống Nhất ngày nay: "Thay đổi quá nhiều, gần như không nhìn ra. Hồi xưa trống lắm, từ đó đến Lăng Cha Cả khoảng 2km đường trống trơn, không có nhiều nhà cửa cây cối như bây giờ. Ngã tư Bảy Hiền có hàng cây viết đó, xưa hàng cây thấp vừa cột cái võng dù, giờ tàn lớn lắm rồi, mấy chục năm rồi."
Bà Sáu Túy - Lại Thị Kim Túy cũng vậy, tuy tuổi cao nhưng bà vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn, vẫn nhẹ nhàng kể cho thế hệ sau nghe về những ngày làm giao liên biệt động, như một điều hiển nhiên mà ai trong hoàn cảnh đó cũng làm. Bà vui vì những hy sinh, mất mát của đồng đội đồng chí mình cho thành phố này thực sự có ý nghĩa to lớn.
Bà Sáu Túy - Lại Thị Kim Túy kể về loại súng mà nữ Biệt động Sài Gòn như bà từng sử dụng.
Đó là khi bà Sáu Túy chứng kiến sự đổi thay từng ngày của Sài Gòn - TP.HCM: "Hồi xưa từ Củ Chi xuống Hóc Môn coi như hai bên đường là đất hoang, dài xuống Gò Vấp bây giờ thì là khu đất ruộng. Còn bây giờ tất cả là đất thành phố, đất của phố phường, không còn là đất hoang xưa nữa. Đời sống giờ khác hẳn, khác rất nhiều."
Những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, những người dân Sài Gòn tham gia cách mạng trước năm 1975, vẫn coi hoạt động của mình, của cha anh mình như một việc mà người dân mất nước nào cũng làm. Vì vậy, đôi khi họ chỉ giữ phần ký ức cho riêng mình.
Thế nhưng, thế hệ đang hưởng thành quả của độc lập, của thống nhất đất nước như chúng ta hiện nay thì cần phải biết và tri ân những câu chuyện tưởng chừng như bình dị nhưng thực chất là anh hùng. Trong đó, ký ức về ngày 30/4/1975 của chính những nhân chứng lịch sử, những người đã đi qua cuộc chiến có một ý nghĩa rất đặc biệt và cần được lưu giữ.
Theo Minh Hạnh/VOV-TP.HCM– 30/4/2024
https://vov.vn/chinh-tri/304-trong-ky-uc-nhan-chung-lich-su-niem-vui-nhu-trong-mo-post1091961.vov