Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hơn 2 vạn dân công hỏa tuyến với những chiếc xe đạp thồ thô sơ đã vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược ra chiến trường. Mỗi chiếc xe đạp thồ có thể trở hàng trăm kg mỗi chuyến vào chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Những chiếc xe đạp thồ ngày ấy giờ được trưng bày trong những Bảo tàng. Trong bảo tàng Vĩnh Phúc cũng trưng bày chiếc xe đạp thồ như thế. Những chiếc xe ấy đã được các dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong Vĩnh Phúc sử dụng để vận chuyển hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí, đạn dược cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Những chiếc xe đạp thồ được ví như "vua vận tải” chiến trường bởi sự linh hoạt, nhỏ gọn, cơ động. Xe có thể di chuyển trên mọi địa hình đồi núi, sông suối, để vận chuyển vật tư cồng kềnh hay chất lỏng như xăng, dầu mà không cần nhiên liệu, lại dễ sửa chữa, ngụy trang và có thể đi trong mọi điều kiện thời tiết. Việc vận chuyển bằng xe đạp thồ có hiệu quả cao trên những cung đường mòn nhỏ hẹp, khúc khuỷu. Tổng kết chiến dịch đã ghi nhận: "chỉ bằng sức người và phương tiện vận tải thô sơ, lực lượng dân công đã cùng vận tải cơ giới đưa được trên 25 nghìn tấn vũ khí, lương thực thực phẩm vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Khi bắt đầu sang xâm chiếm Việt Nam, Thực dân Pháp đã mang theo những chiếc xe đạp như một chỉ dấu của văn minh phương Tây. Song các tướng lĩnh Pháp cũng không thể ngờ rằng chiếc xe đạp họ đem sang Việt Nam làm phương tiện cá nhân đi lại đã có lúc được anh dân công "tay bùn, chân đất” hoán cải để có thể chở tới hàng trăm kg lương thực, thuốc men, vũ khí, ngược dốc ra tiền tuyến phục vụ bộ đội chiến đấu và đánh bại quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Trong chiến thắng này, những chiếc xe đạp thồ đã trở thành một trong những huyền thoại như một biểu tượng của tinh thần, ý chí con người Việt Nam.
Lưu Trường