Cập nhật: 06/05/2024 13:51:00
Xem cỡ chữ

Theo thống kê tỷ lệ học sinh bị cận thị ngày càng nhiều và có xu hướng gia tăng. Việc trẻ cận thị không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về mắt sau này. Chính vì vậy, cha mẹ nên chú ý phòng chống nguy cơ cận thị cho trẻ ngay từ sớm.

Nguyên nhân và hệ lụy của tật cận thị ở trẻ em

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị cận thị như: Trẻ thiếu ngủ hoặc ít ngủ, đặc biệt là từ 7 – 9 tuổi và 12 – 14 tuổi. Trong khoảng thời gian này, nếu trẻ ngủ quá ít hoặc không đủ thời gian để ngủ vì học quá nhiều sẽ dễ gây ra cận thị.

Trẻ sinh ra mà trọng lượng cơ thể quá nhẹ (trọng lượng cơ thể dưới 2,5kg) đến tuổi thiếu niên dễ bị cận thị. Trẻ sinh thiếu tháng (sinh thiếu từ 2 tuần trở lên) thường bị cận thị từ khi bắt đầu đi học.

Ngoài ra, trẻ xem ti vi quá gần, nếu như ngày nào trẻ cũng xem ti vi nhiều hơn 2 giờ, với khoảng cách từ mắt tới ti vi nhỏ hơn 3m thì sẽ làm cho thị lực suy giảm rất nhiều. Khi ngồi học hoặc xem sách báo mà cúi gằm mặt xuống bàn, tư thế ngồi không ngay ngắn, đọc sách trong điều kiện ánh sáng không đảm bảo… cũng rất dễ bị cận thị.

Ghi nhận thực tế, một số trẻ giấu bố mẹ việc mình bị cận thị, hoặc bố mẹ không để ý, đến khi thấy kết quả học tập của con kém đi…, tìm hiểu nguyên nhân, lúc đó con mới kêu không nhìn rõ, cho đi khám thì hóa ra trẻ mắc cận thị

Một số trẻ mắc cận thị nhưng lại không chịu đeo kính, hay bỏ kính, điều này khiến độ cận tăng lên rất nhanh. Do mắc cận thị ở độ tuổi còn nhỏ, ý thức bảo vệ mắt còn kém, lại đang ở độ tuổi đi học (phải nhìn và đọc nhiều, ít có điều kiện tham gia vui chơi ngoài trời) nên trẻ mắc cận thị, sau vài năm thường số kính sẽ tăng lên đáng kể (khác với một người trưởng thành mắc cận thị, số kính thường ổn định).

6 bí quyết khắc phục cận thị ở trẻ nên biết- Ảnh 1.

Việc đeo kính sẽ gây cản trở rất nhiều trong sinh hoạt, học tập và làm việc.

Khi bị cận thị, việc đeo kính sẽ gây cản trở rất nhiều trong sinh hoạt, học tập và làm việc. Nhưng nguy hiểm hơn là cận thị dễ gây biến chứng như xuất huyết võng mạc, giãn lồi, thoái hoá, teo hắc võng mạc, nhược thị dẫn đến giảm thị lực trầm trọng.

Cần làm gì để khắc phục chứng cận thị học đường?

Cách tốt nhất để phòng ngừa hay làm chậm sự tiến triển cận thị ở trẻ em là tạo cho trẻ thói quen sử dụng mắt tốt. Dưới đây là bí quyết sẽ giúp các bậc cha mẹ chủ động phòng tránh nguy cơ mắc cận thị cho trẻ.

  • Cần cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý

Mặc dù đây là một việc làm đơn giản song lại rất có ích giúp mắt được thư giãn tối đa. Theo khuyến cáo trung bình khoảng 20 phút mọi người nên để mắt nghỉ ngơi. Đối với những trẻ thường xuyên phải học tập, làm việc với máy tính thì cần nghỉ ngơi lâu hơn.

Ngoài ra chúng ta có thể áp dụng phương pháp 20:20:20. Cứ 20 phút làm việc thì lại nhìn ra một vật ở xa khoảng 6m trong vòng 20 giây.

Đồng thời, có thể đứng lên đi bộ 5 đến 10 phút, hướng tầm mắt ra xa khoảng 20m vào các khoảng không gian xanh. Màu xanh lá sẽ giúp dịu mắt, mát mắt hơn so với các gam màu khác như đỏ, cam hoặc vàng. Đó là do sự hấp thụ và phản xạ ánh sáng của màu xanh lá cây tương đối trung tính nên hệ thống thần kinh, vỏ não và võng mạc của con người cũng dễ thích ứng hơn, giảm bớt sự kích thích đối với mắt.

Ngoài ra, chú ý đến giấc ngủ. Cần cho trẻ ngủ đủ giấc, tránh thức khuya. Thức khuya, thiếu ngủ cũng khiến sức khỏe đôi mắt bị giảm sút, dễ tăng độ cận hơn.

  • Chú ý đến ánh sáng

Ánh sáng có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ đôi mắt khỏe mạnh. Cường độ ánh sáng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của chúng ta. Bên cạnh đó, nó cũng là yếu tố gây ra một số bệnh về mắt. Khi cường độ ánh sáng yếu có thể gây ra tật cận thị.

Do đó, chiếu sáng không đúng cách có thể gây ra các bệnh như đỏ mắt, ngứa, chảy nước mắt... lâu dài có thể dẫn đến cận thị. Để duy trì một đôi mắt khỏe mạnh mọi người nên đảm bảo nơi học tập và làm việc được cung cấp đủ ánh sáng. Nếu có điều kiện, phụ huynh nên kết hợp xây dựng không gian học tập thông thoáng với nhiều ánh sáng tự nhiên cho trẻ.

Cha mẹ 'tá hoả' vì con tăng độ cận chóng mặt khi học online | TRUNG TÂM ...

Cần giữ khoảng cách hợp lý

Việc nhìn quá gần khiến mắt mệt mỏi và gia tăng nguy cơ cận thị. Khoảng cách đọc sách và viết với học sinh trung bình là từ 25cm đến 45cm. Nếu như phải làm việc trên màn hình máy tính thì cần duy trì khoảng cách tối thiểu là 60cm. Thông thường người ta dùng ánh sáng vàng cho trẻ em học tập và làm việc. Khi lựa chọn đèn học tập, làm việc, vui chơi cho trẻ, phụ huynh cần ưu tiên xét đến độ rọi, độ chói, chiều cao,..phù hợp với không gian, mục đích sử dụng của trẻ.

Chú ý đến tư thế

Một tư thế ngồi học và làm việc hợp lý không chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc tật cận thị mà còn phòng ngừa chứng cong vẹo cột sống. Ngồi ở tư thế thẳng, cân đối khi học tập và làm việc, tránh thay đổi tư thế liên tục. Cha mẹ cần chú ý không cho trẻ nằm khi đọc sách, tránh đọc sách khi đi tàu xe, đọc sách ở nơi ánh sáng yếu vì dễ khiến mắt mệt mỏi, khô và dễ bị cận thị.

Cần có chế độ dinh dưỡng khoa học và tham gia các hoạt động ngoài trời

Để có được đôi mắt sáng khỏe, ngăn ngừa lão hóa võng mạc và điểm vàng của mắt thì chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. Cha mẹ nên chú ý bổ sung cho trẻ các món ăn có chứa hàm lượng các vitamin A, E, C, chất khoáng có trong rau củ, trái cây tươi, thịt, cá biển, trứng…

Bên cạnh đó cần tham gia hoạt động ngoài trời nhiều hơn, một số tia trong ánh sáng mặt trời có tác dụng kích thích sự hoạt hóa các tế bào nhất định trong mắt. Nó có tác dụng tích cực đối với những người bị cận thị và phòng tránh cận thị cho những người chưa mắc. Lưu ý, nên hoạt động ngoài trời khi sáng sớm hoặc cuối giờ chiều.

  • Cần khám mắt định kỳ

Cha mẹ nên chủ động đưa trẻ đi khám mắt định kỳ để phát hiện sớm những tật khúc xạ về mắt để có kế hoạch điều trị sớm nhất. Nên định kỳ khám mắt với người bị cận thị là 6 tháng một lần để được hướng dẫn cụ thể trong việc đeo kính phù hợp cho trẻ.

Theo suckhoedoisong.vn - 06/05/2024

https://suckhoedoisong.vn/6-bi-quyet-khac-phuc-can-thi-o-tre-nen-biet-169240503092815732.htm