Cập nhật: 06/05/2024 15:00:00
Xem cỡ chữ

Đầu năm 1908, thực dân Pháp cho xây dựng Nhà tù Sơn La với âm mưu giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những chiến sĩ cộng sản Việt Nam. Nhưng chính chốn lao tù ấy đã ươm mầm những “hạt giống đỏ” của cách mạng, thắp sáng ý chí chiến đấu khắp vùng núi rừng Tây Bắc; đóng góp chung vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Nhà tù Sơn La ban đầu được xây dựng trên diện tích hơn 1.200m2. Đến giai đoạn 1930 - 1940, Nhà tù được mở rộng lên hơn 2.000m2 và đổi tên thành Ngục Sơn La. Thực dân Pháp đã xây dựng hệ thống phòng giam kiên cố, phòng giam tập trung, phòng biệt giam, xà lim ngầm, trang bị công cụ kìm kẹp tù nhân và áp dụng các hình thức tra tấn vô cùng thâm độc.

Phòng giam ở nhà tù Sơn La có diện tích khoảng 30m2, có thời điểm đã giam giữ đến 40 tù nhân. Sự khắc nghiệt của nhà tù này là thực dân Pháp đã cho xây dựng bệ xí cao hơn sàn nằm giam giữ tù nhân và không có nắp đậy, không có nước dội và còn thiết kế thêm một lỗ thông gió để phóng khí uế vào phòng giam, làm lây lan dịch bệnh cho tù nhân. Nhưng chính trong điều kiện khắc nghiệt đó, được ví như địa ngục trần gian thì đã trở thành trường học cách mạng rèn luyện, bồi dưỡng ý chí cho nhiều đảng viên, chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng.

Từ năm 1930 đến 1945, thực dân Pháp đã đày lên Sơn La 14 đoàn tù chính trị, với hơn 1.000 lượt tù nhân. Dùng môi trường khắc nghiệt để làm suy kiệt sinh lực và giết dần, giết mòn tù nhân; đã có hàng trăm người bị sát hại hoặc bị chết vì bệnh tật. Nhưng cũng chính tại nơi này, rất nhiều đồng chí bị giam giữ là những Nhà cách mạng, lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, như các đồng chí: Lê Duẩn, Trường Chinh, Tô Hiệu, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Xuân Thủy, Trần Huy Liệu,…

Trong tình thế bị biệt giam, giám sát gắt gao, tháng 12/1939, các đảng viên đã thành lập Chi bộ Nhà tù Sơn La và thực hiện chủ trương: “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Chi bộ đã biên soạn, xuất bản tờ báo “Suối reo” tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, rèn luyện phẩm chất cách mạng của người tù cộng sản.

Đặc biệt, Chi bộ đã tổ chức vượt ngục thành công cho 4 đồng chí để liên lạc với Trung ương Đảng. Từ năm 1944, mọi hoạt động của Chi bộ Nhà tù Sơn La và phong trào cách mạng tại Sơn La đã có sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng. Trong 5 năm hoạt động, Chi bộ đã bồi dưỡng, rèn luyện và bổ sung gần 200 cán bộ, đảng viên cho cách mạng.

Ngày nay, Nhà tù Sơn La đã trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người dân Sơn La và Nhân dân cả nước. Tại Nhà tù Sơn La còn trang trọng khắc ghi lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chính sách khủng bố cực kì dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn cản được bước tiến của cách mạng. Mà trái lại, nó đã trở thành một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn”. Chính ý chí đó đã góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong các cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do, hòa bình cho đất nước.

Tuyết Minh