Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, trong đó có 5 vi chất phổ biến gây ảnh hưởng tới sức khỏe người cao tuổi, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Khi nói đến việc chống lại tình trạng suy dinh dưỡng, nhiều người chỉ tập trung vào việc tăng cường tiêu thụ các chất dinh dưỡng đa lượng như protein, chất béo và carbohydrate. Những chất này quan trọng và cần thiết với cơ thể, nhưng cũng cần tập trung vào việc đảm bảo người cao tuổi nhận được nhiều vi chất dinh dưỡng (vitamin và khoáng chất).
Sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng gây ra nhiều vấn đề khác nhau và có thể cản trở nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Dưới đây là 5 tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến phần lớn người cao tuổi.
1. Người cao tuổi rất dễ thiếu canxi
Canxi cần thiết cho sự phát triển của xương và duy trì mật độ xương. Nghiên cứu cho thấy chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ người cao tuổi (14,6%) đáp ứng hoặc vượt quá khuyến nghị về lượng canxi hàng ngày.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Canxi là vi chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với cơ thể, canxi xây dựng hệ xương, hệ răng trong cơ thể, canxi còn tham gia quá trình điều hòa huyết áp, đông máu. Trong đó 99% canxi tạo nên cấu trúc của xương hoặc răng, móng chân, móng tay, chỉ có 1% canxi tồn tại trong máu giúp kiểm soát chức năng cơ, tín hiệu tế bào, điều hòa hormone và sức khỏe của hệ tuần hoàn.
Người cao tuổi thường có xu hướng tiêu thụ ít canxi hơn so với những người trẻ tuổi do đó cơ thể của họ bắt đầu lấy canxi từ xương để duy trì các hoạt động bình thường. Điều này khiến người cao tuổi rất dễ bị loãng xương, dẫn đến gãy xương, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Uống 1-2 ly sữa mỗi ngày giúp người cao tuổi nhận được lượng canxi cần thiết.
Bổ sung canxi có thể giúp người cao tuổi đáp ứng được khuyến nghị hàng ngày (1.200 mg). Họ cũng có thể nhận được nhiều canxi từ các sản phẩm từ trứng, sữa, rau xanh và bông cải xanh.
2. Vitamin D cần thiết cho sức khỏe người cao tuổi
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe xương thích hợp và cải thiện chức năng hệ thống miễn dịch. Nó cũng cần thiết cho sự hấp thụ canxi thích hợp. Nếu bị thiếu vitamin D, ngay cả khi bạn tiêu thụ đủ canxi thì cơ thể cũng sẽ không hấp thu đủ lượng canxi cần thiết.
Một nghiên cứu cho thấy khoảng 60% người cao tuổi bị thiếu vitamin D, trong đó những người cao tuổi có làn da sẫm màu có nhiều khả năng bị thiếu hụt hơn. Da sản xuất vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và những người có làn da sẫm màu thường cần tiếp xúc nhiều hơn với ánh nắng mặt trời để tăng mức vitamin D lên lượng mong muốn (600-800 IU).
Dành nhiều thời gian ngoài trời hơn có thể giúp người cao tuổi tăng mức vitamin D. Với những người cao tuổi ít vận động ngoài trời có thể hỏi ý kiến bác sĩ việc bổ sung vitamin D.
3. Folate giúp giảm các dấu hiệu lão hóa
Folate (acid folic) là một loại vitamin B thiết yếu mà khi nhắc đến hầu hết mọi người đều liên tưởng đến phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai cần tiêu thụ đủ lượng folate để ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở trẻ. Tuy nhiên, người cao tuổi cũng là đối tượng được hưởng lợi ích từ vitamin này.
Folate có thể giúp giảm các dấu hiệu lão hóa và cải thiện nhận thức ở người cao tuổi. Mức folate đầy đủ cũng có liên quan đến tỷ lệ trầm cảm thấp hơn. Một nghiên cứu cho thấy, khoảng 1/7 người cao tuổi bị thiếu folate. Thực phẩm bổ sung phức hợp vitamin B có thể giúp người cao tuổi đáp ứng khuyến nghị về folate hàng ngày (400mcg mỗi ngày). Folate cũng được tìm thấy trong nhiều loại trái cây, rau quả, nhiều loại nước trái cây và ngũ cốc ăn sáng được bổ sung folate.
Người cao tuổi khi cần bổ sung vitamin và khoáng chất qua thực phẩm chức năng cần có sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
4. Vitamin B12 hỗ trợ chức năng thần kinh
Vitamin B12 đóng vai trò chính trong việc tạo ra DNA và hồng cầu khỏe mạnh. Nó cũng cần thiết cho chức năng thần kinh thích hợp.
Khoảng 1/8 người cao tuổi bị thiếu vitamin B12. Nhiều người cao tuổi thực sự tiêu thụ đủ lượng B12 nhưng họ vẫn bị thiếu vì cơ thể không hấp thụ được hết lượng vitamin này.
Việc tiêu thụ chất bổ sung B12 có thể giúp bù đắp cho sự hấp thụ kém, cũng như ăn nhiều thực phẩm giàu B12 hơn. Một số nguồn thực phẩm cung cấp vitamin B12 tốt nhất bao gồm:
5. Vitamin E tăng cường hệ thống miễn dịch
Có tới 92% người trưởng thành trên 51 tuổi không tiêu thụ đủ lượng vitamin E. Vitamin này là một chất chống oxy hóa hòa tan trong chất béo, giúp giảm căng thẳng oxy hóa trong cơ thể và có thể trì hoãn sự khởi phát của bệnh mạn tính. Nó cũng đóng một vai trò trong chức năng hệ thống miễn dịch, quá trình trao đổi chất và biểu hiện gene.
Người cao tuổi nên cố gắng tiêu thụ khoảng 1.000mg vitamin E mỗi ngày. Vitamin E có nhiều trong các loại thực phẩm như rau xanh, các loại hạt, thịt nạc, trứng, các loại đậu, các sản phẩm từ đậu nành.
Nếu người cao tuổi cảm thấy đang bị thiếu hụt bất kỳ chất dinh dưỡng nào nêu trên, hãy đi kiểm tra. Sau đó, bắt đầu thực hiện những thay đổi về chế độ ăn uống và thực phẩm bổ sung cần thiết để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hãy nhớ luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với chế độ ăn uống, kế hoạch y tế hoặc thói quen tập thể dục.
Theo tuoitre.vn - 15/05/2024
https://suckhoedoisong.vn/5-tinh-trang-thieu-vi-chat-pho-bien-o-nguoi-cao-tuoi-169240511203621051.htm