Cập nhật: 25/05/2024 16:15:00
Xem cỡ chữ

Theo đại biểu Quốc hội, thời gian tới cần có cơ chế đặc thù "tốc hành hơn" để triển khai các vấn đề cấp bách về vật liệu san lấp, y tế, giáo dục; nhất là bảo vệ cán bộ trách nhiệm "dám nghĩ, dám làm."

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội). (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội). (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Bên lề Quốc hội ngày 25/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng thời gian tới cần có cơ chế “cụ thể, nhanh và tốc hành hơn” đối với các vấn đề cấp bách như giáo dục, thiết bị y tế, vật liệu san lấp cho đường cao tốc, hạ tầng giao thông…

Đồng thời Quốc hội cũng cần có cơ chế đặc biệt để bảo vệ cán bộ tâm huyết, có trình độ, dám nghĩ, dám làm vì đất nước, vì lợi ích của nhân dân.

Thủ tục "thoáng" nhưng thực hiện còn lúng túng

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho hay trong thời gian, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã có những cơ chế đặc thù “thoáng” hơn về mặt thủ tục hành chính, tuy nhiên trong khâu tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế.

Dẫn chứng cụ thể đối với lĩnh vực y tế - liên quan đến sức khỏe của con người, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết việc đấu thầu, chỉ định thầu ở các cơ sở y tế còn “rất lúng túng” dẫn tới việc nhiều người vướng vào vòng lao lý.

“Hay như tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán, xâm nhập mặn đã diễn ra phổ biến, nhưng hiện nay cũng chưa có cơ chế đặc thù thật sự thoáng để khắc phục. Ví dụ như vấn đề đắp đập hồ chứa, dự trữ nước ngọt để phục vụ cho sinh hoạt, tưới tiêu. Việc ngăn cửa sông để hạn chế nước ngọt chảy ra biển cũng chưa thực hiện,” đại biểu Phạm Văn Hòa nói và nhấn mạnh nếu không có cơ chế đặc thù “cụ thể, nhanh và tốc hành hơn" thì tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ còn rất đáng lo.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, cơ chế đặc thù cho phép Thủ tướng, các ngành, lãnh đạo đứng đầu ủy ban nhân dân cấp tỉnh được chỉ định thầu trong san lấp cát, cao tốc,... trong thời gian qua cũng không nhiều.

Việc phân cấp cho chính quyền địa phương làm chủ đầu tư các công trình cao tốc đi qua địa phương mình, hiện nay việc triển khai còn lúng túng.

Do vậy, trong điều kiện nguồn vật liệu san lấp hiện vẫn đang thiếu, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng cần phải có giải pháp thay thế cát sông để phục vụ nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án giao thông, cao tốc.

Tuy nhiên để triển khai hiệu quả, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng khi triển khai nhiệm vụ đặc thù đối với các vấn đề cấp bách (như lĩnh vực giáo dục, thiết bị y tế, đường cao tốc - hạ tầng giao thông,…) thì cần có cơ chế “cụ thể, nhanh và tốc hành hơn.”

anh.PNG

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngoài ra, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng chỉ ra hạn chế về thái độ, tinh thần làm việc của một số bộ phận cán bộ công chức, viên chức trong thời gian qua. Đó là tình trạng “sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm” cũng như tâm lý “còn làm còn sai.”

Cần cơ chế riêng để cán bộ sửa sai, cống hiến

Trước thực tế trên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng thời gian tới cần có thêm cơ chế đặc thù về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm mà không tư lợi; đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để phát huy trách nhiệm trong công việc.

“Trong vấn đề tổ chức thực hiện, nếu cán bộ dám nghĩ, dám làm, quyết liệt và tận tâm với công việc thì việc triển khai Nghị quyết 43 mới đạt mục tiêu và mang lại hiệu quả,” đại biểu Phạm Văn Hào nêu quan điểm.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết hiện nay văn bản, nghị định của Chính phủ cũng đã đề cập tới vấn đề bảo vệ cán bộ nhưng chưa cụ thể nên cần phải luật hóa rõ ràng hơn.

Nêu quan điểm cá nhân, đại biểu Phạm Văn Hóa cho rằng thời gian tới nên có quy định chính thức để bảo vệ cán bộ trước đây làm sai vì yếu tố khách quan nhưng nhận thức được hành vi và đã tự giác khắc phục, để họ yên tâm công tác và công hiến vì đất nước vì nhân nhân.

“Ví dụ những cán bộ, kể cả doanh nghiệp, những người trước đây đã cấu kết với nhau để làm sai trong hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, đấu giá đất để thu lợi. Thực tế để xảy ra điều này cũng do một phần cơ chế chính sách trước đây khi trải thảm đỏ thu hút đầu tư để phát triển kinh tế cho địa phương. Nếu bây giờ các cơ quan chức năng vào cuộc đồng loạt khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước để lật lại ‘những trang cũ’ sẽ còn cán bộ bị xử lý và sẽ còn tâm trạng lo lắng, trì trệ trong công việc,” đại biểu Hòa nói.

Đưa ra giải pháp, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị thời gian tới, Nhà nước nên có văn bản chính thức kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nếu “tay đã nhúng chàm,” có hành vi làm chưa đúng trong quá khứ cần tự giác khai báo, hoàn trả lại số tiền thu lợi bất chính cho Nhà nước và được giữ bí mật, được tiếp tục hoạt động bình thường.

Trường hợp không tự giác khai báo, cơ quan chức năng phát hiện sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, đến nơi đến chốn, không có miễn trừ.

“Như ông cha ta xưa từng nói ‘đánh người chạy đi chứ không đánh người quay trở lại’ và đây cũng là chính sách khoan hồng, nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, người dân. Nếu làm được như vậy, tôi tin nhiều cán bộ sẽ thức tỉnh và làm công việc, phụng sự nhân dân, đất nước tốt hơn,” đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm./.

Theo (Vietnam+) – 25/5/2024

https://www.vietnamplus.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-co-che-toc-hanh-hon-khi-trien-khai-van-de-cap-bach-post955389.vnp