Theo nghiên cứu, nam giới tiêm vaccine HPV có tỷ lệ mắc ung thư vùng đầu và cổ thấp hơn (lần lượt 3,4 và 2,8 ca/1.000 người đã tiêm vaccine, thấp hơn so với tỷ lệ 7,5 và 6,3/1.0000 người chưa tiêm).
Việc tiêm vaccine phòng virus gây u nhú ở người (HPV) cho nam giới giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư vùng đầu và cổ cũng như các khối u ác tính khác.
Kết quả nghiên cứu mới cho thấy thêm một lợi ích của vaccine HPV, bên cạnh tính hiệu quả đã được chứng minh có thể bảo vệ phụ nữ khỏi nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Nghiên cứu được tiến hành đối với 3,4 triệu người, trong đó hơn 1,7 triệu tình nguyện viên đã được tiêm vaccine HPV trong độ tuổi từ 9-39 tuổi kể từ năm 2010, còn lại là những người chưa tiêm. Khoảng 44% trong số đó là nam giới.
Đây là một trong những phân tích đầu tiên được thực hiện trong thời gian dài về tác dụng thực tế của vaccine trong phòng ngừa các bệnh ung thư liên quan đến HPV gồm ung thư vùng đầu và cổ, vùng hậu môn, dương vật, âm đạo và cổ tử cung.
Kết quả nghiên cứu cho thấy nam giới đã tiêm vaccine HPV có tỷ lệ mắc ung thư vùng đầu và cổ thấp hơn (lần lượt 3,4 và 2,8 ca/1.000 người đã tiêm vaccine, thấp hơn so với tỷ lệ 7,5 và 6,3/1.0000 người chưa tiêm).
Tương tự, nữ giới đã tiêm vaccine có nguy cơ mắc ung thư liên quan đến HPV thấp hơn so với người chưa tiêm. Việc tiêm vaccine HPV không giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư vùng đầu, cổ và âm đạo.
Trước đây, các nghiên cứu về vaccine HPV chủ yếu tập trung vào khả năng phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Chẳng hạn, một nghiên cứu quy mô lớn của Thụy Điển năm 2020 cho thấy tỷ lệ ung thư cổ tử cung là 47/100.000 phụ nữ được tiêm phòng và 94/100.000 phụ nữ chưa tiêm.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Chủ tịch Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ, Tiến sỹ Lynn Schuchter cho biết hút thuốc từng được cho là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh ung thư đầu và cổ, song hiện nay nguyên nhân chính là do nhiễm HPV.
Nghiên cứu mới mở rộng thêm hiểu biết của chúng ta, cho thấy việc phòng ngừa HPV bằng vaccine giúp ngăn nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư khác liên quan đến virus này. Bà Schuchter không tham gia nghiên cứu trên.
Nhà chức trách đã cấp phép sử dụng vaccine phòng HPV của hãng dược phẩm Merck (Đức) từ năm 2006 cho nữ giới từ 9-26 tuổi và từ năm 2009 cho nam giới cũng trong độ tuổi này.
Loại mới nhất, vaccine Gardasil 9 ngừa HPV, đã được cấp phép tại Mỹ kể từ năm 2018 để tiêm cho trẻ em và người trưởng thành từ 9-45 tuổi.
Kết quả nghiên cứu mới trên sẽ được trình bày tại hội nghị của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ dự kiến diễn ra từ ngày 31/5-4/6 tới tại thành phố Chicago./.
Theo (TTXVN/Vietnam+) - 24/5/2024
https://www.vietnamplus.vn/nhung-loi-ich-khong-ngo-cua-viec-tiem-vaccine-hpv-doi-voi-nam-gioi-post955199.vnp