Sau khi làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam hình thành, người dân tại địa phương tiếp tục phát triển loại hình du lịch này mang lại nguồn thu nhập cao. Tỉnh Quảng Nam đang có nhiều chính sách hỗ trợ người dân làm du lịch cộng đồng.
Làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu, huyện Duy Xuyên cách thành phố Hội An chỉ 5 km và cách thành phố Đà Nẵng 30 km. Nơi đây có 10 héc ta rừng dừa nước với nhiều làng nghề thủ công độc đáo.
Anh Phạm Minh Tâm - cơ sở dịch vụ thuyền thúng Cô Mốt, ở xã Duy Vinh làm du lịch được 7 năm nay, chủ yếu phục vụ đưa khách tham quan rừng dừa, thả lưới. Ngày cao điểm, cơ sở của anh đón từ 50 - 100 khách, chủ yếu là khách nước ngoài. Giá dịch vụ bơi thuyền thúng, ăn uống dao động từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng/người.
Du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu thu hút khách tham quan, trải nghiệm
Anh Phạm Minh Tâm cho biết, cơ sở anh có 15 chiếc thuyền thúng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương: “Khách du lịch đến tham quan rừng dừa rồi bơi thuyền. Mình có dịch vụ ẩm thực buổi trưa phục vụ khách du lịch. Một lượt bơi từ 6 - 7 thúng có 14 - 16 khách, 2 khách đi chung một thúng là giá 100.000 đồng, còn ăn trưa tùy theo thực đơn do khách yêu cầu. Mong muốn khách du lịch đến nhiều, bản thân tôi và người dân rất phấn khởi có thu nhập hàng ngày".
Khách du lịch đến Trà Nhiêu ngày một đông, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh du lịch tăng doanh thu, người dân địa phương có thêm thu nhập. Hiện ở làng Trà Nhiêu có khoảng 15-20 người dân tham gia đội thuyền thúng của anh Phạm Minh Tâm.
Khách du lịch tham quan trải nghiệm rừng dừa
Bà Đỗ Thị Sáng, người dân ở thôn Trà Đông, xã Duy Vinh cho biết trước đây làm nông nghiệp cũng chỉ đủ ăn. Từ khi làng du lịch sinh thái cộng đồng hình thành, bà tham gia vào đội dịch vụ thuyền thúng, thu nhập được vài trăm ngàn đồng một ngày. “Chúng tôi trong đội chèo thúng đưa khách trải nghiệm rừng dừa và bủa lưới, có nhiều lúc khách rất đông. Có khách du lịch đến người dân rất vui và phấn khởi, có thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày”.
Vợ chồng bà Trần Thị Xì và ông Trần Văn Hùng ở thôn Trà Đông, xã Duy Vinh thiết kế một khu hàng quán là điểm dừng chân cho khách. Khách đến đây, được thưởng thức những món ăn đặc sản như mì Quảng, cơm gà, bánh cuốn... Vợ chồng bà Xì còn làm các sản phẩm lưu niệm bằng tre thân thiện với môi trường như đèn ngủ, đèn lồng, bàn ghế… để bán cho khách.
Khách trải nghiệm cất rớ cũng người dân
Bà Xì cho biết: “Trước làm nông nghiệp rất khó khăn, hiện nay gia đình chuyển qua làm du lịch, đời sống khấm khá hơn. Tháng nào đông khách là thu nhập vài chục triệu đồng. Tôi chủ yếu nấu ăn, làm các món ẩm thực phục vụ khách, còn chồng tôi làm nghề mây tre, tạo ra các sản phẩm lưu niệm bằng tre và dẫn khách tham quan".
Ở làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu có 5 gia đình làm du lịch dịch vụ trải nghiệm. Làng du lịch Trà Nhiêu đang phát triển nhiều ngành nghề phục vụ hoạt động du lịch trải nghiệm như: chài lưới trên sông, làm chiếu cói, đan lát truyền thống, nấu rượu. Năm 2010, Làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu hình thành, từ đó đến nay mở ra cơ hội cho người dân phát triển du lịch.
Bà Trần Thị Xì thiết kế một khu hàng quán làm điểm dừng chân cho khách
Ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên cho biết nhiều hộ trước đây khó khăn nay đã vươn lên khá giả: “Chúng tôi mong muốn du lịch của địa phương phát triển để chuyển dịch cơ cấu lao động việc làm. Trong làng có 5 hộ làm du lịch, có thu nhập giải quyết được việc làm và kinh tế của họ khấm khá hơn. Hoạt động du lịch tạo đột phá về phát triển kinh tế. Làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu mong nhận được quan tâm đầu tư thêm nơi tiếp đón và các điểm trưng bày sản phẩm du lịch của địa phương để thu hút khách và hướng dẫn tập huấn cho người dân có kiến thức về du lịch”.
Khách du lịch trải nghiệm tại làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu
Hiện nay, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái đang phát triển mạnh ở các địa phương tỉnh Quảng Nam. Nhiều nơi đã thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã du lịch cộng đồng. Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân làm du lịch, tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch, đưa bà con tham quan, học hỏi ở các địa phương khác. Các mô hình du lịch này không chỉ góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển kinh tế mà gắn phát triển du lịch với văn hóa.
“Hiện nay, tỉnh khuyến khích phát triển mô hình du lịch cộng đồng, những làng nghề du lịch và du lịch nông thôn. Chúng tôi có những chủ trương chỉ đạo các địa phương là phải hỗ trợ bằng nhiều cơ chế chính sách, hỗ trợ cho du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn này gắn kết giữa Hội An, Mỹ Sơn và du lịch miền biển của Quảng Nam. Chúng tôi tin rằng phát triển du lịch nông thôn có sự kết hợp giao thoa với nhau, đem lại giá trị cao cho chính những người làm du lịch nông thôn cũng như làm du lịch cộng đồng”, ông Hồ Quang Bửu nói.
Theo Tuyết Lê/VOV-Miền Trung - 25/05/2024
https://vov.vn/du-lich/nong-dan-duy-xuyen-dua-khach-di-tha-luoi-tham-lang-nghe-post1097298.vov