Cập nhật: 31/05/2024 07:59:00
Xem cỡ chữ

Vào phòng đẻ, sản phụ vẫn tỉnh táo nói chuyện bình thường và được bác sĩ hướng dẫn quá trình rặn đẻ, đột nhiên sản phụ xuất hiện mệt mỏi, tím tái toàn thân, khó thở, mạch khó bắt… Nguyên nhân do tai biến sản khoa cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

10 ngày cứu 2 sản phụ tắc mạch ối

Chỉ trong 10 ngày qua, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã liên tiếp cứu 2 sản phụ nguy kịch tính mạng do tắc mạch ối trong quá trình chuyển dạ. Đây là tai biến sản khoa cực kỳ nguy hiểm cho sản phụ nếu không được cấp cứu kịp thời.

Ca thứ nhất là sản phụ N.T.L (sinh năm 1980) thai 38 tuần 5 ngày, sinh con lần 4, sản phụ vào viện vì đau bụng. Khi nhập viện, cổ tử cung sản phụ mở 5cm.

Sau khi vào viện khoảng 2 tiếng, sản phụ L. vẫn tỉnh táo nói chuyện bình thường, lúc này cổ tử cung đã mở được 8 cm và được các nữ hộ sinh khoa đẻ chăm sóc, hướng dẫn quá trình rặn đẻ.

Đột nhiên, sản phụ xuất hiện mệt mỏi, tím tái toàn thân, khó thở, mạch khó bắt, huyết áp không đo được. Ngay lập tức, các bác sĩ hội chẩn và đưa ra phương án mổ lấy thai, cắt tử cung bán phần để lại phần phụ.

Trong quá trình phẫu thuật, sản phụ xuất hiện 03 lần ngừng tim. Kíp gây mê hồi sức vừa phải liên tục ép tim ngoài lồng ngực, vừa phải khắc phục tình trạng rối loạn đông máu. Sau 4 giờ phẫu thuật với tổng số máu truyền 4,2 lít máu và các chế phẩm của máu, kíp mổ đã cứu sản phụ thoát khỏi cơn nguy kịch. Một bé gái nặng 3kg khỏe mạnh, xinh xắn chào đời.

CA ĐẶC BIỆT: Cấp cứu thành công sản phụ thuyên tắc mạch ối

Tắc mạch ối là tai biến sản khoa cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao với sản phụ.

Trước đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng cấp cứu kịp thời sản phụ Nguyễn Thị L, (35 tuổi) nhập viện sinh con lần 4 thai IVF 36 tuần 4 ngày với tiền sử 3 lần đẻ mổ.

Trước khi mổ lấy thai, sản phụ có sức khỏe và các dấu hiệu sinh tồn hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, khi bác sĩ vừa mổ đón bé trai chào đời thì sản phụ đột ngột ngừng tim, co giật, mất ý thức. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tập trung ép tim, cấp cứu đặt nội khí quản, làm ngay huyết áp động mạch xâm lấn, đặt huyết áp tĩnh mạch trung tâm bằng catheter 3 nòng; hội chẩn Ban Giám đốc để xử trí sản khoa.

Đồng thời cũng lấy máu xét nghiệm, lấy máu tĩnh mạch trung tâm để tìm tế bào ối, làm xét nghiệm đông máu cho kết quả bệnh nhân rối loạn đông máu rất nặng dù bệnh nhân không mất máu nhiều.

Sau 3 tiếng dốc hết sức để cấp cứu, sản phụ tạm thời ổn định, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã liên hệ chuyển bệnh nhân đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai. Một ngày sau, bệnh nhân đã được rút nội khí quản và tỉnh táo hoàn toàn, mạch huyết áp ổn định. Sau 2 ngày bệnh nhân đã được chuyển sang viện tim mạch để kiểm tra thêm về tim mạch.

PGS.TS. Nguyễn Đức Lam, Trưởng khoa Gây mê hồi sức tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, trong quá trình cấp cứu, có những lúc phải dùng đến các loại thuốc vận mạch liều cao và truyền 6,4 lít máu, các chế phẩm máu thì dần dần các thông số của bệnh nhân trở lại ổn định. Sau khi được hồi sức tim phổi thành công, huyết áp của sản phụ vẫn còn rất thấp, phải duy trì thuốc vận mạch liều cao và băng huyết sau sinh do rối loạn đông máu.

Tắc mạch ối là gì?

Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Lam, tắc mạch ối (Amniotic Fluid Embolism Syndrome) là hiện tượng nước ối và các thành phần của nó lọt vào trong hệ tuần hoàn của người mẹ gây tắc mạch, choáng nặng, rối loạn đông máu và nguy cơ tử vong cao ở phụ nữ mang thai và thai nhi.

Đây là một tai biến sản khoa hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao (90% các trường hợp). Tỉ lệ tử vong do tắc mạch ối chiếm 34,7% trong các trường hợp tử vong do sản khoa.

Triệu chứng lâm sàng cấp tính gây rối loạn tuần hoàn và suy hô hấp.

  • Mệt mỏi, khó thở đột ngột

  • Tím tái toàn thân, co giật

  • Hạ huyết áp

  • Trụy tim mạch

  • Rối loạn đông máu nội mạch lan tỏa

  • Chảy máu từ tử cung, vết khâu, vết tiêm do hậu quả của rối loạn đông máu

  • Suy thai

Tắc mạch ối có thể dự phòng không?

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Đức Lam, tắc mạch ối không thể báo trước và không thể dự phòng. Tất cả các sản phụ đều có nguy cơ bị tắc mạch ối. Tắc mạch ối chủ yếu xuất hiện trong chuyển dạ nhưng có thể xuất hiện trước chuyển dạ, thai non tháng, sảy thai thậm chí trong quá trình chọc ối.

Trong sản khoa ghi nhận nhiều trường hợp thai kỳ khỏe mạnh nhưng lại gặp bất thường khi sinh. Vì vậy, các chuyên gia sản khoa khuyến cáo mẹ bầu cần theo dõi sức khỏe định kỳ theo chỉ định của bác sĩ sản khoa để quá trình vượt cạn được diễn ra thuận lợi và an toàn nhất.

Theo suckhoedoisong.vn - 29/05/2024

https://suckhoedoisong.vn/san-phu-vao-phong-de-noi-chuyen-binh-thuong-bong-tim-tai-kho-tho-nguy-kich-do-tac-mach-oi-169240528234320692.htm