Cuối năm học, trên các trang mạng xã hội lại ngập tràn những hình ảnh, dòng trạng thái của phụ huynh về thành tích của con em mình. Việc con đạt được kết quả học tập tốt, tiến bộ từng ngày là mong ước của mọi phụ huynh. Thế nhưng việc đăng thành tích, thậm chí là giấy khen với đầy đủ thông tin của con lên MXH lại tiền ẩn nhiều rủi ro.
Áp lực từ những "giấy khen online"
Nguyễn Minh Tiến (Ba Đình, Hà Nội) không khỏi căng thẳng khi lên mạng những ngày cuối năm học. Chuẩn bị thi vào lớp 10, thời gian học chiếm phần lớn thời gian trong ngày, chỉ còn vài phút lên mạng để trò chuyện với bạn bè, giải trí, những những gì Tiến đọc được lại là những bài viết khoe thành tích học tập của con từ người lớn.
“Rất nhiều người thân, họ hàng của em thường xuyên khoe thành tích của con cái trên mạng. Khi nhìn vào những bảng điểm, giấy khen đó em cảm thấy rất áp lực, dù không muốn xem thì những thông tin đó vẫn hiện hữu trên mạng. Có đôi lần trong các bữa cơm, bố mẹ vẫn kể về con nhà bác này bác kia học giỏi, điểm cao… Những bữa cơm như thế với em tự nhiên trở nên nặng nề hơn”, Tiến chia sẻ.
Nhiều phụ huynh thường xuyên khoe thành tích của con trên mạng, thậm chí đăng hình ảnh giấy khen với đầy đủ thông tin về trường lớp của con
Tạ Hoài Anh (Đống Đa, Hà Nội) cũng đang ở giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp THPT. Với Hoài Anh, áp lực không chỉ đến từ việc học tập, thi cử, mà còn đến từ chính những dòng khoe thành tích trên mạng xã hội.
“Em khá áp lực khi lên mạng thấy nhiều người khoe đã trúng tuyển sớm vào các trường đại học. Cũng từ những thông tin trên mạng của mọi người đăng, mẹ cũng thường giục em chuyện học hành, thậm chí em còn bị những người lớn xung quanh so sánh với những anh chị đồng trang lứa trong họ hàng. Em cảm thấy áp lực và mệt mỏi khi nghe những câu chuyện như vậy. Em nghĩ rằng mỗi người có một thế mạnh và định hướng riêng, việc so sánh, hay lấy ai đó ra làm tiêu chuẩn đều không phù hợp”.
Còn với Nguyễn Thùy Dương (Hải Dương), được mẹ khoe bảng điểm với thành tích “khủng” lên mạng, thế nhưng nữ sinh lớp 8 lại cảm thấy ngại ngùng với các bạn: “Rất nhiều các phụ huynh trong lớp và cả cô giáo có kết bạn với mẹ em trên mạng xã hội. Bởi vậy nên khi mẹ đăng thành tích của em lên mạng các bạn trong lớp đều biết. Nhiều bạn cho rằng em đang khoe khoang “tự sướng”, thậm chí em trở thành chủ đề để các bạn trong lớp bàn tán”.
Thùy Dương cho biết, sau những lần như thế, em đã nói chuyện với mẹ và mong muốn mẹ có thể hỏi ý kiến của mình trước khi đăng hình ảnh, thông tin liên quan đến chuyện học tập lên mạng xã hội.
Từ áp lực tâm lý đến những nguy hiểm rình rập
Cô Lương Hà Anh, giáo viên tại Hà Nội cho rằng, đăng thành tích học tập của con lên mạng xã hội là niềm vui, thói quen của nhiều phụ huynh, điều này không có gì xấu, nhưng đôi khi lại vô tình tác động không tốt đến trẻ.
Theo cô Hà Anh, không ít học sinh cảm thấy áp lực trước những hành động của bố mẹ trên mạng xã hội: “Các con sẽ cảm thấy vui, được khích lệ khi nhận được sự ghi nhận, động viên từ bố mẹ, nhưng nếu bố mẹ khoe con quá nhiều trên mạng, đôi khi sẽ khiến trẻ cảm thấy áp lực, phải cố gắng vì chính những kỳ vọng, những bảng điểm mà bố mẹ đăng lên. Trong khi đó, việc học không phải chỉ vì điểm số, mà để giúp các em hình thành những kỹ năng, tư duy, năng lực để phát triển bản thân và ứng dụng vào cuộc sống. Điểm số không phải là tất cả.
Một số em lại có suy nghĩ, kết quả của mình đã tốt rồi, bố mẹ hài lòng, như vậy bản thân cũng không cần cố gắng nữa.
Trong khi đó, không ít em lại chịu những tác động gián tiếp từ việc mọi người khoe bảng điểm lên mạng, bị so sánh với “con nhà người ta”. Với những học sinh bị so sánh sẽ rất dễ dẫn đến mặc cảm về tâm lý, nghĩ bản thân yếu đuối, kém cỏi, tự thu mình lại…”, cô Hà Anh chia sẻ.
Theo cô Hà Anh, hiện nay, theo quy định của Bộ GD-ĐT, phụ huynh, giáo viên không được phê bình cá nhân học sinh. Điều này nhằm giữ cho trẻ sự riêng tư và tôn trọng, tránh những bình luận tiêu cực nhằm vào trẻ. Ở bậc tiểu học, giáo viên cũng chỉ nhận xét để chỉ ra những điểm tốt, điểm chưa tốt cho trẻ.
“Trong quá trình học tập, mỗi trẻ sẽ có một thế mạnh khác nhau, có bạn được điểm cao, có bạn chưa cao, có bạn giỏi tự nhiên, có bạn giỏi xã hội… Điều quan trọng nhất là các bậc phụ huynh cần hiểu đúng về con, hiểu về tính cách, năng lực và cả những điểm mạnh, điểm yếu của con, từ đó cùng con phát triển, giúp con hiểu được giá trị của sự nỗ lực, vươn lên trong học tập”, cô Hà Anh đưa ra lời khuyên.
Theo phân tích của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), thông tin của trẻ em bị lộ lọt một phần từ chính phụ huynh bất cẩn đăng khoe thành tích con mình trên mạng xã hội. Việc đăng tải đầy đủ thành tích của con bao gồm đầy đủ thông tin từ tên tuổi, trường học, ảnh chân dung con… chính là để lộ dữ liệu thông tin của con và bạn bè trong lớp. Đây là điều kiện thuận lợi để những kẻ lừa đảo thu thập dữ liệu, nghiên cứu kỹ về bị hại và thực hiện những cuộc gọi lừa đảo, nhắn tin tinh vi…
Theo đại diện Công an TP Hà Nội, vào cuối học kỳ năm học hiện nay, phụ huynh có thói quen khoe bảng điểm, giấy khen, thành tích học tập của con lên mạng xã hội, việc này có thể dẫn đến hậu quả xấu. Việc khoe giấy khen của con trẻ lên mạng vô tình gây áp lực và khiến trẻ bị bệnh thành tích, nguy hiểm hơn, thông tin có thể bị kẻ xấu lợi dụng vào những mục đích khác, gián tiếp tiếp tay cho tội phạm.
Theo các chuyên gia về tội phạm học, trên giấy khen, thành tích học tập của trẻ thường đính kèm họ và tên, lớp học, thông tin về trường lớp, thậm chí là những thông tin khác liên quan đến giáo viên, hoặc gia đình. Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho trẻ khi kẻ xấu dễ dàng lợi dụng để bắt cóc tống tiền, xâm hại trẻ em.
Nguyễn Trang/VOV.VN - 31/5/2024
https://vov.vn/xa-hoi/hau-qua-khon-luong-tu-viec-khoe-thanh-tich-cua-con-len-mang-xa-hoi-post1098667.vov