Người sốc nhiệt sẽ có triệu chứng lơ mơ, có khi rơi vào hôn mê, rối loạn hô hấp, trụy tim mạch. Hô hấp, tim mạch và thần kinh là 3 cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên.
Thời gian gần đây liên tục xảy ra tình trạng người dân bị sốc nhiệt, kiệt sức do đi dưới thời tiết nắng nóng. Đơn cử là 2 người phụ nữ ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế bị đuối sức, mệt lả, ngã xuống mặt đường do sốc nhiệt.
Hay trước đó, vào trưa 30/5, một người đàn ông đi theo ông Minh Tuệ, khi đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị đã bị sốc nhiệt, đuối sức. Dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng người này đã tử vong với chẩn đoán bị mất nước, sốc nhiệt dẫn đến tổn thương đa cơ quan, tổn thương não không hồi phục.
Hai người phụ nữ ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế bị sốc nhiệt
Liên quan đến tình trạng sốc nhiệt khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, BS Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm oxy cao áp Việt Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga cho biết, khi sốc nhiệt, nhiệt độ cơ thể con người không còn ở mức bình thường là 36-37 độ mà sẽ tăng dần lên 38-39 độ, và khi sốc nhiệt nhiệt độ cơ thể sẽ đạt mức trên 40 độ.
Biểu hiện khi đó da đỏ lên, khô lại vì không còn nước để toát mồ hôi hạ nhiệt cơ thể. Người sốc nhiệt sẽ có triệu chứng lơ mơ, có khi rơi vào hôn mê, rối loạn hô hấp, trụy tim mạch. Hô hấp, tim mạch và thần kinh là 3 cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên.
Khi nhiệt độ tăng liên tục dẫn đến sản sinh nhiều các chất độc trong cơ thể. Từ đó gây ra suy thận cấp, suy gan, suy đa tạng và nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân gây ra sốc nhiệt
Theo BS Nguyễn Huy Hoàng, nguyên nhân sốc nhiệt đầu tiên là do trung tâm điều hòa thân nhiệt nằm trong não, sau gáy của cơ thể bị rối loạn dẫn đến không điều hòa được thân nhiệt. Nghĩa là nhiệt độ cơ thể tăng lên đột ngột không thể kiểm soát được.
“Thông thường, khi nhiệt độ ngoài trời tăng lên, cơ thể con người vẫn giữ được mức nhiệt ổn định nhờ trung tâm
BS Nguyễn Huy Hoàng phụ trách Trung tâm oxy cao áp Việt Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga (Ảnh NVCC)
điều hòa thân nhiệt phát tín hiệu đến các tuyến mồ hôi, từ đó xảy ra tình trạng toát mồ hôi. Điều này khiến cơ thể mất nước, mất điện giải nhưng lại giúp hạ nhiệt cơ thể. Tuy nhiên khi trung tâm điều hòa thân nhiệt bị ánh nắng chiếu trực tiếp và quá lâu, quá nhiều dễ gây tình trạng bị “rối loạn”, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng nói.
Nguyên nhân thứ 2 gây ra là tình trạng sốc nhiệt là do mất nước nhưng không bổ sung kịp thời dẫn đến tình trạng cơ thể không có nước để toát mồ hôi, hạ nhiệt cho cơ thể. Lúc này, người mất nước sẽ có xu hướng rối loạn tim mạch, tuần hoàn, lượng máu lưu hành giảm, cô đặc lại, huyết áp giảm, nhịp tim có xu hướng tăng lên. Quá trình này gọi là say nóng, tức là chưa đến mức sốc nhiệt. Nếu không để ý điều trị kịp thời sẽ dẫn đến say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt.
Nguyên nhân dẫn đến sốc nhiệt tiếp theo là khi toát mồ hôi, cơ thể không chỉ mất nước mà còn mất điện giải. Vậy nên muốn tránh tình trạng sốc nhiệt cần bổ sung cả nước và điện giải. Nếu không bù đủ điện giải sẽ gây ra rất nhiều vấn đề và quan trọng nhất là rối loạn dẫn truyền thần kinh cơ. Lúc đó, người bệnh sẽ có dấu hiệu mệt mỏi, lơ mơ, có khi sẽ có rối loạn hô hấp.
Giải pháp tránh sốc nhiệt
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khu vực Trung và Nam Trung Bộ trong những ngày tới có nắng nóng gay gắt, nền nhiệt phổ biến trên 38 độ C. Do đó để tránh say nắng hay tránh bị sốc nhiệt, đối với những người lao động ngoài trời phải tiếp xúc với ánh nắng nhiều cần bù nước, bù điện giải để điều hòa thân nhiệt cũng như ăn uống đầy đủ.
“Chế độ dinh dưỡng quan trọng nhất vẫn cần bổ sung đầy đủ nước và điện giải. Thêm vào đó là ưu tiên tinh bột nên chiếm 50% khẩu phần ăn bởi tinh bột tạo ra năng lượng nhanh và hiệu quả nhất”, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh.
Ngoài ra, để phòng tránh sốc nhiệt mọi người cần mặc quần áo sáng màu che chắn được nắng nóng nhưng vẫn thoáng mát, che chắn kĩ vùng sau gáy, tránh đi ra ngoài lúc 10h đến 2-3h chiều bởi đây là thời gian nắng nóng đỉnh điểm trong ngày. Nếu đi đoạn đường dài dưới nắng nóng nên phân bổ thời gian nghỉ ngơi hợp lý chứ không đi liên tục.
Say nóng thường diễn ra một cách từ từ, nhiệt độ cơ thể tăng dần và vượt quá 40 độ C. Các mức độ triệu chứng tăng dần như nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu hay buồn nôn. Tuy nhiên nếu say nóng không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt.
Say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt, diễn ra một cách đột ngột không có dấu hiệu báo trước, nhiệt độ cơ thể thường tăng trên 40 độ C, có thể kèm theo những tổn thương nặng nề ở hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn và có thể dẫn đến tử vong.
Sốc nhiệt chia làm 2 thể, thứ nhất là sốc nhiệt kinh điển, thường xảy ra khi làm việc quá lâu trong điều kiện nhiệt độ quá cao mà không được bù nước một cách đầy đủ. Thứ hai là sốc nhiệt thể gắng sức xảy ra ở những người trẻ khỏe mạnh thậm chí ở các vận động viên họ gắng sức quá mức trong khi thi đấu hoặc tập luyện.
Theo Nguyễn Hà/VOV.VN - 04/06/2024
https://vov.vn/suc-khoe/ho-hap-tim-mach-va-than-kinh-la-3-co-quan-chiu-anh-huong-dau-tien-cua-soc-nhiet-post1099214.vov