Mỹ đã phát triển một công cụ AI sử dụng dữ liệu lâm sàng thông thường như kết quả xét nghiệm máu cơ bản, để dự đoán tính hiệu quả của thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (ICI) đối với bệnh ung thư.
Các nhà khoa học thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã phát triển một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng những dữ liệu lâm sàng thông thường, chẳng hạn như các kết quả xét nghiệm máu cơ bản, để dự đoán về tính hiệu quả của thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (ICI) đối với các căn bệnh ung thư.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Cancer, mô hình học máy có thể giúp các bác sỹ xác định liệu các loại thuốc ICI có hiệu quả trong điều trị ung thư cho bệnh nhân hay không.
Báo cáo nghiên cứu mô tả chi tiết một mô hình học máy có thể đưa ra dự đoán dựa trên 5 dữ liệu lâm sàng được thu thập từ bệnh nhân, bao gồm: độ tuổi, loại ung thư, tiền sử trị liệu toàn thân, mức albumin trong máu và tỷ lệ bạch cầu trung tính trong máu so với bạch cầu lympho - một dấu hiệu cho thấy tình trạng viêm.
Mô hình trên cũng xem xét kích cỡ đột biến của khối u, được đánh giá thông qua bảng giải trình tự.
Theo các nhà khoa học, mô hình này được xây dựng và đánh giá bằng cách sử dụng các thông số từ nhiều bộ dữ liệu độc lập của 2.881 bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ICI để xử lý 18 loại u rắn khác nhau.
Hiện nhiều nghiên cứu liên quan đang tiếp tục được triển khai nhằm đánh giá sâu hơn mô hình AI này trong môi trường lâm sàng./.
Theo (TTXVN/Vietnam+) - 04/06/2024
https://www.vietnamplus.vn/my-phat-trien-mo-hinh-du-doan-tinh-hieu-qua-cua-lieu-phap-ici-dieu-tri-ung-thu-post957172.vnp