Giữa trùng khơi mênh mông, những điểm đảo trên quần đảo Trường Sa đã và đang từng ngày đủ đầy hơn nguồn điện để thắp sáng. Cuộc sống của mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo ngày một tốt hơn, xóa dần khoảng cách giữa đất liền và biển đảo.
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Nam khảo sát, kiểm tra hệ thống pin năng lượng mặt trời tại đảo Đá Đông B.
Đồng lòng vì nguồn điện giữa biển khơi
Trong chuyến thăm, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa đầu tháng 5 vừa qua, đoàn công tác số 14 rất vui mừng khi nghe tin tại điểm đảo Đá Đông A, nguồn điện thắp sáng phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ đã ổn định và thông suốt.
Đại úy Nguyễn Duy Khánh, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông A cho biết: Từ năm 2021, một hệ thống pin năng lượng mặt trời và hệ thống bình ắc-quy mới được Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) trang bị bảo đảm cung cấp được khoảng 1.000 kW điện/tháng.
Trong điều kiện nắng ổn định, điện sử dụng được 24 giờ phục vụ tốt cho công tác, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ; trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, nắng ít thì nguồn năng lượng dự trữ từ nguồn ắc-quy vẫn bảo đảm cung cấp điện trong thời gian từ ba đến bảy ngày.
Cùng với đảo Đá Đông A, Trường Sa lớn, một số nhà giàn DK và nhiều điểm đảo khác hiện nay đã được tiếp cận nguồn điện từ nguồn pin năng lượng mặt trời, điện gió khá đầy đủ, đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt, công tác của quân và dân trên đảo với trung bình 20 giờ/ngày.
|
Kỹ sư Công ty Điện lực Ninh Thuận và cán bộ đảo Đá Đông A phối hợp kiểm tra hệ thống ắc quy trữ điện trên đảo.
|
Nhớ lại quãng thời gian nhiều năm trước, Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải quân cho biết: “Thời điểm năm 1997-1998, khi tôi công tác trên đảo thì chưa có điện.
Từ năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp nhận việc đầu tư điện lên các đảo, tình hình cấp điện đã có nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống cho quân, dân trên đảo. Đây là chủ trương đúng đắn, căn cơ, bền vững mà các đơn vị đang thực hiện.
Với các mục tiêu đã đề ra về cung cấp điện trong các năm tới và dài hạn, chúng tôi tin tưởng rằng EVN và các đơn vị, quân, dân trên đảo sẽ sớm tiếp cận nguồn điện ổn định, thông suốt hơn so với hiện nay”.
Cùng tham gia đoàn khảo sát và đánh giá công tác cấp điện trên một số điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đi đến điểm đảo nào, anh Võ Hoàng Tuấn, Phó Trưởng phòng kỹ thuật, Công ty Điện lực Ninh Thuận (thuộc EVNSPC) cũng nhanh tay kiểm tra, ghi chép cẩn thận các vấn đề cần lưu ý, trao đổi để báo cáo lãnh đạo cấp trên.
Anh cũng cẩn thận thảo luận với các cán bộ được phân công nhiệm vụ bảo trì, bảo quản các thiết bị điện trên đảo để việc sử dụng cơ sở vật chất được hiệu quả hơn.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận Hồ Thái Yên Kha xác định: Đoàn công tác ra Trường Sa lần này đã khảo sát và định vị các điểm có thể lắp thêm những tấm pin năng lượng mặt trời mới trên các mái nhà để nâng cao công suất cấp điện. Đồng thời, kiểm tra và đánh giá kỹ hiện trạng các cơ sở hạ tầng đã lắp đặt để triển khai có hiệu quả các chương trình đầu tư sắp tới.
Với đặc thù khí hậu khắc nghiệt của biển đảo, khoảng cách địa lý cho nên các hoạt động khảo sát cần được thực hiện kỹ lưỡng nếu không việc thi công, lắp đặt, vận chuyển trên đảo sẽ phát sinh những khó khăn, thiếu hụt, ảnh hưởng tiến độ, chất lượng của công trình.
Phó Tổng Giám đốc EVNSPC Bùi Quốc Hoan khẳng định: Dù biết sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng mục tiêu của đơn vị là quyết tâm bảo đảm các công trình, hạ tầng về điện đạt được hiệu suất cao nhất để phục vụ đời sống, sinh hoạt, lao động học tập của quân và dân các điểm đảo, nhà giàn…
Hướng đến những mục tiêu lớn hơn
Để thắp sáng Trường Sa, từ năm 2011, 2012, hệ thống điện năng lượng sạch đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đầu tư trên một số điểm đảo, nhà giàn... đã cải thiện được phần nào cuộc sống, sinh hoạt của quân và dân trên đảo. Tuy vậy, với đặc thù thời tiết khắc nghiệt, theo thời gian, nhiều thiết bị, hạ tầng cấp điện đã xuống cấp, hư hỏng.
|
Cán bộ, kỹ sư, công nhận ngành điện miền nam khảo sát việc lắp đặt hệ thống năng lượng sạch trên đảo Song Tử Tây.
|
Đến năm 2017, EVN chính thức tiếp nhận toàn bộ hệ thống điện năng lượng mặt trời đã qua thời gian sử dụng trên các điểm đảo, nhà giàn DK1.
“Chúng tôi vẫn nhớ như in những khó khăn vất vả của quân và dân trên đảo trong những ngày hè thời tiết oi bức trước đây. Vì thiếu điện cho nên các thiết bị làm mát không phát huy được tác dụng. Mỗi giờ ăn, giấc ngủ của cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo đều trở nên cực nhọc hơn dưới thời tiết khắc nghiệt của Trường Sa. Nguồn điện hạn chế thời điểm đó cũng phải cân đối để sử dụng cho mục đích cần thiết khác”, ông Hồ Thái Yên Kha cho biết.
Tận mắt chứng kiến sự khó khăn, vất vả của quân và dân trên đảo, tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động của EVN càng hạ quyết tâm đưa nguồn điện ra quần đảo Trường Sa ngày càng nhiều và nhanh hơn.
Trong lần trở lại này, nhìn thấy những thay đổi lớn của các điểm đảo, trong đó có nguồn điện, các thành viên đoàn công tác cũng thấy vui lây với niềm vui của quân và dân trên đảo.
Chứng kiến những thay đổi đó, tâm sự cùng cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông A, ông Đinh Thế Phúc, thành viên Hội đồng thành viên EVN bộc bạch: “Cuộc sống trên các điểm đảo đã thật sự đổi thay, góp phần ổn định đời sống tinh thần, vật chất cho các cán bộ, chiến sĩ trên các đảo. Tuy nhiên, so với đất liền, đời sống của quân và dân trên đảo vẫn còn nhiều khó khăn. Chúng tôi rất chia sẻ với điều đó, trong chuyến công tác lần này, anh em trong ngành điện rất chia sẻ và mong muốn thực hiện các công tác đưa điện ra đảo một cách ổn định, nhanh hơn nữa. Đây cũng là cách chúng tôi thể hiện tình yêu quê hương, tình yêu biển đảo và chia sẻ những khó khăn, vất vả với cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương”.
Ngày ngày cùng các học trò nhỏ trên lớp học, thầy Lê Xuân Hạnh, giáo viên Trường tiểu học Trường Sa lớn chia sẻ: “Nguồn điện không ổn định sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc học hành, sinh hoạt của các cháu. Với nguồn điện ổn định, học trò đến lớp đầy đủ sẽ giúp cho quá trình học tập thuận lợi hơn rất nhiều”.
|
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền nam khảo sát, kiểm tra các trạm tích điện trên đảo Đá Đông A vào tháng 5/2024.
|
Còn Trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Trường Sa khẳng định: “Được sự quan tâm của Bộ Tư lệnh Hải quân, EVN, quân và dân nơi đây đã nhận được những tình cảm lớn, trong đó, nguồn điện được cấp ổn định là điều rất quan trọng để công tác sinh hoạt, huấn luyện, y tế của quân và dân trên đảo đạt hiệu quả cao nhất. Chúng tôi cũng luôn nỗ lực phối hợp cùng các đơn vị bảo dưỡng, bảo quản để nâng cao tuổi thọ các thiết bị dùng trong cấp điện”.
Theo Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện đảo Trường Sa sẽ từng bước trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài trên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thực hiện mục tiêu đó, việc đầu tư đồng bộ nguồn năng lượng tái tạo tại đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Đồng hành cùng các mục tiêu chung và triển khai công tác cấp điện đến các vùng nông thôn, miền núi và hải đảo theo mục tiêu Chính phủ đề ra, EVN ngoài việc khôi phục, duy tu, bảo dưỡng hệ thống cơ sở hạ tầng cấp điện hiện hữu, trong năm 2024 và các năm tiếp theo sẽ thực hiện đầu tư các công trình cải tạo, sửa chữa trạm năng lượng sạch tại các điểm đảo và nhà giàn DK để hướng đến mục tiêu cấp điện ổn định cho các điểm đảo và nhà giàn DK.
Theo nhandan.vn - 06/06/2024
https://nhandan.vn/dua-dien-ra-quan-dao-truong-sa-post812890.html#812890|home-highlight|0