Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu không thực hiện các biện pháp tình dục an toàn. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh và điều trị kịp thời giúp ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng.
1. Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) là gì?
Bệnh lây truyền qua đường tình dục, gọi tắt là STD, là cách gọi một nhóm bệnh thường lây nhiễm qua hoạt động tình dục. Mặc dù phụ nữ có nhiều nguy cơ mắc STD hơn nhưng STD ở nam giới lại phổ biến hơn.
Các triệu chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể khác nhau tùy theo bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có hiệu quả cao nếu bạn phát hiện sớm các dấu hiệu.
2. Nguyên nhân mắc bệnh STD ở nam giới
Bệnh lây truyền qua đường tình dục không chỉ xảy ra khi quan hệ tình dục không an toàn mà còn có thể lây truyền do vi khuẩn và virus gây bệnh phát triển nhanh chóng trong điều kiện ẩm ướt, ấm áp. Bệnh lây truyền qua đường tình dục được truyền qua một số cách:
-
Tiếp xúc với dịch âm đạo, tinh dịch hoặc máu.
-
Tiếp xúc da kề da.
-
Một số STD có thể được lây nhiễm thông qua các chế độ phi tình dục, chẳng hạn như dùng chung kim tiêm với người đang mắc STD hoặc tiếp xúc với khăn, quần áo hoặc bệ toilet đã qua sử dụng.
3. Triệu chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nam giới
ThS.BSCKII Nguyễn Trần Thành - Phó trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu - Nam học Bệnh viện 19-8 cho biết: Các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nam giới có rất nhiều loại, đa dạng về những chủng vi khuẩn, virus gây ra nhưng có đặc điểm là có nhiều triệu chứng chung. Những triệu chứng này có vai trò quan trọng gợi ý để người bệnh nhận thấy những bất thường và đi khám sớm bởi các bác sĩ nam khoa.
Nam giới khi có những dấu hiệu bất thường vùng sinh dục, tiết niệu cần đi khám bác sĩ chuyên khoa nam học để sớm phát hiện bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Theo BSCKII Nguyễn Trần Thành, các biểu hiện chung của các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường có các triệu chứng sau đây:
Biểu hiện toàn thân: Khi vi khuẩn, virus xâm nhập cơ thể sẽ gây tình trạng viêm nhiễm. Biểu hiện ban đầu là mệt mỏi, sốt, có thể rét run khi vi khuẩn xâm nhập vào máu gây tình trạng nhiễm trùng.
Biểu hiện tại cơ quan sinh dục: Nam giới sẽ gặp phải tình trạng rối loạn đi tiểu hoặc rối loạn xuất tinh. Rối loạn đi tiểu là đi tiểu buốt, tiểu lắt nhắt nhiều lần, đau buốt dọc niệu đạo khi đi tiểu. Rối loạn xuất tinh biểu hiện ở xuất tinh bất thường, di tinh, đau sau khi xuất tinh hoặc đau sau khi đi tiểu.
Tiếp theo là sự xuất hiện của những dấu hiệu bất thường tại cơ quan sinh dục người nam. Vùng quy đầu, da bao quy đầu, vùng tầng sinh môn, vùng lưỡi hoặc dưới lưỡi xuất hiện các nốt nhỏ của sùi mào gà, những nốt loét của giang mai hay những vết mụn rộp của virus Herpes. Đây là dấu hiệu rất quan trọng chỉ điểm rằng nam giới đã mắc bệnh lây qua đường tình dục.
Những triệu chứng ở giai đoạn muộn hơn như ra mủ ở miệng sáo, đau tức vùng cơ quan sinh dục, đau tức vùng tầng sinh môn hoặc vùng lân cận như vùng bàng quang, vùng tuyến tiền liệt hoặc vùng niệu đạo do tình trạng vi khuẩn thâm nhập sâu ra ngoài hoặc sâu vào trong gây ra tình trạng nhiễm khuẩn đường dọc.
Khi thấy có một trong những biểu hiện trên, nam giới cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị đúng. Tốt nhất, nên đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy da bị kích ứng, vết loét hoặc bất cứ điều gì khác thường.
4. Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh STD ở nam giới
Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp ở nam giới là:
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh STD ở nam giới tăng lên đáng kể do các yếu tố sau:
-
Nhiều bạn tình: Nguy cơ mắc STD tăng lên khi có nhiều bạn tình. Việc quan hệ với nhiều người làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
-
Quan hệ tình dục với người có nhiều bạn tình: Tham gia vào hoạt động tình dục với đối tác dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục do nhiều bạn tình, khiến bạn có nguy cơ cao hơn.
-
Quan hệ tình dục không được bảo vệ: Nếu không có sự bảo vệ bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách, khả năng bị phơi nhiễm của bạn sẽ tăng lên đáng kể.
-
Dùng chung kim tiêm với các bệnh nhân có thể mắc bệnh STD: Vì STD có thể lây truyền qua tiếp xúc với máu nên việc sử dụng kim tiêm bị ô nhiễm có nguy cơ đưa mầm bệnh trực tiếp vào máu.
-
Quan hệ tình dục qua đường hậu môn không được bảo vệ: Do tiếp xúc nhiều hơn với vi khuẩn cũng như tăng nguy cơ chấn thương, kiểu quan hệ này có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cao hơn so với các hành vi khác.
-
Nam giới có quan hệ tình dục đồng giới: Tỷ lệ mắc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV và lậu đặc biệt cao ở nam giới có bạn tình là nam.
-
Bệnh lây truyền qua đường tình dục trước đây: Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh STD trước đây có nguy cơ mắc bệnh STD tái phát cao hơn.
5. Cách phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục
Bạn sẽ không phải đối mặt với những rắc rối đi kèm với các triệu chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu duy trì vệ sinh cá nhân và thói quen tình dục lành mạnh. Một số mẹo có thể giúp ích rất nhiều trong việc giữ an toàn cho bản thân là:
-
Tránh dùng chung dao cạo râu, khăn tắm hoặc quần áo, đặc biệt đồ lót với người khác.
-
Sử dụng bao cao su đúng cách cho mỗi lần quan hệ tình dục.
-
Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy.
-
Tiêm vaccine các bệnh lây truyền qua đường tình dục như viêm gan B hoặc vius u nhú ở người (HPV).
Nam giới nên thăm khám sức khỏe tổng thể, trong đó có khám nam khoa định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ bệnh lý tiềm ẩn (nếu có). Hiện nay nhiều bệnh lây qua đường tình dục có thể chữa khỏi. Nếu được điều trị sớm, đúng cách sẽ ngăn ngừa được những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản. Khi được phát hiện bệnh, người bệnh chủ động có hành vi an toàn để phòng ngừa lây nhiễm cho người khác.
Theo suckhoedoisong.vn - 08/06/2024
https://suckhoedoisong.vn/trieu-chung-pho-bien-cua-cac-benh-lay-truyen-qua-duong-tinh-duc-o-nam-gioi-169240606165220451.htm