Cập nhật: 19/06/2024 09:00:00
Xem cỡ chữ

Ở các địa phương trong tỉnh hiện có nhiều mô hình nông dân làm kinh tế giỏi luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, vươn lên trong cuộc sống. Họ thiết lập các mô hình kinh tế để tạo dựng và duy trì mức thu nhập khá hoặc làm giàu bằng chính đôi bàn tay, khối óc của mình.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, phường Đồng Xuân, thành phố Phúc Yên, bắt đầu biết và triển khai mô hình nuôi chim bồ câu pháp từ năm 2016, ông nuôi khoảng 500 đôi chim câu bố mẹ theo hình thức chuồng lồng. Mô hình tùy không lớn, nhưng lại cho hiệu quả kinh tế tốt. Nuôi chim bồ câu pháp chi phí xây dựng chuồng trại đơn giản, không tốn kém, thị trường tiêu thụ rộng, nguồn cung - cầu ổn định, do vậy mang lại nguồn thu nhập khá cho người chăn nuôi.

Chim bồ câu rất dễ nuôi nhưng chuồng trại phải đảm bảo đủ ánh sáng, thoáng mát và đặc biệt là vệ sinh sạch sẽ. Hoạt động chăn nuôi chim bồ câu pháp của ông Hoàng đã duy trì liên tục được 8 năm nay, giúp cho gia đình ông có mức thu nhập khá và ổn định từ 20-30 triệu đồng/tháng. Thấy được hiệu quả từ mô hình kinh tế của gia đình mình và nhu cầu lớn của thị trường, ông Hoàng đã hướng dẫn để những người bạn trong tổ dân phố cùng nuôi. Ông cung cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật, truyền đạt kinh nghiệm để mọi người hiểu, tránh những thiệt hại.

Quá trình nuôi thực tế cho thấy bồ câu Pháp dễ nuôi, nhanh lớn, ít dịch bệnh, thức ăn đơn giản, nhu cầu thị trường cao, lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc. Quá trình nuôi và chăm sóc chim câu tương đối đơn giản, từ lúc chim nở đến lúc sinh sản khoảng 5- 6 tháng. Nắm rõ quy trình chăm sóc và tuân thủ điều đó, nuôi chim bồ câu pháp là hướng đi được nhiều hộ gia đình lựa chọn và xem đây là hướng đi chủ lực để phát triển kinh tế gia đình.

Thùy Linh