Cập nhật: 19/06/2024 08:10:00
Xem cỡ chữ

Rừng dừa nước Tịnh Khê cùng với dòng sông Kinh êm đềm, đường bờ biển cát mịn, làng mạc dưới bóng cây xanh, con đường làng quanh co đang trở thành điểm du lịch sinh thái làm say lòng du khách.

Hầu hết các con sông vùng ven biển miền Trung đều phát nguyên từ rừng núi phía Tây rồi đổ về Đông, trước khi ra biển. Ở hạ du, các khe suối nhỏ không dồn nước thành phụ lưu đổ ra sông lớn mà loang thành nhiều đầm, phá làm vùng đệm giữa cận duyên và duyên hải. Những đầm, phá, lạch nước tự nhiên này nhiều nơi được con người khơi dòng, nối thông nhau để hình thành sông đào theo dạng thuỷ lưu dọc bờ biển, giúp cho tàu thuyền có thể dễ dàng di chuyển từ cửa biển này sang cửa biển khác vào mùa biển động.

H3. Sông Kinh đoạn qua làng Trường Định.JPG

Sông Kinh- đoạn qua làng Trường Định. Ảnh: Lê Hồng Khánh

Một dòng sông như vậy đã hình thành phía Đông Bắc thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), lấy nước từ cửa Đại Cổ Luỹ (cửa Đại) của sông Trà Khúc, chảy theo hướng đông bắc, men theo bờ biển, băng qua các xã Tịnh Khê, Tịnh Hoà, Tịnh Kỳ trước khi đổ ra cửa Sa Kỳ. Tác động nhún nhường, phù hợp của con người vào địa hình tự nhiên đã hình thành nên một con nước vừa có cảnh quan thơ mộng, vừa mang đậm nét đặc thù trong cách ứng xử với thiên nhiên ven biển của cư dân miền Trung. 

Người dân xã Tịnh Khê, từ bao đời vẫn gọi sông Kinh là “sông Trước”, vì con nước chảy men phía Đông, nơi đất liền nhìn ra biển, phân biệt với “sông Sau” là sông Diêm Điền, chảy vòng phía Tây Bắc, khuất sau làng Tư Cung và làng Mỹ Lại. Biển Đông cùng với sông Trước (phía Đông), sông Sau (phía Bắc), sông Cái (sông Trà Khúc, phía Nam) vây quanh xã Tịnh Khê giữa mênh mang sông biển.

Ông giáo Quảng Tố, người làng Tư Cung, năm nay đã ngoài tuổi thất thập, cho biết: “Cách đây hơn nửa thế kỷ về trước, tuyến đường thủy sông Kinh khá nhộn nhịp, nhất là vào mùa mưa bão. Ghe thuyền chở đồ gốm Mỹ Thiện, cá chuồn hấp Bình Dương, nước mắm Tổng Binh, muối Xuân An… từ cửa Sa Kỳ theo sông Kinh qua cửa Đại, rồi từ cửa Đại theo thuyền buồm ngược lên vùng trung du các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh; tận Ba Gia, Đồng Ké, Đá Sơn, Đá Nham, nguồn Sơn Hà, nguồn Minh Long. Ở chiều xuôi sông, tàu thuyền chở tre, gỗ mù u, dầu rái được thương lái thu mua từ núi rừng phía Tây đưa về hạ nguồn sông Trà Khúc, đi qua sông Kinh đến cảng Sa Kỳ rồi vượt biển ra cù lao Ré (Lý Sơn) bán cho các xưởng đóng tàu, đặc biệt là các xưởng đóng ghe bầu Lý Sơn nổi tiếng”. 

H1. Làng Cổ Luỹ, nơi khởi đầu con nước sông Kinh.JPG

Làng Cổ Lũy nằm bên cửa Đại, nơi khởi đầu con nước sông Kinh. Ảnh: Lê Hồng Khánh

Nằm ở cửa sông Kinh là làng chài Cổ Lũy, chơi vơi giữa sông và biển, đường làng, ngõ xóm và những khu vườn rợp bóng cây xanh. Dừa nước hai bên bờ, lấn sâu xuống lòng sông Kinh, chiếm phần lớn diện tích vùng ngập nước phía Bắc cửa Đại. Rừng dừa nước, rừng dương mé biển cùng màu biển, màu trời hòa sắc độc đáo, lấy nhịp điệu chuyển động màu xanh làm chủ đạo. “Nhất Huế nhì đây, Cổ Luỹ cô thôn”, Tuy Thạnh quận công Trương Đăng Quế (1793- 1865), một người Tịnh Khê, danh thần triều Nguyễn và cũng là một thi sĩ, từng có câu thơ như thế.

Ông Huỳnh Công Linh, người thôn Mỹ Lại, có ngôi nhà bên dòng sông Kinh, bằng giọng nói mang nhiều nuối tiếc, kể về những năm tháng tuổi thơ, theo anh trai đi bủa câu, thả lưới trên dòng sông Kinh. Sáng tinh mơ, những người đánh cá xuôi ngược thuyền nan giữa ngan ngát hai bờ dừa nước. Loài chim dồng dộc làm tổ rất nhiều trên những tàu dừa. Có những chiếc tổ, ngồi trên thuyền chỉ cần với tay là có thể chạm vào. Dưới sông, người ta đặt nò bắt cá. Nò là dụng cụ đan bằng tre, thả xuống các đầm nước hoặc men theo bờ kênh, rạch để nhử cá chui vào. Gió biển nhè nhẹ thổi, những chiếc tổ dồng dộc đong đưa theo làn gió. Một khung cảnh nên thơ, sông nước hữu tình còn lưu ấn tượng trong ông cho đến tận bây giờ, khi đã sắp vào tuổi bảy mươi. 

Trong những năm tháng kháng chiến chống ngoại xâm, một căn cứ của cách mạng, sâu trong rừng dừa nước Tịnh Khê đã hình thành. Dòng sông Kinh trở thành “hậu cần tiền phương”, đồng thời là hành lang bí mật để di chuyển lực lượng từ huyện Đông Sơn (một huyện hình thành trong kháng chiến, phía Đông Bắc sông Trà Khúc, bao gồm miền Đông huyện Bình Sơn và miền Đông huyện Sơn Tịnh, lúc bấy giờ) đột nhập vào thị xã tỉnh lỵ (phía nam sông Trà Khúc). Đây cũng từng là nơi đứng chân của nhiều đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ngãi: Đại đội 21, tiểu đoàn 48, các Đội công tác Nghĩa An, Nghĩa Phú, Nghĩa Dũng của huyện Tư Nghĩa…

H7. Rừng dừa sông Kinh nhìn từ trên cao.jpg

Rừng dừa sông Kinh, nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Hồng Khánh

Rừng dừa đã từng diễn ra những trận đánh ác liệt, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân càn quét của địch vào xã Tịnh Khê, đồng thời tạo ra một hướng đột phá vào tỉnh lỵ Quảng Ngãi từ phía Đông Bắc. Sông Kinh và rừng dừa nước Tịnh Khê là một phần đậm nét trong lịch sử kháng chiến của quân và dân xã Tịnh Khê - một xã được hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Căn cứ kháng chiến Rừng dừa nước tại xã Tịnh Khê đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. 

Con đường Hoàng Sa lộng gió nồm, bắt đầu từ đầu cầu Trà Khúc phía Bắc, chạy dọc bờ sông đi về phía Đông, giao nhau với quốc lộ 24B tại vòng xoay Tịnh Khê. Mé phía Đông, cách vòng xoay hơn 10m là chiếc cầu vượt sông Kinh qua bãi biển Mỹ Khê. Ngay dưới chân cầu là nhà thờ Tuy Thạnh quận công Trương Đăng Quế với tấm bia nổi tiếng khắc 3 chữ “Huệ Dưỡng Viên” nằm dưới bóng mát cội bàng cổ thụ hơn 300 năm tuổi..

Trương Đăng Quế là con thứ trong một gia đình họ Trương nổi tiếng ở Quảng Ngãi, gọi Đô đốc Tây Sơn Trương Đăng Đồ bằng chú ruột. Năm Gia Long thứ 18 (Kỷ Mão, 1819), ông đỗ Hương tiến (tương đương Cử nhân), trở thành người khai khoa của phủ Quảng Ngãi, nay là tỉnh Quảng Ngãi. Trương Đăng Quế được bổ làm Hành tẩu bộ Lễ dưới triều Gia Long, rồi lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều đình. Năm 1863, ông xin về trí sĩ ở quê nhà. Quý trọng bậc cố mệnh lương thần tài ba, liêm khiết, vua Tư Đức cho xuất công quỹ, mua mảnh vườn nhỏ bên bờ sông, dựng một ngôi nhà rường đúng kiểu Nam Trung bộ để ban tặng cho ông. Huệ Dưỡng Viên (mảnh vườn nhà vua ban tặng cho bậc lão thần hưu dưỡng), có lai lịch như vậy.

H2. Tĩnh lặng rừng dừa nước sông Kinh.JPG

Tĩnh lặng rừng dừa nước sông Kinh. Ảnh: Lê Hồng Khánh

Qua cầu sông Kinh, là bãi biển Mỹ Khê. Từ đây, rừng dừa nước nhường chỗ cho rừng dương và rừng dừa ăn quả. Bên ngoài rừng dương là dải cát trắng phau của bãi biển Mỹ Khê, một trong những đoạn bờ biển đẹp nhất Việt Nam. Nhìn từ đây, bãi biển như một vành cung cát vàng và dương xanh, dài xấp xỉ 10 cây số, chạy từ cửa Đại Cổ Lũy đến bán đảo Ba Làng An 

Buổi sáng mùa hè, gió ban mai nhè nhẹ thổi, đoàn thuyền đánh cá thấp thoáng trong sương như giục lòng du khách mơ đến chân trời khói sóng mờ xa. Gần hơn, trên bãi cát vàng là những người kéo lưới rùng, chầm chậm và chắc nịch bám bàn chân vào cát biển, ghì tay kéo mành lưới vào bờ, đợi lộc biển đầu ngày là mẻ cá tôm tươi rói rói. Mặt trời nhô lên khoan thai, thanh thản, rừng dương vi vu như tiếng nhạc gọi mời. 

Chiều về, Mỹ Khê rộn ràng tiếng người, tiếng sóng. Biển khoan dung nhận vào mình bao nỗi nhọc nhằn và ban phát niềm tin cho tất thảy sinh linh. Những dấu chân đan dày trên cát ướt thì thầm với biển biết bao điều. Gió hiền hậu nâng cánh diều lừng lững bay lên bầu trời cao lồng lộng, nâng cả ước mơ của mấy chú bé con. 

Không xa rừng dừa nước là các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi: Nhà lưu niệm ông Trương Quang Giao - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, Bí thư Liên Khu uỷ V, một trong những người lãnh đạo chủ chốt Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ tháng 3 năm 1945; mộ vợ chồng Đô đốc Tây Sơn Trương Đăng Đồ - Nguyễn Thị Dung; chùa Minh Đức và khu du lịch tâm linh Thiên Mã; mộ và nhà thờ thủ lĩnh Cần Vương Mai Tuấn; khu chứng tích Sơn Mỹ; nhà thờ Anh hùng dân tộc Trương Định; thắng cảnh Thạch Ky điếu tẩu; mũi Ba Làng An; thành cổ Châu Sa…

H6. Sông Kinh đoạn qua xóm Bè Rớ.JPG

Sông Kinh đoạn qua xóm Bè Rớ. Ảnh: Lê Hồng Khánh

Trao đổi với ông Võ Minh Chính, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, chúng tôi được biết Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2023. UBND xã đang hướng dẫn, hỗ trợ để bà con hình thành một số homestay ở khu vực lân cận rừng dừa nước làm nơi lưu trú cho du khách, mở các tuyến đường dẫn vào rừng dừa để khách đi tản bộ ngắm cảnh, đồng thời từng bước bồi dưỡng cho xã viên kiến thức về sinh cảnh, lịch sử, văn hóa liên quan đến rừng dừa nước để họ có thể hướng dẫn, trao đổi cùng du khách. 

Ông Chính cho biết thêm, hiện nay Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đang xem xét, thẩm định, công nhận Rừng dừa nước Tịnh Khê là điểm du lịch của tỉnh. Đây là căn cứ quan trọng để địa phương tăng cường công tác quản lý, đưa các hoạt động du lịch tại rừng dừa nước đi vào nề nếp.

Con sông này về đêm đẹp như tiên cảnh anh à!

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bảo Anh, người con của đất Tịnh Khê, thốt lên như vậy, khi các bạn trẻ ngư dân xóm Bè Rớ (thôn Cổ Lũy) nhận lời cùng hai chúng tôi rong ruổi một chuyến câu đêm.

Ô hay, đã là “tiên cảnh” thì tôi còn gì để viết thêm về con sông Kinh thơ mộng, hiền hòa.

Theo vietnamnet.vn  

https://vietnamnet.vn/chuyen-cua-nhung-dong-song-song-kinh-thuy-luu-doc-bien-2292215.html