Cập nhật: 21/06/2024 08:39:00
Xem cỡ chữ

Sỏi thận "thầm lặng", không gây triệu chứng, thường được phát hiện khi chụp X-quang hoặc siêu âm trong quá trình khám sức khỏe.

Sỏi thận khi mới hình thành sẽ có kích thước nhỏ nhưng có thể phát triển thành kích thước lớn hơn, thậm chí lấp đầy hệ thống đài bể thận gây nên nhiều biến chứng.

Ghi nhận thực tế, một số viên sỏi nằm trong thận và không gây ra vấn đề gì, một số khác có thể di chuyển xuống, qua khỏi niệu quản đến bàng quang và được tống ra ngoài theo nước tiểu một cách tự nhiên.

Tuy nhiên, nếu sỏi thận di chuyển xuống mắc kẹt ở niệu quản, niệu đạo sẽ hình thành sỏi niệu quản, sỏi niệu đạo hoặc sỏi thận đi xuống đến bàng quang mà không được tống xuất ra ngoài sẽ hình thành sỏi bàng quang. 

Khi sỏi từ thận đi xuống và bị mắc kẹt ở một vị trí nào đó trên đường tiết niệu, nó sẽ chặn dòng nước tiểu từ thận xuống và gây đau, gây sốt, gây giãn đường tiết niệu phía trên vị trí sỏi bị kẹt lại. 

Khi cơn đau quặn thận đột ngột xảy ra là một dấu hiệu cảnh báo quan trọng của cơ thể cần phát hiện sớm để tránh những biến chứng khó lường.

Mặc dù vậy, không phải ai cũng hiểu đúng về căn bệnh này.

5 lầm tưởng về sỏi thận nhiều người mắc- Ảnh 1.

Sỏi thận với những biểu hiện như cơn đau quặn thận.

Những lầm tưởng về sỏi thận

Sỏi thận chỉ gặp ở người lớn tuổi

Sỏi thận là bệnh do các viên sỏi được tạo thành trong thận với những biểu hiện như cơn đau quặn thận, bệnh có thể gây ra các biến chứng như nhiễm khuẩn, suy thận cấp hoặc mạn tính nếu không điều trị kịp thời.

Sỏi thận xảy ra ở nhiều lứa tuổi, không hạn chế ở một nhóm tuổi cụ thể hoặc giới tính nào. Hiện nay, sỏi thận đang có tỉ lệ gia tăng ở trẻ em do chế độ sinh hoạt và ăn uống mất cân bằng.

Sỏi thận dễ nhận biết qua các triệu chứng

Những người bị sỏi thận nhỏ có thể không có triệu chứng trong suốt giai đoạn đầu. Sỏi có thể ở trong thận mà không gây tắc nghẽn đường tiểu hoặc ảnh hưởng tới các chức năng sinh lý khác.

Tuy nhiên, những viên sỏi sẽ được phát hiện khi siêu âm, chụp X-quang hoặc chụp CT.

Uống bổ sung canxi sẽ mắc sỏi thận

Nhiều người cho rằng uống canxi thường xuyên sẽ mắc sỏi thận nên mặc dù thiếu hụt cũng không uống canxi bổ sung. Điều này hoàn toàn không đúng. Nếu thiếu canxi việc uống bổ sung là cần thiết, không nên cắt bỏ hoàn toàn mà cần phối hợp với thức ăn có canxi từ tự nhiên như sữa dê, sữa bò, tôm, cua… Đồng thời, mỗi người nên ăn nhạt, uống nhiều nước.

Đã mổ sỏi là khỏi, không bị tái phát

Nhiều người cho rằng khi mắc sỏi thận đã phẫu thuật thì sẽ không bị tái lại. Điều này là hoàn toàn sai lầm vì thực tế, có người bị sỏi thận một lần và không bị lại, nhiều trường hợp bị lại nhiều lần. Thông thường, nếu một người bị sỏi thận lần hai thì cần được kiểm tra chức năng thận, tuyến giáp, tuyến cận giáp, hàm lượng vitamin D.

Những người bị sỏi thận tái phát cần phòng ngừa bằng cách uống 2 lít nước mỗi ngày, giảm hấp thu muối và axit, đồng thời đi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi.

Sỏi to là phải mổ mở

Sỏi có điều trị bằng thuốc nếu nhỏ, có thể ra ngoài qua đường tiểu. Tuy nhiên, đối với những viên sỏi lớn hơn không thể ra ngoài theo đường tự nhiên thì bắt buộc phải can thiệp ngoại khoa.

Tùy vào kích thước và tình trạng sỏi mà bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp tán sỏi công nghệ cao như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ngược dòng, tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ… an toàn, ít tổn thương và nhanh hồi phục hơn nhiều so với mổ mở. Do đó, không phải cứ sỏi to là phải mổ mở như trước đây.

Các yếu tố nguy cơ gây sỏi thận

Yếu tố nguy cơ lớn nhất của sỏi thận là uống ít nước, tức là cơ thể tạo ra ít hơn 1 lít nước tiểu mỗi ngày. Sỏi thận rất dễ xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 40 – 60 và trẻ sinh non có vấn đề về thận, xảy ra ở nam nhiều hơn nữ.

Một người từng bị sỏi thận có ít nhất 50% nguy cơ sẽ bị sỏi thận trong 5 – 7 năm tới. Một người có tiền sử thành viên trong gia đình bị sỏi thận cũng có thể bị sỏi thận, mặc dù trường hợp này khá hiếm gặp.

Ngoài ra, các yếu tố sau đây có thể khiến một người dễ bị sỏi thận hơn:

  • Chế độ ăn uống nhiều protein, muối hoặc đường.

  • Ít vận động.

  • Thừa cân béo phì.

  • Bệnh tiểu đường.

  • Huyết áp cao.

  • Bệnh thận đa nang hoặc thận có cấu trúc bất thường.

  • Bệnh viêm ruột (ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ canxi).

  • Một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu triamterene, thuốc chống động kinh và thuốc kháng axit dựa trên canxi, cũng có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận do chúng hình thành các tinh thể trong nước tiểu hoặc thay đổi thành phần của nước tiểu.

Lời khuyên thầy thuốc

Uống nước khi thức dậy nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng không phải loại nước  nào cũng tốt

Để phòng sỏi thận và tránh tái phát, cần uống đủ nước hằng ngày (trên 2 lít/ngày), tăng cường vận động, tập thể dục, thể thao để tránh sự lắng đọng của tinh thể muối khoáng. 

Nên uống nhiều nước hoa quả như cam, chanh, bưởi tươi, nên ăn nhiều rau tươi giúp tiêu hóa nhanh, giảm hấp thu các chất gây sỏi thận.

Cần hạn chế thực phẩm giàu protein (dưới 200g protein/ngày), thực phẩm giàu oxalate (như củ dền, đậu bắp, rau chân vịt, các loại hạt, trà, chocolate, hạt tiêu đen và các sản phẩm từ đậu nành). Xây dựng chế độ ăn ít muối và tránh ăn nhiều thực phẩm chứa purin gây sỏi thận như cá khô, thịt khô, tôm khô, lạp xưởng, các loại mắm…

Khi có những dấu hiệu bệnh như: xuất hiện cơn đau âm ỉ vùng hố thắt lưng một hoặc hai bên hông, có thể có những cơn đau nhói, quặn thắt, có thể có các dấu hiệu như đi tiểu ra máu, tiểu buốt, sốt, mệt mỏi… Lúc này người bệnh không nên tự điều trị, không tự uống thuốc nam, mà nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và chẩn đoán điều trị phù hợp. 

Đặc biệt, người dân chú ý đi khám sức khỏe định kỳ và nên khám chuyên khoa thận - tiết niệu để phát hiện sớm, điều trị sớm bệnh sỏi thận, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Theo suckhoedoisong.vn  

https://suckhoedoisong.vn/5-lam-tuong-ve-soi-than-nhieu-nguoi-mac-16924061920451134.htm