Ukraine và phương Tây nỗ lực tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về Hòa bình tại Ukraine. Tuy nhiên hội nghị này bị xem là thất bại toàn diện khi không đạt được các mục tiêu đề ra, trong lúc Nga vẫn nắm thế thượng phong trên chiến trường và trong ngoại giao.
Thoạt tiên, Hội nghị thượng đỉnh về Hòa bình ở Ukraine (tổ chức tại Thụy Sĩ từ ngày 15 - 16/6) không phải là một thất bại nếu dựa trên các phát biểu lạc quan của Tổng thống Ukraine Zelensky và các đồng minh phương Tây của ông. Và trong một chừng mực nào đó thì hội nghị này cũng đã giúp ông Zelensky hướng sự chú ý của công luận quốc tế vào xung đột Nga - Ukraine.
Tổng thống Ukraine Zelensky (giữa, phía trước) phát biểu trước cử tọa tại Hội nghị về Hòa bình tại Ukraine (tổ chức ở Thụy Sĩ) vào ngày 15/6/2024. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine.
Tuy nhiên, xét về hầu hết các mặt khác, kết quả của Hội nghị là điều gây thất vọng cho Ukraine. Sự tham gia của quốc tế là rất hời hợt, thiếu sinh khí. Cụ thể, chỉ có sự tham dự của 92 trong tổng số 160 quốc gia và tổ chức quốc tế được mời. Thông cáo cuối cùng của Hội nghị cũng thấp hơn kỳ vọng, cả về nội dung lẫn bên ký tên.
Tất cả những điều này đặt ra câu hỏi nghiêm túc về tương lai tiến trình hòa bình thiếu vắng sự tham gia của Nga. Trung Quốc cũng không tham gia Hội nghị. Có khoảng một chục nước và tổ chức có tham gia Hội nghị nhưng từ chối ký vào tuyên bố chung.
Chương trình nghị sự bị giới hạn
Chương trình họp có bàn đến 3 vấn đề đươc nêu trong kế hoạch hòa bình 2022 của Tổng thống Ukraine - đó là an toàn hạt nhân, an ninh lương thực và nhân đạo. Thế nhưng Thông cáo cuối cùng của Hội nghị không đề cập kế hoạch đó của ông Zelensky, chứ chưa nói tới yêu cầu cốt lõi của ông là quân Nga rút hoàn toàn. Và người ta cũng không đạt được thỏa thuận nào về thời điểm tổ chức một hội nghị tiếp theo.
Kiev và các đồng minh phương Tây khăng khăng rằng kế hoạch hòa bình của Tổng thống Zelensky là phương án duy nhất có thể đưa ra bàn thảo. Điều này mặc định ngăn cản bất cứ việc thảo luận nào đối với ít nhất là 7 đề xuất khác của các bên thứ 3.
Các phương án kia bao gồm kế hoạch do Trung Quốc, Brazil, Indonesia và Vatican bảo trợ. Còn có các đề xuất được một nhóm các nước châu Phi đưa ra vào tháng 6/2023. Đề xuất của Saudi Arabia được đưa ra vào tháng 8/2023. Gần đây Trung Quốc và Brazil còn có thêm một đề xuất chung.
Tất cả những đề xuất này đều không phải là sáng kiến của phương Tây và chủ yếu tập trung vào mục tiêu đạt được một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, Ukraine và các đối tác phương Tây của họ tiếp tục xem việc đình chiến vào lúc này là có lợi cho Nga. Lệnh ngừng bắn sẽ đóng băng xung đột vũ trang trong trạng thái hiện nay và tạm thời chấp nhận những thành quả của Nga trên thực địa, bao gồm cả việc sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Thế đi lên của Nga
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin đã củng cố hơn nữa các tuyên bố chủ quyền của mình. Khi các phái đoàn lên đường tới Thụy Sĩ dự Hội nghị hòa bình, Tổng thống Putin đã công bố các yêu sách đã được mở rộng này.
Theo yêu sách của Nga, Ukraine phải công nhận bán đảo Crimea và 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia là thuộc về Nga. Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh kia vào tháng 9/2022.
Vào tháng 2/2023, có tới trên 80% người Ukraine loại trừ mọi thỏa hiệp với Nga trong vấn đề lãnh thổ này, nhưng nay con số đó ước tính chỉ còn 58%.
Thông cáo cuối cùng của Hội nghị Ukraine phản ánh thái độ tương tự từ các quốc gia tham gia.
Việc Thông cáo không nói trực diện yêu sách đòi Nga rút quân hoàn toàn, cũng như không đề cập các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế, cho thấy Ukraine và đồng minh phương Tây muốn bản Thông cáo này giành được sự ủng hộ rộng rãi của các bên. Cách diễn đạt trong Thông cáo tạo thêm không gian cho thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán tương lai giữa Nga và Ukraine và không loại trừ hoàn toàn sự nhượng bộ của Kiev về lãnh thổ.
Nhưng ngay cả phiên bản Thông cáo đã xuống nước này vẫn không thu hút được sự nhất trí ủng hộ của toàn bộ các phái đoàn tham gia Hội nghị. Lý do tương đối rõ: Phương Tây tập thể, đặc biệt là G7, NATO và EU, cho tới nay vẫn kiên định ủng hộ Ukraine và kế hoạch hòa bình của Tổng thống Zelensky và chỉ duy nhất phương án hòa bình của ông.
Thiếu nhất quán trong ủng hộ của phương Tây
Phương Tây tái khẳng định sự ủng hộ của mình trong thông cáo của các lãnh đạo tại Thượng đỉnh G7 ở miền Nam Italy. Thông cáo đó công khai sự ủng hộ tập thể của G7 đối với các nguyên tắc và mục tiêu chính trong Công thức hòa bình của Tổng thống Zelensky. Tuy nhiên, thông điệp gửi đi thì lại mềm mỏng hơn so với Thông cáo của ngoại trưởng G7 vào tháng 11/2023, trong đó nói rằng hòa bình là bất khả thi nếu Nga không rút quân vô điều kiện.
Nhưng dù sao cách tiếp cận hiện nay của Ukraine và phương Tây cũng là sự điều chỉnh ở mức độ nào đó theo thực tế mới. Vị thế của Nga trên chiến trường và trong ngoại giao quốc tế hiện nay đủ mạnh để chống chọi áp lực của Ukraine và phương Tây muốn chấm dứt xung đột.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của phương Tây vẫn thiên về ngôn từ. Trên thực tế, Tổng thống Mỹ Biden đã hoàn toàn không tới Thụy Sĩ để dự Hội nghị về Hòa bình ở Ukraine dù ông đã có mặt ở châu Âu để dự hội nghị G7. Thủ tướng Canada Trudeau là nhà lãnh đạo G7 duy nhất tham dự cả 2 ngày Hội nghị Ukraine.
Trong khi đó, phần còn lại của thế giới dường như tập hợp lại đằng sau đề xuất hòa bình chung gần đây của Trung Quốc và Brazil.
Còn trên chiến trường, tình hình Ukraine vẫn rất khó khăn. Viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine vừa chậm chạp vừa gắn với một số điều kiện hạn chế khiến Ukraine thêm bị bó tay bó chân trong tác chiến.
Luật tòng quân mới của Ukraine gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội - chỉ được chưa tới một nửa dân số nước này ủng hộ trong bối cảnh Ukraine đang thiếu binh lính trầm trọng. Đã vậy mạng lưới điện lực của nước này đã bị hư hại nhiều do các cuộc tập kích của Nga.
Do vậy, kết quả Hội nghị thượng đỉnh về Hòa bình tại Ukraine khó lòng cải thiện nhuệ khí của quân đội Ukraine vào lúc này.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/hoi-nghi-hoa-binh-ukraine-that-bai-toan-dien-nga-nam-the-thuong-phong-post1102794.vov