Cập nhật: 23/06/2024 14:07:00
Xem cỡ chữ

Trong 6 tháng đầu năm 2024, việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng lừa đảo trong hoạt động xuất khẩu lao động vẫn diễn ra.

Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tình hình đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 19/6, cả nước đưa được hơn 78.000 người  đi làm việc ở nước ngoài (đạt 62,4% kế hoạch năm). Tuy nhiên, tình trạng lừa đảo trong hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn thường xuyên diễn ra, tính chất vẫn phức tạp và tinh vi.

canh bao lua dao nguoi lao dong di lam viec o nuoc ngoai hinh anh 1

Thí sinh thi tiếng Hàn được kiểm tra an ninh nghiêm ngặt

Các đối tượng đã lừa đảo và chiếm đoạt tiền của người lao động, dù đây là tình trạng không mới, song nhiều đối tượng đã lợi dụng tâm lý nôn nóng, muốn nhanh chóng được đi làm việc ở nước ngoài của một số người dân để lừa đảo. Gần đây nhất, giữa tháng 5, Bộ LĐ-TB-XH phải cảnh báo tình trạng thời gian qua đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân mạo danh được Bộ LĐ-TB-XH và phía Australia lựa chọn thực hiện chương trình đưa lao động đi làm việc tại Australia trong lĩnh vực nông nghiệp để tuyển chọn, thu tiền của người lao động trái quy định của pháp luật, có nguy cơ mất an ninh, trật tự tại một số địa phương. Vì vậy, để ngăn ngừa tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng thông tin về các chương trình đi làm việc ở nước ngoài để lừa đảo, thu tiền của người lao động trái quy định pháp luật, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thông tin, tuyên truyền tới người dân đề cao cảnh giác trước tình trạng này. 

canh bao lua dao nguoi lao dong di lam viec o nuoc ngoai hinh anh 2

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, cùng với việc phối hợp cới các cơ quan thông tin truyền thông, liên tục đưa ra những cảnh báo về tình trạng một số tổ chức, cá nhân lừa đảo người lao động đi làm việc tại một số thị trường thời gian qua, Cục còn cảnh báo tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài diễn ra trên môi trường mạng.

"Việc người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian qua luôn phát triển và cũng có hạn chế được những vấn đề tiêu cực. Ngoài việc phổ biến quy phạm pháp luật, Cục cũng thông tin những vấn đề phát sinh để có thể giảm những vấn đề tiêu cực đối với người lao động. Qua đó nâng cao nhận thức của người lao động, bên cạnh đó cũng giảm thiểu những tiêu cực, đặc biệt vấn đề lừa đảo", ông Hương thông tin thêm.

Liên quan đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân lừa đảo người lao động và hứa “bao đỗ” trong kỳ thi tiếng Hàn năm 2024 để người lao động có thể sang Hàn Quốc làm việc, bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước khẳng định: "Mong muốn của người lao động và tìm các biện pháp để có thể thi đỗ kỳ thi tiếng Hàn để được phía doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn sang làm việc là nhu cầu chung. Và đây là chương trình chúng tôi đang thực hiện các bước triển khai rất công khai, minh bạch và đảm bảo công bằng cho tất cả người lao động. Vì vậy, không có cá nhân, tổ chức nào có thể can thiệp không đúng vào việc triển khai của chương trình này, tránh việc người lao động mất những khoản tiền không đáng có".

Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, trước hết người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan. Đặc biệt chỉ liên hệ với doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo số điện thoại, website chính thức được đăng tải trên Giấy phép hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp và trên Cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước tại địa chỉ www.dolab.gov.vn và Cổng thông tin điện tử của Trung tâm lao động ngoài nước tại địa chỉ www.colab.gov.vn.

Theo Hà Nam/VOV1

 https://vov.vn/xa-hoi/canh-bao-lua-dao-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-post1103263.vov