Hệ sinh thái, tài nguyên biển đang bị suy thoái, thu hẹp nghiêm trọng. Sự gia tăng chất thải ra cửa sông, ven biển, ngày càng gây ô nhiễm làm ảnh hưởng đến tài nguyên nước, sinh vật, các ngành kinh tế gắn với biển… Theo các chuyên gia, nếu không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và phát triển kinh tế biển.
|
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Bích Liên
|
Tài nguyên biển đang bị suy thoái, thu hẹp nghiêm trọng
Là quốc gia ven biển, Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km và trên 3.000 đảo và quần đảo khác nhau. Với điều kiện địa chính trị, địa kinh tế, Việt Nam có những tiềm năng to lớn để phát triển các ngành kinh tế biển...Mặc dù nhiều tiềm năng và lợi thế, tuy nhiên hiện nay chúng ta đang đứng trước thách thức không nhỏ trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên biển.
Báo cáo giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV mới đây chỉ rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của đất nước. Giai đoạn 2011-2022, các ngành kinh tế biển đã đóng góp lớn trong phát triển kinh tế cả nước; GDP trung bình của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 50% GDP của cả nước. Thu nhập bình quân/người của các địa phương ven biển đạt khoảng 97 triệu đồng năm 2022, cao hơn bình quân cả nước. Kinh tế đảo đã có sự chuyển biến căn bản, góp phần hình thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, các đảo, quần đảo của Việt Nam.
Tuy nhiên, do nhu cầu và sự phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động ở vùng bờ và trên biển cộng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến những tác động đến điều kiện tự nhiên, các hệ sinh thái, tài nguyên, môi trường biển. Các hệ sinh thái, tài nguyên biển đã và đang suy thoái, diện tích bị thu hẹp nghiêm trọng. Sự gia tăng chất thải ra cửa sông, ven biển, ngày càng gây ô nhiễm trên diện rộng tại các vùng cửa sông, ven biển làm ảnh hưởng đến tài nguyên nước, sinh vật, các ngành kinh tế gắn với biển…
Báo cáo cũng cho thấy, liên kết vùng giữa các vùng biển, ven biển, vùng nội địa; địa phương có biển với địa phương không có biển và giữa các ngành, lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả. Một số ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, một số ngành thiếu sức cạnh tranh, đóng góp cho nền kinh tế còn thấp; khoảng cách giàu nghèo của người dân ven biển có xu hướng tăng…
Đặc biệt, một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo có lúc có nơi còn mang tính hình thức, chưa hình thành được thói quen của người dân trong bảo vệ môi trường biển, các mô hình cộng đồng quản lý môi trường biển và hải đảo còn ít, hiệu quả thấp. Công tác bảo vệ an ninh, an toàn, phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn còn nhiều bất cập; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự cố môi trường trên biển còn nhiều hạn chế…
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp về vai trò, vị trí của biển, phát triển bền vững kinh tế biển chưa đầy đủ. Công tác quản lý nhà nước về biển, đảo còn nhiều bất cập; công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương liên quan đến biển còn thiếu tính tổng thể, liên kết; chưa có sự thống nhất hữu cơ trong hệ thống quy hoạch phát triển đất nước, giữa vùng đất liền, vùng biển và vùng trời để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái…
Việc tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về biển còn mỏng, chưa theo kịp với sự phát triển của kinh tế biển và bị thu hẹp. Nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn kinh tế biển chưa đáp ứng được yêu cầu về cả số lượng và chất lượng, cơ cấu chưa hợp lý. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, pháp luật về biển chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về biển còn mỏng; cơ chế chính sách thu hút đầu tư, nhất là từ khu vực tư nhân cho phát triển các ngành kinh tế biển chưa đủ sức hấp dẫn…
Báo cáo giám sát của Bộ TN&MT cũng nêu rõ, Việt Nam được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ 29 thế giới vào năm 2030 và sẽ vươn lên vị trí thứ 20 vào năm 2050 theo chỉ tiêu GDP đầu người. Tăng trưởng của cả nước dự tính khoảng 6,5-7,0% trong thời kỳ 2021-2030; trong đó, 28 tỉnh, thành phố có biển đóng góp khoảng 65-70% vào tổng GDP cả nước. Do đó, đặt ra yêu cầu trong việc khai thác, quản lý hiệu quả, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên biển quốc gia có ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta để đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh và thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, Nghị quyết số 26/NQ-CP, Nghị quyết số 48/NQ-CP trong các chính sách, pháp luật để hình thành cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo; phát triển bền vững kinh tế biển. Chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo; khoanh vùng, bảo vệ các khu, hệ sinh thái san hô, cỏ biển trên vùng biển; phục hồi và phát triển các hệ sinh thái, đa dạng sinh học bị suy giảm, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguồn gốc từ đất liền và từ biển, đảo…
Thực hiện nghiêm túc quy hoạch để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển
Liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên biển, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, biển là một thể thống nhất bao gồm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Chúng ta cũng đã và đang thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để phát triển đất nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
“Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt thì việc chuyển hướng từ đánh bắt tàn lan, đánh bắt tận diệt sang đánh bắt có kiểm soát và phát triển nuôi biển là hết sức cấp thiết, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế biển”, Bộ trưởng nêu rõ.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Nghị quyết 36-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Đây cũng là mục tiêu quan trọng thể hiện sự phát triển của kinh tế biển.
Từ Nghị quyết này, Bộ trưởng khẳng định, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ về quy hoạch không gian biển quốc gia. Vừa qua quy hoạch các vùng, quy hoạch các địa phương đã được lồng ghép tổ chức thực hiện. “Ngoài các khu bảo tồn đa dạng chúng ta phải rà soát các khu vực bảo vệ gắn với bảo tồn; rà soát các rừng ngập mặt sử dụng đa mục đích, vừa bảo tồn vừa phát triển, vừa sản xuất nông nghiệp vừa nuôi trông thủy hải sản”, Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, hiện nay Bộ đang tích cực thực hiên các nghị quyết của Trung ương về các chiến lược thực hiện những mục tiêu này.
Bộ trưởng cho rằng, biển là một thể thống nhất, việc khai thác sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, đô thị dọc bờ biển đều cần đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái biển, vận tải biển, hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, để giải quyết những vấn đề chồng lấn, giao thoa này, Quy hoạch biển quốc gia đã có những phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển, quy hoạch gắn với quy hoạch các ngành, quy hoạch của các địa phương có biển, cần thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch để vừa phát triển được kinh tế vừa bảo vệ được môi trường./.
Theo dangcongsan.vn
https://dangcongsan.vn/bien-dao-viet-nam/tim-giai-phap-hieu-qua-de-bao-ton-va-phat-trien-kinh-te-bien-667046.html