Dù trải qua nhiều thăng trầm, chùa Phúc Khánh vẫn giữ được nét kiến trúc phong kiến thời xưa với diện mạo và kết cấu chung hướng đến những nét đẹp bình dị, mộc mạc mà uy nghiêm.
Là một trong số những ngôi chùa cổ lâu đời nhất và có tiếng tại Hà Nội, chùa Phúc Khánh (hay còn gọi là chùa Sở, chùa Thịnh Quang) tọa lạc tại số 382 phố Tây Sơn, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội.
Tuy chỉ là một ngôi chùa nhỏ nằm giữa lòng Thủ đô nhưng chùa Phúc Khánh luôn thu hút rất đông người dân và du khách trên cả nước về đây cầu an, lễ bái vào các dịp lễ rằm.
Chùa hiện vẫn còn giữ nguyên được những nét kiến trúc truyền thống xa xưa, ẩn chứa nhiều tinh hoa vô giá của mảnh đất Thăng Long.
(Ảnh: Vietnam+)
Lịch sử của chùa Phúc Khánh
Tương truyền rằng, chùa Phúc Khánh được xây dựng từ cuối thời Trần, người dân đất làng Sở đã đứng ra xây dựng một ngôi chùa nhỏ để vừa thờ Phật, vừa tri ân công lao của vua nhà Trần.
Sang thời Hậu Lê, chùa Phúc Khánh trở thành cơ sở đào tạo các tăng tài cho Phật giáo. Tuy nhiên do gặp hỏa hoạn nên chùa đã bị phá hỏng hoàn toàn.
Ngoài ra, cũng có tài liệu lịch sử cho rằng chùa nằm trong khu vực diễn ra trận đánh Đống Đa năm 1789 nên đã bị liên lụy dẫn đến đổ nát.
Sau đó, hòa thượng Chiếu Liên và đô đốc Trần Văn Lễ triều Tây Sơn đã cùng nhau xây dựng lại chùa. Ông còn cho người tạc hai pho tượng, quả đại hồng chung và pho tượng Cửu Long để cúng chùa.
(Ảnh: Vietnam+)
Đến thế kỷ 20, các Phật tử đã đóng góp công sức, của cải vật chất để xây dựng lại các công trình.
Từ năm 1853-1998, chùa Phúc Khánh thường xuyên được trùng tu, sửa chữa nhiều lần để trở nên khang trang hơn.
Đặc biệt vào năm 1940, hoàng thượng trụ trì Thích Trung Thứ đã cho tu sửa lại chùa nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo tăng tài và cung cấp điểm an cư kiết hạ hàng năm cho các vị chư tăng.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chùa Phúc Khánh đã bị tàn phá nặng nề. Vào năm 1950, dân làng đã cùng nhau xây dựng lại chùa Phúc Khánh như ngày nay.
Kiến trúc chùa Phúc Khánh
Cũng như hầu hết các ngôi chùa khác ở Việt Nam, chùa Phúc Khánh vẫn giữ được nét kiến trúc phong kiến thời xưa với diện mạo và kết cấu chung hướng đến những nét đẹp bình dị, mộc mạc mà uy nghiêm.
Chùa Phúc Khánh vừa thờ Phật, vừa thờ Thánh Mẫu cùng các chư vị cao tăng có nhiều đóng góp lớn lao cho nhà chùa.
Cổng tam quan hiện không còn được sử dụng là lối đi chính vào chùa. (Ảnh: Vietnam+)
Khi bước chân vào chùa, du khách sẽ nhìn thấy ngay cổng tam quan. Cổng được xây 2 tầng, tầng trên có gác chuông. Cửa chính và hai cửa phụ được thiết kế hình vòng cung, cửa chính to gấp đôi cửa phụ.
Hiện nay, cổng tam quan đã bị khu nhà dân xung quanh che khuất nhưng vẫn giữ nguyên những nét đẹp cổ kính ban đầu. Tuy nhiên, cổng tam quan hiện không còn được sử dụng là lối đi chính vào chùa. Thay vào đó, người dân sẽ đi bằng lối đi phụ ở bên cạnh.
(Ảnh: Vietnam+)
Sau cổng tam quan, là khoảng sân vườn nhỏ dẫn đến tiền đường, nơi trưng bày Đài phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Đi sâu vào phía trong là các gian nhà tiền đường chánh điện, hậu cung, nhà Tổ… Trong đó, tiền đường và hậu cung thuộc Phật điện.
Các công trình này được xây dựng theo kết cấu hình chữ “công." Tiền đường gồm 5 gian, có 2 bệ thờ tượng Khuyến Thiện, Trừng Ác, 2 bệ thờ Đức ông và Giám trai; phía trong được bài trí tỉ mỉ, chính giữa đắp nổi hình cuốn thư 3 chữ Hán “Hoàng Kim Điện” (Điện rồng vàng) thể hiện sự uy nghiêm của chùa. Các vì kèo được chạm khắc theo đề tài tùng hạc, cúc điệp… rất công phu và tỉ mỉ.
(Ảnh: Vietnam+)
Hậu cung bao gồm 3 gian. Đây là nơi đặt tượng Cửu Long, hai bên là tượng Phạm Thiên và Đế Thích, tượng Quan Âm, tượng Phật Niêm Hoa, A Di Đà Tam tôn (A Di Đà, Quan Âm, Đại Thế Chí), Tam thế.
Bên cạnh là ban thờ Thánh Mẫu. Phía sau là nhà Tổ - là nơi thờ phụng các đời trụ trì của chùa và Lịch Đại Tổ Sư.
Chùa lưu giữ di vật gì?
Dù trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng đến nay, chùa Phúc Khánh vẫn lưu giữ rất nhiều di vật quý giá với các chất liệu khác nhau.
Các pho tượng tại chùa Phúc Khánh được điêu khắc vô cùng tinh xảo như tượng Quan Thế Âm, tượng A Di Đà, Quan Âm nghìn mắt nghìn tay… Một số pho tượng được tạc từ thời Tây Sơn nên mang những nét nghệ thuật tinh tế của thời đại này.
(Ảnh: Vietnam+)
Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ 3 Đại hồng chung có niên đại từ xa xưa và khoảng 21 tấm bia đá, trong đó tấm bia cổ nhất được dựng năm 1693.
Ngoài ra, tại chùa còn có nhiều di vật hiếm như hoành phi, cửa võng, câu đối, cuốn thư, đỉnh trầm và nhiều món đồ thờ tự khác. Những hiện vật này đến nay vẫn được bảo tồn, là nguồn tư liệu quý giá minh chứng cho tuổi đời lịch sử của chùa.
Các khóa lễ tiêu biểu
Không chỉ nổi tiếng với kiến trúc và lịch sử lâu đời, chùa còn thu hút du khách, Phật tử gần xa đến lễ bái nhờ vào sự linh thiêng.
Đặc biệt, vào các dịp ngày Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy hàng năm, chùa thường làm lễ cầu siêu để cầu cho Quốc thái dân an, mọi nhà ấm no, hạnh phúc, thu hút rất đông các Phật tử và du khách thập phương đến chùa lễ Phật, cầu an...
(Ảnh: Vietnam+)
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa Phúc Khánh vẫn giữ nguyên vẹn những nét kiến trúc tinh xảo, giàu tính nghệ thuật. Chùa đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa Quốc gia vào năm 1988./.
Theo (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/chua-phuc-khanh-an-chua-nhieu-tinh-hoa-vo-gia-cua-manh-dat-thang-long-post945638.vnp