Theo đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong Khu Dự trữ Thiên nhiên Kim Hỷ giai đoạn 2022-2030 vừa được tỉnh Bắc Kạn phê duyệt, khu dự trữ sẽ trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn.
Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu Dự trữ Thiên nhiên Kim Hỷ gắn với công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng Khu Dự trữ trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Bắc Kạn.
Đây là nội dung của Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu Dự trữ Thiên nhiên Kim Hỷ giai đoạn 2022-2030 vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn phê duyệt.
Theo đề án, tại Khu Dự trữ Thiên nhiên Kim Hỷ sẽ phát triển các loại hình gồm du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch mạo hiểm; du lịch khám phá, tham quan các cảnh quan thiên nhiên; du lịch bảo tồn, diễn giải môi trường; du lịch văn hóa.
Phát triển các điểm (khu) du lịch sinh thái: Điểm du lịch Trung tâm du khách tại phân khu dịch vụ hành chính; điểm du lịch sinh thái Hang Minh Tinh; điểm du lịch sinh thái Hang Dơi; điểm du lịch sinh thái rừng nghiến Vũ Muộn; điểm du lịch sinh thái Thác Tát Chặt; điểm du lịch sinh thái Thác Khuổi Cải; điểm du lịch sinh thái Hang Nặm Cào; điểm du lịch sinh thái Lủng Siên.
Phát triển các tuyến du lịch sinh thái: Tuyến Bản Kẹ-Hang Minh Tinh; tuyến Lủng Cháp-Hang Dơi-Thẳm Mu; tuyến Thẳm Liềm-Thẳm Nặm; tuyến Lủng Vai-MacMa; tuyến Lủng Siên-Hang Dường; tuyến Lủng Đắc-Khu hành chính-dịch vụ; tuyến Bản Lài-Thác Tát Chặt; tuyến Thác Khuổi Cải-Hang Nặm Cào.
Hang Dơi với nhũ đá đẹp. (Nguồn: VOV)
Tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện đề án là 136,3 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa, thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Để triển khai thực hiện Đề án, có 12 nhóm giải pháp được đưa ra gồm bảo vệ môi trường du lịch, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; giải pháp về cơ chế, chính sách; nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phát triển loại hình, sản phẩm du lịch; đầu tư du lịch như sử dụng nguồn ngân sách nhà nước có hiệu quả; liên kết phát triển du lịch; xúc tiến quảng bá và phát triển thị trường du lịch; phát triển cộng đồng và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa; giải pháp về diễn giải, giáo dục; an ninh, an toàn trong tổ chức hoạt động du lịch;chuyển đổi số hướng đến du lịch thông minh.
Khu Dự trữ Thiên nhiên Kim Hỷ là điểm du lịch còn có khá ít người biết đến nên vẫn giữ nguyên được những nét hoang sơ, mộc mạc.
Không chỉ gây ấn tượng với núi rừng hùng vĩ cùng cảnh sắc đất trời tuyệt hảo, nơi đây còn được ví như một Việt Nam thu nhỏ với hệ động thực vật phong phú, đa dạng.
Khu Dự trữ Thiên nhiên Kim Hỷ được thành lập từ năm 2003, có tổng diện tích hơn 15.053ha , trải dài trên địa phận xã Vũ Muộn, Cao Sơn (huyện Bạch Thông) và Lương Thượng, Ân Tình, Côn Minh (huyện Na Rì), tỉnh Bắc Kạn.
Kim Hỷ được đánh giá là nơi lưu giữ hiện trạng nguyên sơ của thiên nhiên kỳ thú. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao về sự phong phú của các loại động, thực vật quý hiếm nơi đây. Trong số đó phải kể đến là loài voọc má trắng, sóc, khỉ là những loài hiện có nguy cơ bị tuyệt chủng trên toàn cầu.
Đặc biệt, trong khu có sự đa dạng của các loài dơi, được coi là nhiều chủng loại nhất ở Việt Nam. Không những thế, đây còn được coi là kho gỗ quý lớn của tỉnh Bắc Kạn, với hàng vạn cây nghiến....
Kim Hỷ còn là nơi lưu giữ một số nguồn gien quý hiếm của các loại thực vật đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng như cây du sam đá vôi, còn gọi là thông đá.
Loài cây này trên thế giới hiện nay chỉ còn sót lại ở Cao Bằng, Bắc Kạn và Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc). Trước đây, qua nghiên cứu đánh giá, riêng đối với loại cây này hiện trong Khu Dự trữ Thiên nhiên Kim Hỷ chỉ còn khoảng 14 cây, là nguồn gene cực quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Cá thể Voọc Đen Má Trắng mới được phát hiện tại Khu Dự trữ Thiên nhiên Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. (Nguồn: Khu Khu Dự trữ Thiên nhiên Kim Hỷ).
Nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ đã ghi nhận được 1.251 loài và dưới loài thuộc 728 chi và 170 họ thực vật của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch.
Mô tả 2 loài mới cho khoa học là Sporoxeia vietnamensis, Strobilanthes spathulatibracteata; ghi nhận 03 loài bổ sung cho hệ thực vật Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ là Rungia burmanica, Rungia sinothailandica, Strobilanthes lamiifolia.
Bên cạnh đó, đề tài đã tổng hợp được 14 nhóm giá trị sử dụng của các loài ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ, trong đó nhóm cây làm thuốc có số loài lớn nhất với 749 loài, nhóm cây cho gỗ 257 loài, nhóm cây làm cảnh 141 loài, nhóm cây ăn được 134 loài, các nhóm cây có số lượng ít là vật liệu xây dựng 14 loài, nhóm cây cho nhựa 9 loài.
Về mức độ quý hiếm, nghiên cứu đã ghi nhận trong số 1.251 loài thực vật bậc cao, 313 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN (2023), 65 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 85 loài có tên trong Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Nghiên cứu đã xây dựng 06 sơ đồ điểm phân bố các loài thực vật đặc hữu, nguy cấp quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, ưu tiên bảo tồn tại Khu Dự trữ Thiên nhiên Kim Hỷ./.
Theo (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/bac-kan-phat-trien-du-lich-sinh-thai-trong-khu-du-tru-thien-nhien-kim-hy-post959948.vnp