Cập nhật: 26/06/2024 09:13:00
Xem cỡ chữ

Đối với người dân tộc Tày những ngôi nhà sàn bằng đá, mái ngói âm dương không chỉ tạo nên nét cổ kính nhuốm màu huyền thoại cho ngôi làng vùng biên viễn, mà còn là hướng đi của phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng, để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngôi nhà sàn đá Khuổi Ky dưới chân Thác Bản Giốc. (ảnh: Thùy Dương)

Ngôi nhà sàn đá Khuổi Ky dưới chân Thác Bản Giốc. (ảnh: Thùy Dương)

Làng đá Khuổi Ky (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) của người dân tộc Tày được dịch nghĩa là Suối Nhỏ nép mình bên dãy núi cao. Ngôi làng trải rộng khoảng 1ha, với 14 nóc nhà trong thế lưng tựa vào núi, mặt hướng về dòng suối Khuổi Ky. Ngôi làng này được xem như một điểm nhấn văn hóa vô cùng đặc biệt với không gian đậm màu huyền ảo. Qua con suối Khuổi Ky đầu làng, du khách sẽ cảm nhận được nét cổ kính, độc đáo của Khuổi Ky với kiến trúc nhà sàn bằng đá. Nét đặc trưng có lẽ là do vị trí địa lý nằm trong khu vực có rất nhiều núi đá vôi nên đá chiếm một phần rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt cộng đồng nơi đây.

Làng Khuổi Ky được hình thành trong khoảng thời gian 1594 - 1677 khi nhà Mạc từ Thăng Long chạy lên Cao Bằng xây dựng thành quách để bảo vệ đất nước. Những ngôi nhà sàn đã được dựng lên như những pháo đài bất khả xâm phạm thường dành riêng cho những bậc quyền quý. Cứ thế, những đời sau đều giữ việc dựng nhà sàn đá của cha ông.

Theo các cao niên ở đây, để xây dựng được một ngôi nhà sàn hoàn chỉnh như ở làng đá Khuổi Ky, người dân thời đó đã phải mất từ 2 đến 3 năm. Đá được sử dụng có rất nhiều kích cỡ xếp chồng lên nhau và kết dính bằng một hỗn hợp từ đá vôi trộn với cát. Những bức tường nhà có độ dày đến hơn 30cm cực kỳ chắc chắn và kiên cố. Chiều cao của mỗi ngôi nhà sàn là từ 7m đến 8m. Kiến trúc nhà lợp ngói âm dương cổ kính. Nhà sàn có ba gian chính, mỗi gian được ngăn bằng khung ván gỗ để thuận tiện cho việc sinh hoạt, móng nhà được làm bằng đá hộc và chân tảng kê cột cũng được làm bằng đá. Nhà sàn đá thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.

Đồng bào Tày ở Trùng Khánh có tín ngưỡng thờ đá. Họ coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá. Đá giống như vị thần linh che chắn, bảo vệ cho dân làng. Họ lập miếu thờ xung quanh các tường đá, tế lễ cảm tạ thần đá hàng năm. Lẽ đó, ở Khuổi Ky, ngoài làm nhà sàn, đá còn được sử dụng rất nhiều trong sinh hoạt đời sống hàng ngày, các công trình khác của đồng bào dân tộc: hàng rào, đập nước, cối xay, bếp lò, bàn ghế…

Du khách trải nghiệm văn hóa bản địa

Làng đá cổ Khuổi Ky đã được Bộ VH,TT&DL công nhận “Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người” năm 2008. Đây được xem là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy phát triển du lịch ở Khuổi Ky. Trùng Khánh là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Những năm gần đây, huyện Trùng Khánh đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719). Để đạt được mục tiêu này, huyện đã có kế hoạch phát triển du lịch nhằm từng bước tạo sinh kế, thoát nghèo bền vững cho người dân.

Năm 2018, Khuổi Ky được chọn làm điểm trải nghiệm du lịch cộng đồng trong tuyến du lịch “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Hướng đi của du lịch huyện Trùng Khánh là khai thác du lịch sinh thái và cộng đồng; trong đó, sẽ tập trung đẩy mạnh du lịch cộng đồng. Thông qua du lịch cộng đồng, nét văn hóa độc đáo của Nhân dân các dân tộc được bảo tồn.

Huyện Trùng Khánh xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và hỗ trợ phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở lưu trú với các loại hình dịch vụ tiện ích, phong phú, đa dạng và các mô hình homestay. Qua các lớp tập huấn, người dân Khuổi Ky đã thành thạo sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, Tiktok đã liên kết với các nền tảng du lịch lớn như Booking, Agoda... để quảng bá ngôi làng độc đáo cũng như các dịch vụ du lịch của mình. Du lịch góp phần giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống người dân Khuổi Ky.

Hiện nay, tại làng Khuổi Ky có 22 dịch vụ lưu trú homestay. Du khách, đặc biệt là khách nước ngoài rất thích với loại hình du lịch homestay tại đây, vừa trải nghiệm, vừa sinh hoạt, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân bản địa.

Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Trùng Khánh ông Lương Văn La cho hay, năm 2023, Trùng Khánh đón gần 1 triệu lượt khách, trong đó làng đá Khuổi Ky đón khoảng 5.000 lượt với trên 20% là khách quốc tế. Sau chuyến viễn du, thả hồn với những ngôi nhà sàn bằng đá niên đại hàng trăm năm, tìm hiểu bản sắc dân tộc người Tày, du khách thấy bâng khuâng một niềm nhớ để thêm yêu những danh thắng, văn hóa độc đáo trên dặm dài đất nước hình chữ S.

Theo baophapluat.vn

https://baophapluat.vn/doc-dao-lang-da-mien-bien-vien-post516732.html#516732|zone-highlight-1354|0