Xuất phát từ trách nhiệm nghề nghiệp và tình yêu quê hương, đất nước, đông đảo phóng viên báo chí từ Trung ương đến địa phương luôn dành cho biển, đảo sự quan tâm đặc biệt. Thông qua những tác phẩm báo chí thuộc nhiều thể loại khác nhau đã giúp đồng bào, đồng chí, chiến sĩ và kiều bào ta ở nước ngoài thêm hiểu và gắn bó với biển, đảo hơn; giúp biển, đảo thêm gần hơn với đất liền…
Những năm gần đây, song song với việc thực hiện tốt vai trò lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Quân chủng Hải quân cũng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ phóng viên báo chí được tác nghiệp ở các vùng biển, đảo. Dấu chân của phóng viên báo chí đã in đậm ở tất cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như các tuyến đảo gần bờ. Và chính từ những chuyến tác nghiệp ý nghĩa đó, hàng loạt tác phẩm báo chí thuộc nhiều thể loại đã ra đời, góp phần khắc họa hình ảnh quân dân ta trên các đảo tiền tiêu luôn quyết tâm lao động, sản xuất và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vững chắc biển, đảo quê hương.
|
Nhà báo Lê Sơn (thứ 2, bên phải), Phó Trưởng Ban Thời sự - Báo điện tử Chính phủ, cùng các đồng nghiệp trong chuyến công tác tại Trường Sa.
|
Vừa trở về sau chuyến công tác tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa trong dịp đầu tháng 5 vừa qua, nhà báo Lê Sơn, Phó Trưởng Ban Thời sự, Báo điện tử Chính phủ, xúc động chia sẻ: “Đúng là được đặt chân đến Trường Sa sẽ thấy yêu biển, đảo, yêu Tổ quốc mình hơn. Vượt qua hải trình hơn 1.000 hải lý, chúng tôi đã được hiểu nhiều hơn về cuộc sống trên các đảo để thêm khâm phục quân dân Trường Sa, những người đã và đang ngày đêm vượt lên sóng gió để giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chuyến đi đã cung cấp cho tôi nguồn tư liệu quý để thông qua những trang viết sẽ giúp bạn đọc thêm hiểu, thêm yêu và thêm gắn bó nhiều hơn với Trường Sa”.
Cũng là những cảm xúc về biển, đảo của Tổ quốc, nhà báo Tạ Thu Hường, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lào Cai, cho biết: “Cách đây gần 2 năm, tôi thực sự vinh dự khi được đi công tác thực tế tại các đảo thuộc quản lý của Vùng 5 Hải quân. Vốn là cựu sinh viên khoa Văn, tôi đã sớm tìm hiểu và say mê những câu thơ, những áng văn viết về biển, đảo quê hương. Nhưng lần đầu tham gia công tác tại vùng biển, đảo đã giúp tôi hiểu nhiều hơn về những người dân, người lính luôn kiên cường trước muôn trùng sóng gió để bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là một trong những chuyến đi ý nghĩa nhất của tôi trong hơn 10 năm làm báo. Trong 7 ngày công tác, tôi đã thực hiện 8 phóng sự truyền hình về hoạt động của quân dân trên các đảo mà mình được đặt chân đến”.
|
Nhà báo Tạ Thu Hường (đứng giữa) tác nghiệp tại đảo Hòn Đốc, xã Tiên Hải, Thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
|
Chia sẻ về cảm xúc trong lần thực tế tại các đảo trên tuyến Tây Nam của Tổ quốc, nhà báo Đào Thị Quỳnh Lan, phóng viên Ban Bạn đọc - Cộng tác viên, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết: "Biển, đảo luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Mỗi lần được tác nghiệp tại các vùng biển, đảo , tôi cảm thấy thêm yêu quê hương, đất nước hơn và ý thức rõ hơn về trách nhiệm của bản thân trong thông tin, phản ánh về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và lao động, sản xuất của quân, dân trên các tuyến đảo tiền tiêu của Tổ quốc đến với độc giả trong và ngoài nước".
|
Nhà báo Đào Thị Quỳnh Lan trong chuyến tác nghiệp tại các đảo trên tuyến Tây Nam của Tổ quốc.
|
Theo Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Hải quân, chỉ tính trong các năm 2022, 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân đã hỗ trợ hơn 3.000 lượt cán bộ, phóng viên của hơn 220 cơ quan báo chí tác nghiệp tại các vùng biển, đảo của cả nước. Từ những chuyến tác nghiệp này, đã có hàng vạn tác phẩm báo chí, kịp thời tuyên truyền các cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; các hoạt động khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các vùng biển, đảo khác của Việt Nam; tuyên truyền về hoạt động sản xuất, huấn luyện của quân, dân trên các đảo;…
Chị Nguyễn Thu Hương ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình bộc bạch: “Dù chưa một lần được đến với Trường Sa, nhưng thông qua bài viết, hình ảnh trên các báo, tôi đã hiểu được phần nào những khó khăn, vất vả của quân, dân trên các đảo. Tôi thực sự khâm phục ý chí, nghị lực của các lực lượng đang ngày đêm chắc tay súng; kiên cường, vững vàng trước muôn trùng sóng gió để bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Cùng với tuyên truyền về quân, dân trên các đảo, báo chí còn kịp thời thông tin đến cán bộ, nhân dân Trường Sa về cuộc sống, tình cảm, về đời sống hậu phương quân đội, hoàn cảnh khó khăn, những tấm gương vượt khó, những gương điển hình để góp phần động viên quân và dân Trường Sa vững vàng hơn, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ giữ vững biển, đảo của Tổ quốc, xứng đáng là tiền tiêu vững chắc trên hướng biển.
Và hơn hết, thông qua những tác phẩm báo chí đã giúp biển, đảo gần thêm với đất liền; để mỗi độc giả thêm hiểu và mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đồng thời lan tỏa tình cảm của cả nước với Trường Sa, Trường Sa vì cả nước, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Qua đó, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, tăng cường các nguồn lực để góp phần đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; thực sự là “pháo đài” vững chắc, điểm tựa tiền tiêu trong sự nghiệp gìn giữ, bảo vệ biển, đảo quê hương./.
Theo dangcongsan.vn
https://dangcongsan.vn/bien-dao-viet-nam/de-bien-dao-them-gan-voi-dat-lien-667513.html