Thời gian qua trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng xảy ra nhiều vụ cháy để lại hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Đã có nhiều bài học đắt giá sau mỗi vụ cháy, do vậy công tác phòng cháy chữa cháy cần được mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động hơn bao giờ hết. Đừng để hai từ "giá như" phải nhắc đến sau mỗi vụ cháy.
“Không hút thuốc trong khu vực nhà xưởng”, đây tưởng như khẩu hiệu tại các cơ quan, doanh nghiệp thì nay đã được hộ gia đình ông Tiến thực hiện nghiêm túc. Đã nhiều năm theo nghề mộc truyền thống của gia đình, chưa bao giờ ông Tiến thấy tầm quan trọng của công tác phòng chống cháy nổ như hiện nay. Gia đình ông có 2 xưởng mộc thì cả 2 đều được trang bị đầy đủ chuông báo cháy, bình chữa cháy, cửa thoát nạn thứ 2. Đặc biệt gia đình ông đã chủ động thiết kế phòng phun sơn độc lập, tách biệt khu vực sản xuất.
Toàn xã Yên Phương hiện có 160 hộ gia đình làm nghề mộc. Trong đó 100% là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Trước những nguy cơ cháy nổ luôn rình rập, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thành lập 7 tổ liên gia an toàn về PCCC, đồng thời yêu cầu các hộ sản xuất, kinh doanh trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ với tinh thần không lơ là, chủ quan.
Tính riêng trong quý I/2024, toàn tỉnh xảy ra 49 vụ cháy, làm 3 người chết và gây thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng. Trong đó trên 60% các vụ cháy có nguyên nhân từ chập cháy điện. Nhiều vụ việc được phát hiện sớm nhưng do thiếu kiến thức, kỹ năng xử lý đám cháy khiến cho việc cứu người, cứu tài sản gặp nhiều khó khăn.
Để không phải ân hận sau mỗi vụ cháy xảy ra, bất kể khi nào, ở đâu, mọi người cần nâng cao ý thức phòng ngừa cháy nổ, tuyệt đối không chủ quan và hãy trang bị những thiết bị chữa cháy cần thiết để có thể ứng phó với giặc lửa.
Kim Liên