Hiện nay việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ đã và đang là những giải pháp đem lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo cho nhiều hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tận dụng điều kiện tự nhiên thích hợp cho việc trồng cây dược liệu, thảo dược, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tam Đảo đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng đồng bào dân tộc tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn vay, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu phục vụ nhu cầu làm thuốc, sản phẩm hàng hóa nông sản công nghệ cao như: Trà hoa vàng, Đông trùng Hạ thảo, cây Ba kích…Đây được xem là cách làm cho thu nhập tốt.
Để việc thu mua, chế biến, tạo đầu ra thuận lợi cho cây dược liệu, nhiều hợp tác xã nông nghiệp, công ty đã chủ động hỗ trợ người dân về kỹ thuật chăm sóc, mở rộng diện tích trồng, tăng thêm thu nhập, việc làm cho người dân. Đồng thời, sản xuất, chế biến nhiều mặt hàng có giá trị từ cây dược liệu, tạo ra sản phẩm, quà tặng thu hút khách du lịch.
Để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, ngoài tuyên truyền các chủ trương, chính sách thì trực tiếp những người có uy tín trong đồng bào dân tộc đã tuyên truyền, hướng dẫn cách làm đến các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ phát triển đa dạng nhiều mô hình kinh tế nên tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tam Đảo đã giảm hàng năm, số hộ khá tăng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển.
Tiến Trang