Cập nhật: 04/07/2024 09:43:00
Xem cỡ chữ

Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện ra một loài kiến sẽ cắn đứt các chi bị thương của đồng loại trong trường hợp khẩn cấp để tăng cơ hội sống sót.

Con kiến bị thương (dấu màu tím) đang được đồng loại "phẫu thuật" cắt chi. (Ảnh: Danny Buffat)

Con kiến bị thương (dấu màu tím) đang được đồng loại "phẫu thuật" cắt chi. (Ảnh: Danny Buffat)

Loài kiến thợ mộc Florida - tên khoa học là Camponotus floridanus - một loài côn trùng màu nâu đỏ dài 1,5cm, sống ở một số vùng phía Đông Nam nước Mỹ, đã thực hiện việc cắt cụt chi như một biện pháp phòng ngừa để cứu sống những con kiến ​​cùng tổ bị thương – một hành vi mà chỉ có con người thực hiện.

Những phát hiện cho thấy việc chúng có thực hiện hành động quyết liệt này hay không còn phụ thuộc vào vị trí vết thương.

Erik Frank, nhà côn trùng học thuộc Đại học Wurzburg, Đức, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Hành vi cắt cụt chi của kiến thợ mộc Florida thực sự là trường hợp duy nhất trong thế giới động vật. Chúng thực hiện điều đó một cách tinh vi và có hệ thống bởi một hoặc nhiều thành viên.”

Ông cho biết thêm khi một con kiến ​​tự nguyện đưa chân bị thương ra để một con khác cắn đứt, sau đó nó chìa vết cắt mới này cho một con khác làm sạch, đó thực sự một sự hợp tác bẩm sinh ấn tượng.

Khi kiểm tra hiệu quả của các phương pháp điều trị này, nhóm nghiên cứu không chỉ thấy chúng giúp phục hồi mà còn phát hiện ra rằng cách chăm sóc của loài kiến ​​phù hợp với từng loại chấn thương mà chúng gặp phải.

Trong trường hợp chân bị thương, chúng sẽ cắn đứt chân hoàn toàn. Quy trình này ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm đến tính mạng lây lan qua cơ thể kiến.

Theo kết quả nghiên cứu, phương pháp này có tỷ lệ thành công rất cao, khoảng 90% số kiến bị cắt cụt chi vẫn sống sót sau quá trình điều trị.

Mặc dù mất đi 1 trong 6 chân, loài côn trùng này vẫn có thể thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của mình trong tổ.

kien.jpg

Mỗi ca "phẫu thuật" cắt chi của kiến kéo dài 40 phút. (Ảnh: Danny Buffat)

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng loài kiến ​​chỉ thực hiện cắt cụt chi nếu vết thương ở trên đùi – bất kể vết thương đó là vô trùng hay bị nhiễm khuẩn.

Nhưng nếu vết thương ở cẳng chân, chúng không cắt cụt mà thay vào đó nỗ lực chăm sóc vết thương bằng cách liếm vết thương thật nhiều. Liệu pháp này cũng tương đối thành công, với tỷ lệ sống sót khoảng 75%.

Các nhà nghiên cứu cho biết sự khác biệt trong chiến thuật chăm sóc các vết thương này là do hạn chế về tốc độ “phẫu thuật” của kiến, chúng phải mất ít nhất 40 phút để hoàn thành một ca cắt cụt chi.

Kính hiển vi có độ phân giải cao cho thấy xương đùi của kiến ​​thợ mộc Florida có một số cơ cản trở quá trình lưu thông máu, ngăn vi khuẩn xâm nhập nhanh vào cơ thể. Do đó, kiến sẽ ​​có có đủ thời gian cần thiết để thực hiện cắt cụt chi nếu vết thương ở trên đùi.

Ngược lại, cẳng chân của kiến có ít mô cơ nên tình trạng nhiễm trùng có thể lan nhanh hơn. Vì không thể cắt chi đủ nhanh để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn có hại nên kiến cố gắng hạn chế khả năng nhiễm trùng bằng cách tập trung làm sạch vết thương.

kien2.jpg

Nếu vết thương ở cẳng chân, kiến sẽ tập trung làm sạch vết thương. (Ảnh: Danny Buffat)

"Kiến có thể chẩn trị vết thương, xem xét chỗ đó nhiễm trùng hay vô trùng, và điều trị tùy theo tình trạng trong thời gian dài. Đây là hệ thống y tế duy nhất có thể so sánh với con người," Tiến sỹ Frank nói.

Việc chăm sóc vết thương ở loài kiến ​​không phải là một hiện tượng hoàn toàn mới, các nghiên cứu trước đây đã phát hiện kiến Megaponera analis - một loài kiến ở châu Phi - cũng có khả năng điều trị vết thương bị nhiễm trùng ở đồng loại bằng một chất kháng khuẩn có trong tuyến nước bọt.

Các chuyên gia cho biết điều khiến loài kiến ​​thợ mộc Florida trở nên đặc biệt là do chúng không có tuyến kháng khuẩn trong nước bọt nên chúng dường như chỉ sử dụng các biện pháp cơ học để “điều trị” cho đồng loại của mình.

Khả năng nhận biết và điều trị vết thương của kiến mang tính bẩm sinh và các nhà nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng về hành vi học hỏi.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang tiến hành các thí nghiệm tương tự ở các loài kiến khác để xem hành vi này được bảo tồn như thế nào, đồng thời tìm hiểu xem các loài kiến ​​khác không có tuyến kháng khuẩn đặc biệt (metapleural) liệu có khả năng "phẫu thuật" hay không.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng quan tâm đến cảm giác của kiến khi chúng chịu đựng ca cắt chi chậm rãi trong khi vẫn hoàn toàn tỉnh táo./.

Theo (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/kien-cung-biet-phau-thuat-cat-chi-de-cuu-dong-loai-bi-thuong-post962765.vnp