Cập nhật: 05/07/2024 08:01:00
Xem cỡ chữ

Phân tích protein cổ xưa từ những mảnh xương được tìm thấy trong một hang động trên cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc hé lộ cách thức kiếm sống của người Denisova.

Hình minh họa một người đàn ông Denisova. (Nguồn: The Nature)
Hình minh họa một người đàn ông Denisova. (Nguồn: The Nature)

ZaloFacebookTwitterBản inCopy link

Mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện hàng nghìn mảnh xương trong một hang động trên cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc, qua đó hé mở phần nào bí ẩn về lối sống của người Denisova - một nhánh họ hàng đã tuyệt chủng của người Neanderthal và loài người chúng ta.

Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature, hơn 2.500 mảnh xương được tìm thấy trong hang động Baishiya Karst, nằm ở độ cao 3.280m so với mực nước biển.

Trước đây tại địa điểm này cũng từng phát hiện hóa thạch người Denisova.

Phân tích protein cổ xưa từ những mảnh xương này hé lộ cách thức kiếm sống của người Denisova: họ săn bắt nhiều loài động vật khác nhau để lấy thịt và da.

Hầu hết các mảnh xương được xác định là xương của cừu xanh (bharal) - một loài dê núi sinh sống trên dốc cao và vách đá Himalaya.

Ngoài ra, còn có xương của loài tê giác lông mịn, bò yak, động vật có vú nhỏ như marmot, chim, và thậm chí cả linh cẩu đốm.

Đặc biệt, các nhà khoa học cũng xác định được một mảnh xương sườn thuộc về người Denisova, có niên đại từ 48.000 đến 32.000 năm trước. Đây là hóa thạch người Denisova trẻ nhất từng được tìm thấy.

Môi trường sống của người Denisova là một vùng đồng cỏ với những khu vực rừng rậm nhỏ, nơi có nhiều loài động vật sinh sống bất chấp điều kiện khắc nghiệt.

Dấu vết trên xương cho thấy họ đã giết mổ động vật lấy thịt, khai thác tủy xương và lột da.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tìm thấy bốn công cụ được làm từ xương động vật, được người Denisova tự chế để sử dụng trong việc xử lý xác động vật.

Nhà nhân chủng học phân tử Frido Welker tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch), đồng thời là một trong các trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết phát hiện này cung cấp sự hiểu biết toàn diện đầu tiên về cách thức sinh tồn của người Denisova.

Trong khi đó, nhà khảo cổ học Dongju Zhang tại Đại học Lan Châu (Trung Quốc), đồng trưởng nhóm, đánh giá sự đa dạng của các tàn tích động vật cho thấy hang Baishiya Karst cung cấp nguồn tài nguyên tương đối dồi dào so với cao nguyên Tây Tạng ở phía Tây và cao nguyên hoàng thổ Trung Quốc ở phía Bắc, đặc biệt là trong kỳ băng hà.

Sự tồn tại của người Denisova lần đầu tiên được biết đến vào năm 2010, khi các nhà nghiên cứu phát hiện hài cốt của họ trong hang Denisova ở Siberia.

Bằng chứng di truyền cho thấy người Denisova có họ hàng với người Neanderthal - một loài người cổ đại đã tuyệt chủng, có thân hình săn chắc và từng sống ở một số vùng của Âu Á.

Theo di truyền học, họ tách ra khỏi người Neanderthal khoảng 400.000 năm trước.

Người Denisova chỉ được biết đến qua các mảnh răng và xương vụn từ các hang động Baishiya Karst, Denisova và Cobra ở Lào.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của họ ở ba địa điểm xa xôi này cho thấy khả năng thích nghi cao với các môi trường khác nhau./.

Theo (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/nghien-cuu-moi-giai-ma-loi-song-cua-nguoi-denisova-tuyet-chung-post962909.vnp