Đợt điều chỉnh tăng lương 6% từ ngày 1/7 vừa qua được xem là đợt tăng lớn nhất từ trước đến nay. Bên cạnh niềm vui vì cuộc sống được cải thiện, nhiều người lo lắng tình trạng giá cả có thể tăng cao hơn lương. Do vậy, rất cần có thêm giải pháp kiểm soát lạm phát, giá cả, tránh tình trạng lợi dụng chính sách đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao.
Như những năm trước, tăng lương là mang lại niềm vui cho công chức, cán bộ, người nghỉ hưu và người lao động… Việc tăng lương cơ sở, tăng lương tối thiểu vùng, ngoài việc cải thiện đời sống của người dân còn đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống tối thiểu của người hưởng lương từ ngân sách, từ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, nhiều người không khỏi lo lắng khi tăng lương đồng nghĩa với việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Điều này khiến cho việc tăng lương không còn nhiều ý nghĩa và đời sống của người lao động không được nâng cao.
Chính vì thế, việc giá cả dịch vụ tăng theo kiểu “té nước theo mưa” cần phải được kiểm soát, để niềm vui được tăng lương của người lao động trọn vẹn hơn, đặc biệt không làm ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người lao động, người có thu nhập thấp, người không được hưởng lương.
Để ngăn chặn tình trạng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan chức năng cần có giải pháp kiểm soát giá cả, bởi việc tăng lương chỉ thực sự có ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát và luôn sẵn sàng các phương án can thiệp, bình ổn thị trường phù hợp...
Bên cạnh niềm vui vì được tăng lương, nhiều người lo lắng, giá cả có thể tăng cao hơn lương (Ảnh minh họa)
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho hay, trong nhiều đợt tăng lương trước đây, như một “lộ trình”, trước khi lương tăng, hàng hóa đã rục rịch tăng. Sau khi có quyết định tăng lương thì giá cả thị trường lại tăng thêm một đợt nữa thậm chí tăng cao hơn mức tăng lương của người lao động. Vì thế nhiều người không cảm thấy hào hứng khi được tăng lương.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái điều chỉnh giá, từ đó tỷ giá VND với USD hiện nay chênh nhau chỉ khoảng hơn 3%. Đây là tín hiệu đáng mừng. Việc quản lý ổn định lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền làm dấy lên hy vọng, tăng lương nhưng giá tăng không đáng kể. Có như vậy thì việc tăng lương mới đem lại niềm vui trọn vẹn cho người lao động hưởng công ăn lương như mong muốn mà Chính phủ, Quốc hội đã đề ra.
Nhìn nhận một cách lạc quan, ông Thịnh cho biết, trong 2-3 năm gần đây, những lần tăng lương bình quân hàng năm, Cục quản lý giá Bộ Tài chính cùng với Tổng cục Quản lý thị trường và các chính quyền địa phương đã làm rất tốt việc quản lý giá trên thị trường nội địa, tại các chợ đầu mối cũng như các chợ dân sinh, trong các cửa hàng bán lẻ, vì thế, việc tăng lương không dẫn đến việc tăng giá quá nhiều. Từ bài học kinh nghiệm trên, ngay từ những tháng đầu năm nay, Bộ Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường đã yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường quản lý giá và kiểm tra giám sát hoạt động hình thành giá cả của các nhóm mặt hàng cơ bản, do đó, giá cả hàng hóa từ đầu năm đến nay tăng không đáng kể.
“Từ nay đến cuối năm, tôi cho rằng, việc quản lý giám sát của các UBND địa phương cùng với Bộ Công Thương và cơ quan quản lý nhà nước sẽ được tiến hành một cách đồng bộ và chặt chẽ hơn. Mặc dù lương tăng có thể có những sức ép nhất định lên giá cả nhưng vẫn hy vọng, giá cả của các mặt hàng cơ bản chỉ tăng trong phạm vi phù hợp. Đây là điều mà Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng như Chính phủ đã đặt ra cho các cơ quan quản lý ngay từ đầu năm”, TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh
Cũng theo ông Thịnh, để hạn chế tối đa việc tăng giá, các UBND, địa phương phải là người giám sát hoạt động mua bán kinh doanh ngay trên chợ dân sinh và ở các cửa hàng bán lẻ ở địa phương mình. Cùng với đó, Cục giá của Bộ Tài chính cần quản lý giá đầu vào, đầu ra của các sản phẩm chủ yếu, Cục QLTT cũng phải là người đi sâu, đi sát cả địa bàn phường, xã để từ đó có thể quản lý được chặt chẽ giá cả tăng ở mức hợp lý.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, việc tăng lương là tín hiệu vui, góp phần nâng cao đời sống của người dân, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế, làm cho sức mua của nhân dân được tăng lên, khi quan hệ cung cầu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến giá cả.
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, hiện tượng “té nước theo mưa” khi lương tăng vẫn xảy ra, nếu điều này không được kiểm soát thì sẽ mang lại hiệu ứng tiêu cực của việc tăng lương.
Bà Oanh khuyến nghị một số giải pháp kiểm soát: Các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Cùng với đó, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường; Khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm lương tăng. Quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, “té nước theo mưa” và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.
Theo Chung Thủy/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/ngan-chan-tinh-trang-luong-tang-1-dong-gia-tang-2-dong-post1106035.vov