Đúng 7 giờ 30 phút, buổi huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/19 bắt đầu. Nội dung huấn luyện tập trung vào kỹ năng thao tác vũ khí có trong biên chế của đơn vị; đồng thời luyện tập hiệp đồng chiến đấu tiêu diệt mục tiêu, bảo vệ nhà giàn.
Trong giờ nghỉ giải lao, Thượng úy QNCN Tăng Văn Huy, nhân viên radar Nhà giàn DK1/19 chia sẻ: “Mặc dù điều kiện của đơn vị rất khó khăn do không có bãi tập như trong đất liền nhưng chỉ huy đơn vị vẫn thường xuyên tổ chức huấn luyện, luyện tập chuyên môn nghiệp vụ quân sự, rèn kỹ năng, động tác sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật để chúng tôi luôn SSCĐ, vững vàng bản lĩnh, chắc tay súng bảo vệ biển, đảo quê hương”.
|
Thực hành huấn luyện cứu thương tại nhà giàn DK1.
|
Những năm qua, công tác huấn luyện, SSCĐ luôn được cấp ủy, chỉ huy các nhà giàn coi trọng, tập trung vào những nội dung cụ thể, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ, môi trường tác chiến và biên chế từng đơn vị. Với tinh thần “còn người, còn nhà giàn”, công tác huấn luyện không chỉ bảo đảm toàn diện về quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, kỹ năng băng bó cứu thương, tìm kiếm cứu nạn... mà còn chú trọng tập trung rèn ý chí, nghị lực và bản lĩnh chính trị, xây dựng trận địa tư tưởng vững chắc bảo đảm cán bộ, chiến sĩ luôn có quyết tâm cao, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Theo Trung tá Nguyễn Trung Đức, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, có hai yếu tố quan trọng đối với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, đó là chuyên môn quân sự và bản lĩnh chính trị. Nó đòi hỏi rất cao và thể hiện rõ trong điều kiện thực hiện nhiệm vụ trên biển. Cho nên, đơn vị luôn coi trọng việc kết hợp huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị bằng tình huống thật, phương án chiến đấu thật, mục tiêu thật, môi trường tác chiến thật... Nhờ đó, các chiến sĩ hình thành kỹ năng, phản xạ và cách xử lý tình huống thực sự, thực tế, không được phép sai lầm, bảo đảm an toàn, đánh thắng.
Không chỉ huấn luyện kỹ lưỡng, sát thực trên nhà giàn mà ngay khi ở trong đất liền, trước khi được phân công ra nhà giàn thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ đã phải trải qua thời gian huấn luyện nghiêm ngặt, chặt chẽ. Nội dung huấn luyện tập trung vào thao tác, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, công tác bảo đảm an toàn; kỹ năng lên, xuống và rời khỏi nhà giàn trong điều kiện khẩn cấp; kỹ thuật, chiến thuật cá nhân, phân đội đáp ứng yêu cầu SSCĐ, phòng, chống cháy nổ, thiên tai... Thượng tá Vũ Văn Xanh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1 cho biết: “Mỗi năm, đơn vị tổ chức huấn luyện hai lần, mỗi lần hai tháng. Nội dung huấn luyện được chọn lọc bảo đảm cơ bản, sát thực, cần thiết. Trước khi kết thúc huấn luyện tại bờ, chúng tôi tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả, chiến sĩ phải đạt khá trở lên và có kỹ năng xử lý tình huống linh hoạt, chuẩn xác mới đủ điều kiện ra nhà giàn công tác”.
Đặc biệt, từ năm 2022, Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân chỉ đạo xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng nhà giàn phục vụ huấn luyện, có mẫu mã, cấu tạo giống hệt nhà giàn thật. Nhà giàn này được xây dựng ven biển, sát Bộ tư lệnh Vùng để thuận tiện cho huấn luyện, tăng tính thực tế, giúp chiến sĩ làm quen với môi trường, nhiệm vụ trước khi ra nhà giàn công tác. Theo Đại tá Nguyễn Văn Quán, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân, từ đặc điểm, tính chất nhiệm vụ của nhà giàn DK1, Bộ tư lệnh Vùng 2 luôn chỉ đạo chặt chẽ công tác giáo dục, huấn luyện, SSCĐ, bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ quân sự, mỗi nhà giàn là một pháo đài, trận địa vững chắc giữa biển; đồng thời nâng cao khả năng quan sát, phát hiện các mục tiêu, dự báo chính xác, kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/huan-luyen-ky-cang-vung-vang-giu-bien-783902