Nhiều năm trở lại đây, cùng với việc chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai mô hình Dịch vụ nuôi dưỡng tự nguyện. Đây là mô hình dành cho những người không thuộc diện bảo trợ có nhu cầu theo hình thức tự nguyện đóng góp kinh phí, mô hình này đã đáp ứng nhu cầu của xã hội, của các gia đình, tạo điều kiện để các đối tượng yếu thế được chăm sóc với điều kiện tốt nhất.
Được sự ủng hộ của gia đình, đã hơn một năm nay, ông Lưu Bá Viễn chuyển vào sống tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Phúc. Ở đây, ông được quan tâm, chăm sóc chu đáo, có nhiều người bầu bạn, tinh thần lạc quan hơn, sức khỏe từ đó cũng tốt lên nhiều.
Được triển khai từ năm 2019, hiện nay, đơn vị đang chăm sóc, nuôi dưỡng 12 người, những người tự nguyện tới đây chủ yếu là người cao tuổi, sức khỏe yếu, mắc các bệnh mãn tính, không có khả năng tự phục vụ hoặc phải hỗ trợ nhiều trong sinh hoạt hằng ngày. Đến đây, họ được trung tâm bố trí cán bộ y tế, nhân viên chăm sóc, đảm bảo từ bữa ăn đến giấc ngủ.
Cùng với đó, người cao tuổi còn được tham gia các hoạt động phù hợp với sức khỏe, các phong trào văn hóa, văn nghệ ở trung tâm. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng có điểm chung là cảm xúc vui vẻ, thoải mái. Ở nơi này, họ còn có những người cùng độ tuổi để tâm sự, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, giúp cuộc sống tuổi già thêm ý nghĩa.
Việc mở rộng chăm sóc, nuôi dưỡng thông qua loại hình dịch vụ tự nguyện của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại, đáp ứng nhu cầu của nhiều hoàn cảnh, gia đình hiện nay.
Thông qua loại hình dịch vụ này đã cho thấy sự cởi mở hơn của nhiều gia đình trong việc lựa chọn hình thức nuôi dưỡng tự nguyện cho người thân của mình. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người neo đơn và mục tiêu lớn nhất là đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Phương Anh