Cập nhật: 09/07/2024 08:11:00
Xem cỡ chữ

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tấn Tài đánh giá cao mô hình lưu trữ, sưu tầm nông cụ sản xuất nông nghiệp của ông Cao Tấn Hiệu.

Những vật dụng xưa được lưu trữ tại nhà ông Cao Tấn Hiệu hầu hết có nguồn gốc do các thế hệ trước truyền lại. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Những vật dụng xưa được lưu trữ tại nhà ông Cao Tấn Hiệu hầu hết có nguồn gốc do các thế hệ trước truyền lại. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Trong ngôi nhà ba gian truyền thống Nam Bộ ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hiệu dành hẳn một gian lưu trữ hàng trăm nông cụ sản xuất gắn bó với người nông dân.

Bộ sưu tập của ông gồm nhiều món quen thuộc, không thể thiếu với mỗi gia đình nông dân Nam Bộ trong công cuộc khai hoang, sản xuất nông nghiệp trước đây nhưng nay dần vắng bóng do sản xuất nông nghiệp ngày càng được cơ giới hóa.

Ông Cao Tấn Hiệu có ý tưởng sưu tầm nông cụ từ những lần dọn dẹp để sửa lại nhà thờ của dòng họ từ năm 2021. Khi thấy những vật dụng gần gũi, gắn bó với tuổi thơ trong năm tháng gian khổ, trước ngày đất nước thống nhất vẫn còn nguyên vẹn, ông muốn giữ lại để giúp thế hệ sau biết, hiểu nhiều hơn về sản xuất nông nghiệp truyền thống cũng như tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người nông dân.

Nhiều người bạn của ông khi tới thăm nhà, chiêm ngưỡng hiện vật đều rất thích thú với bộ sưu tập này, có người còn đóng góp một vài món hiện vật để giúp lưu trữ ngày càng thêm phong phú.

Trong một lần đến thăm nơi đây, ông Nguyễn Văn Út (thành phố Mỹ Tho) đã quay lại clip, gửi cho người thân định cư ở nước ngoài để giới thiệu cho các con cháu về việc sản xuất nông nghiệp qua từng giai đoạn của người dân Nam Bộ nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung.

Còn anh Nguyễn Hoàng Bảo, ở huyện Châu Thành, khi đến thăm khu lưu trữ đã chia sẻ: Những người đồng trang lứa thuộc thế hệ 8X như anh hầu như không còn thấy và biết nông cụ này trong đời sống mà chỉ thấy qua sách vở. Những công cụ như lưỡi cày để xới đất do trâu kéo, gàu vai để tát nước từ dưới kênh lên ruộng, lưỡi phảng để dọn cỏ, phát quang đất hay cái xa quạt lúa… được trưng bày ở đây là hình ảnh trực quan sinh động, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về sáng tạo của các bậc tiền nhân trong quá trình mở cõi.

Ngoài nông cụ sản xuất, ông Cao Tấn Hiệu còn lưu giữ, sưu tầm được nhiều vật dụng quen thuộc khác, không thể thiếu trong cuộc sống ngày xưa của người dân Nam Bộ. Đó là đèn măngxông, cái tĩnh đựng rượu (nước), hộp đựng trầu cau, bàn là con gà… Những vật dụng này dù đơn giản nhưng đều có ý nghĩa quan trọng, giúp người xem thấu hiểu và trân trọng giá trị di sản của người dân Nam Bộ để lại. Đặc biệt, trong bộ sưu tập của ông Hiệu có cái ché đựng nước được xem như món đồ cổ lâu đời nhất. Theo thẩm định của một chuyên gia chơi đồ cổ ở Mỹ Tho, cái ché đựng nước này được sản xuất trước năm 1930.

Ông Cao Tấn Hiệu chia sẻ ông rất bất ngờ khi thấy ý tưởng đơn giản của mình được bạn bè, người thân đánh giá cao và nhiệt tình ủng hộ. Thời gian tới, ông sẽ tiếp tục sưu tầm và bổ sung thêm những món vật dụng xưa cũng như những nông cụ sản xuất nông nghiệp cho bộ sưu tập thêm đầy đủ để tạo một bức tranh tương đối hoàn chỉnh về đời sống sản xuất nông nghiệp truyền thống của ông bà tổ tiên cho thế hệ sau xem và thấu hiểu. Khi có điều kiện về “tài chính,” ông sẽ xây dựng một ngôi nhà gỗ cạnh ao cá để trưng bày các vật dụng xưa và dụng cụ nhà nông như một “bảo tàng” thu nhỏ để mọi người có dịp đến xem, thưởng lãm.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tấn Tài đánh giá cao mô hình lưu trữ, sưu tầm của ông Hiệu. Qua đó, Ủy ban Nhân dân đã có thông báo, kêu gọi người dân tham gia sưu tầm, đóng góp, hiến tặng thêm nhiều hiện vật để bổ sung, mở rộng điểm lưu trữ của ông Cao Tấn Hiệu thêm đa dạng, phong phú.

Ý tưởng lưu trữ, trưng bày của ông Cao Tấn Hiệu rất đáng trân trọng, góp phần quan trọng bảo tồn di sản văn hóa nông nghiệp (vật thể và phi vật thể) trong đời sống hiện nay.

Những hiện vật này sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu đầy đủ hơn về nông cụ canh tác truyền thống của người dân Nam Bộ những ngày đầu khai phá vùng đất phương Nam. Mô hình này nếu được đầu tư, phát triển để giới thiệu rộng rãi đến công chúng sẽ trở thành một điểm du lịch văn hóa trong chuỗi liên kết các điểm du lịch của xã Bình Ninh trong tương lai./.

Theo (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/doc-dao-mo-hinh-luu-tru-nong-cu-san-xuat-nong-nghiep-o-nam-bo-post963584.vnp