Cập nhật: 09/07/2024 13:46:00
Xem cỡ chữ

Vĩnh Phúc vừa bước qua 6 tháng đầu năm 2024, năm có ý nghĩa quyết định để về đích thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình hình trong nước, trong tỉnh còn có nhiều khó khăn.

Song với sự nỗ lực của cả hệ thống trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt đã có một số chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch năm, qua đó tạo đà để Vĩnh Phúc hoàn thành các mục tiêu 6 tháng cuối năm 2024.

Trước những khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phân cấp, phân quyền, giao nguồn lực gắn với trách nhiệm, đã đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,26%. Quy mô giá trị gia tăng theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm đạt trên 80,72 nghìn tỷ đồng, tăng 8,53% so với cùng kỳ năm 2023. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 62,15%, khu vực dịch vụ chiếm 30,14% và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 7,71% tổng giá trị tăng thêm. Tổng thu ngân sách của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt trên 15.535 tỷ đồng, bằng 48,9% dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ, trong đó, thu nội địa ước đạt 13.235 tỷ đồng, bằng 50,2% dự toán và tăng 5,9% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh khó khăn, thu hút đầu tư là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội, khẳng định Vĩnh Phúc vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thu hút vốn đầu tư FDI 6 tháng đầu năm đạt kết quả cao với tổng số vốn đạt 435,8 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu kế hoạch cả năm. Thu hút vốn đầu tư DDI đạt trên 2.380 tỷ đồng, đạt 43,3% kế hoạch năm 2024.

Xác định hoạt động của doanh nghiệp là chỉ số quan trọng phản ánh sức khỏe nền kinh tế, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, chính là yếu tốt quyết định để phục hồi tăng trưởng, các cấp, các ngành đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh giúp các doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng sản xuất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Lĩnh vực dịch vụ, du lịch của tỉnh tiếp tục có nhiều khởi sắc, số lượt khách du lịch, doanh thu du lịch tăng khá so với cùng kỳ. Công tác lập và quản lý quy hoạch tiếp tục được chú trọng, sáu tháng đầu năm 2024 tỉnh đã chỉ đạo hoàn thành, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dưng nông thôn mới được quyết liệt triển khai. Lĩnh vực văn hóa tiếp tục có bước phát triển; sự nghiệp giáo dục đào tạo được quan tâm, cơ sở vật chất được đầu tư ở các cấp học, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của tỉnh năm học 2023-2024 tiếp tục được nâng lên.

Công tác y tế được quan tâm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị các đơn vị được đầu tư, công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh tiếp tục được chú trọng. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh, quốc phòng được củng cố. Đây là tiền đề, động lực để Vĩnh Phúc phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Hoàn thành chỉ tiêu của 6 tháng còn lại không chỉ có ý nghĩa để hoàn thành mục tiêu cả năm 2024 mà còn có ý nghĩa quan trọng cho việc thực hiện hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Khó khăn không lùi bước, với tinh thần quyết tâm vượt khó, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực sẽ giúp kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc tăng trưởng và phát triển đạt các mục tiêu đề ra.

Văn Hải