Mỗi dân tộc trong 54 dân tộc anh em đều có bản sắc văn hoá riêng, tạo nên sức mạnh nội sinh của nền văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên để phát huy hơn nữa thì các loại hình nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa các dân tộc rất cần một "đòn bẩy".
Thực tế hàng ngàn năm lịch sử đã chứng minh, trong tiến trình phát triển của mỗi dân tộc hay mỗi quốc gia không thể thiếu sự đồng hành của các loại hình nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa các dân tộc. Vì thế bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa các dân tộc là một vấn đề thiết thân cần được quan tâm, đặc biệt là trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay để “hội nhập” mà không hòa tan.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Lâm Bá Nam, Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, để bảo tồn trước hết cần nhận diện rõ: “Tôi nghĩ, đối với văn hóa các tộc người thì cần phải nhận diện một hệ giá trị trong bức tranh văn hóa vùng và tộc người. Nhiều di sản đã trở thành niềm tự hào dân tộc mang đậm bản sắc dân tộc thì cần phải mở rộng ra cách nhìn về di sản văn hóa phi vật thể và các yếu tố của đời sống xã hội nữa”.
Để bảo tồn phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa các dân tộc trước hết cần nhận diện rõ. Ảnh: baodantoc.vn
Hiện nay, trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, trào lưu đô thị hóa nông thôn cùng với quá trình hội nhập, giao thoa giữa các nền văn hóa đã có phần tác động làm cho giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc có nguy cơ bị mai một. Bên cạnh đó, một bộ phận lớp trẻ có biểu hiện xa rời bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Do vậy, PGS.TS Nguyễn Thị Hương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, để bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa các dân tộc - hơn lúc nào hết, chúng ta cần có hệ thống giải pháp tổng thể: “Trước hết phải đổi mới trong nhận thức, cả trong nhận thức lý luận và trong thực hành thực tiễn. Giải pháp thứ hai là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và thể chế hóa chủ trương của Đản. Và nhóm giải pháp thứ ba, đó là phải xây dựng được chiến lược tổng thể về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, đổi mới nội dung, phương thức quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Cùng với hệ thống giải pháp đó có một vấn đề trước mắt đó là phải phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng và phải coi trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng với tư cách là chủ thể của văn hóa đó”
Theo GS.TS Bùi Quang Thanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, cùng với việc hoàn thiện chính sách cần có hành động cụ thể, đặc biệt là chú trọng đến các yếu tố văn hóa cộng đồng và tăng cường đầu tư cho các thiết chế văn hóa cộng đồng, trong đó có các CLB văn hóa văn nghệ: “Mọi di sản phải được thực hành một cách sống động trong cộng đồng, trong đời sống văn hóa của chính cộng đồng đó. Bảo tồn và phát huy giá trị của một di sản có rất nhiều những hoạt động lĩnh vực những phạm vi cấp độ và mức độ khác nhau. Tại cộng đồng thì đã có hàng trăm câu lạc bộ thành lập rồi, sinh hoạt một cách thường kỳ. Thì tôi tin sự định hướng cho phát triển câu lạc bộ các địa phương sẽ mở rộng và chiều sâu hơn nữa, sẽ mang lại hiệu quả rất tốt đẹp…”
Mọi di sản phải được thực hành một cách sống động trong cộng đồng, trong đời sống văn hóa của chính cộng đồng đó.
Một biện pháp hữu hiệu nữa được nhiều chuyên gia đồng tình là kết nối văn hóa, nghệ thuật truyền thống gắn với du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa để tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Đây cũng là cách giải bài toán kinh tế trong văn hóa.
Thế nhưng, theo GS.TS Bùi Quang Thanh, để các loại hình văn hóa, nghệ thuật sống được giữa cộng đồng thì một mấu chốt là cần quan tâm cụ thể đến đội ngũ nghệ nhân tại cộng đồng. Bởi thương hiệu đích thực của các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian đang nằm trong tay các nghệ nhân, họ chính là những người giữ hồn, giữ lửa. “Để góp phần bảo tồn di sản của các dân tộc tôi cho là một di sản muốn tồn tại một cách đúng bản chất của nó thì thành phần nghệ nhân rất quan trọng. Chính quyền các cấp nên có sự quan tâm một cách rất cụ thể, thể hiện qua các cơ chế, chính sách ứng xử với các thế hệ nghệ nhân. Khi chúng ta quan tâm đến nghệ nhân chính là ta quan tâm đến các hạt nhân của các câu lạc bộ, quan tâm đến cộng đồng, vì cộng đồng để quan tâm cụ thể hơn đến đời sống. Ví dụ như vấn đề bảo hiểm vấn đề nhân thọ, vấn đề y tế, trợ cấp cho thực hành và trợ cấp cho các lớp họ mở ra để truyền dạy”- GS Bùi Quang Thanh nhấn mạnh.
Cồng chiêng Tây Nguyên.
Có lẽ chưa bao giờ vấn đề phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa lại được đề cập mạnh mẽ như giai đoạn hiện nay. Hội nhập tạo ra cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố thách thức lớn trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Như một lẽ tất nhiên, bên cạnh những mặt tích cực “được rất nhiều” là những mặt trái - “mất không ít”. Do vậy đã đến lúc không thể chần chừ nữa, hơn lúc nào hết, chúng ta cần có những hành động cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.
Theo VOV2
https://vov.vn/van-hoa/di-san/bao-ton-phat-huy-nghe-thuat-truyen-thong-di-san-van-hoa-cac-dan-toc-post1106507.vov