Nga duy trì cường độ tấn công cao khiến lực lượng quân sự Ukraine trên bộ hao mòn dần theo thời gian trong lúc viện trợ của phương Tây dành cho họ lại nhỏ giọt. Điểm mạnh nổi trội của Ukraine chủ yếu là trên mặt trận biển, khi họ gây khó khăn đáng kể cho Hạm đội Biển Đen của Nga tại khu vực Crimea.
Lục quân Ukraine suy yếu trước những đòn tấn công liên tục của Nga
Một cựu tướng lục quân Australia cho hay, việc Nga hàng ngày tiến hành vô số cuộc tấn công vào Ukraine đã gây ra tác động cộng dồn tiêu cực lên lực lượng chiến đấu của Ukraine, khiến cho lực lượng này bị tổn thất và hao mòn nghiêm trọng.
Hỏa lực pháo tự hành Nga trong xung đột Ukraine. Ảnh: Sputnik.
Tướng về hưu Mick Ryan đưa ra nhận xét như vậy khi ông kêu gọi các đồng minh của Ukraine hãy tăng cường viện trợ cho quốc gia Đông Âu này trong cuộc xung đột nảy lửa với Nga.
Tướng Ryan cho hay, Nga tiếp tục tấn công không ngừng nghỉ ở phía Bắc của tỉnh Kharkov bất chấp đối mặt với nhiều thương vong.
Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine vào hôm 14/7 thông báo rằng tình hình gần Toretsk ở tỉnh Donetsk là rất “căng thẳng”. Theo họ, chiến sự ác liệt nhất là gần Pokrovsk.
Theo ông Ryan, binh sĩ Ukraine phải phòng ngự trước hàng chục cuộc tiến công đơn lẻ của Nga mỗi ngày dọc theo hàng trăm kilomet chiến tuyến”.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, viên tướng cho rằng ngay cả khi nhịp độ tiến công của Nga có giảm thì những cuộc tiến công vừa qua vẫn tạo gánh nặng lớn cho quân đội Ukraine và dân tộc Ukraine.
Từ đó, viên tướng Ryan cho rằng năng lực chống đỡ của Ukraine trước Nga tùy thuộc vào năng lực của đồng minh châu Âu viện trợ vũ khí đạn dược cho nước này.
Trong một đăng tải hôm 10/7, tướng Ryan tỏ ra thất vọng về viện trợ của phương Tây cho Ukraine vào lúc này. Ông viết rằng các đồng minh của Ukraine đang viện trợ cho nước này như thể cho một quốc gia Đông Âu xa cách.
Ryan nhận định rằng viện trợ nhỏ giọt cho Ukraine trong 28 tháng qua sẽ không giúp chấm dứt được xung đột Ukraine cũng như không giúp nước này ngăn cản đà tiến của quân Nga.
Lợi thế bất ngờ của Ukraine trên mặt trận biển
Mặc dù hứng chịu nhiều bước thụt lùi trong cuộc đối đầu quân sự chưa từng có tiền lệ với Nga, phía Ukraine vẫn có những bước tiến nhất định trên vùng biển Crimea.
Tuần qua, lần đầu tiên hải quân Nga được cho là đã rút tàu tuần tra cuối cùng của mình khỏi khu vực bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014. Phát ngôn viên của hải quân Ukraine, Dmytro Pletenchuk, thông báo tin tức này.
Nếu thông tin Nga rút nốt chiến hạm trên khỏi Crimea là đúng thì điều này cho thấy hải quân Ukraine đã làm được điều khó tin là tạo ra tại khu vực này một thách thức lớn cho lực lượng hải quân Nga hùng mạnh hơn.
Đầu tiên, vào tháng 4/2022, Ukraine đã gây đắm cho soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga. Khi ấy, Ukraine sử dụng kết hợp UAV, USV và tên lửa nội địa với vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tung ra loạt đòn vào các tàu hải quân Nga.
Tên lửa hành trình của phương Tây đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch trên của Ukraine nhưng thứ vũ khí mạnh nhất của Ukraine lại là đội xuồng không người lái (USV) do họ tự phát triển nhằm phục vụ cuộc chiến bất đối xứng với lực lượng hải quân mạnh hơn nhiều lần.
Khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Hạm đội Biển Đen của Nga có 74 chiến hạm, đa số đóng tại các cảng trên bán đảo Crimea do Nga kiểm soát. Trong vòng khoảng 2 năm sau đó, Ukraine được cho là đã làm đắm hoặc gây hư hại cho khoảng 1/3 tổng số tàu này. Trong nửa sau của năm 2023, xuất hiện các báo cáo cho thấy tàu chiến Nga được di chuyển khẩn trương từ Crimea qua Biển Đen tới thành phố Novorossiysk tương đối an toàn của Nga.
Sự thành công không nhỏ của Ukraine trong trận chiến Biển Đen có tác động lên tổng thể xung đột Nga - Ukraine. Cụ thể, nhờ vào những thắng lợi này, Ukraine đã gây rối nhất định cho hệ thống hậu cần Nga, cản trợ hoạt động của Nga cung cấp nhân lực cho lực lượng tác chiến ở miền Nam Ukraine, đồng thời hạn chế khả năng của Nga sử dụng chiến hạm trang bị tên lửa hành trình để tấn công các mục tiêu Ukraine. Không những vậy, phản đòn của Ukraine trên Biển Đen còn giúp Ukraine phá bỏ phần nào thế bao vây đối với các hải cảng của họ, khôi phục hoạt động hàng hải thương mại qua một hành lang biển mới. Kết quả là, xuất khẩu nông sản của Ukraine đã gần đạt mức trước xung đột, bảo đảm cho Kiev một chỗ dựa quan trọng về kinh tế.
Mặc dù vậy, các đồng minh phương Tây của Ukraine vẫn rất cảnh giác trong viện trợ cho nước này. Họ e sợ xung đột Ukraine sẽ lan rộng và đẩy NATO lao vào cuộc đối đầu trực tiếp với Nga trên chiến trường. Họ cũng lo ngại kịch bản Nga sử dụng tới vũ khí hạt nhân. Do vậy, Ukraine tiếp tục chỉ nhận được viện trợ quân sự nhỏ giọt từ phương Tây và không có đủ lực để tổ chức phản công Nga cũng như tái chiếm lãnh thổ đã rơi vào tay Nga, ít nhất là trong thời gian gần từ nay cho tới cuối năm 2024.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN tổng hợp
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/quan-ukraine-ton-that-nang-tren-bo-nhung-quay-roi-duoc-nga-tai-vung-crimea-post1108535.vov