Cuộc chiến pháo binh ở Ukraine đang thay đổi, với những dấu hiệu cho thấy Ukraine đang phá hủy ngày càng nhiều các hệ thống pháo của Nga.
Điều này có thể đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến, đồng thời cho thấy, pháo binh truyền thống dễ bị tấn công bằng những vũ khí mới.
Pháo binh được coi là trọng tâm trong học thuyết quân sự của Nga. Một số nhà quan sát cho rằng, lực lượng mặt đất của Nga chủ yếu là các đơn vị pháo binh có rất nhiều xe tăng. “Nói một cách đơn giản, Nga đã sử dụng pháo binh làm hình thức sát thương chính trong các trận đánh tầm gần”, báo cáo của Viện nghiên cứu Dịch vụ Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute - RUSI) nhận định.
Sự thiếu hụt nhân lực và vũ khí trong các đơn vị xe tăng và bộ binh có thể được bù đắp bằng hỏa lực pháo binh. Để giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ, Nga có thể chỉ cần sử dụng pháo binh san phẳng các tòa nhà, công sự của đối phương, thay vì triển khai các đơn vị bộ binh tinh nhuệ, được huấn luyện bài bản. Lợi thế về pháo binh của Nga đã khiến Ukraine phải trả giá đắt cho cuộc phản công vào mùa hè năm 2023. Forbes dẫn một nguồn thống kê cho biết, pháo binh Nga đã gây ra khoảng 80% thương vong cho phía Ukraine trong cuộc xung đột.
Ukraine được cho là ở thế bất lợi hơn nhiều so với Nga, cả về số lượng pháo lẫn số lượng đạn dược. Hồi tháng 4 vừa qua, Tướng Christopher Cavoli - Chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ cho biết, số lượng đạn pháo của Nga và Ukraine khá chênh lệch với tỷ lệ 5:1. Nỗ lực khẩn cấp để cung cấp thêm đạn pháo cho Ukraine có lẽ vẫn chưa đủ để tạo ra sự cân bằng. Tuy nhiên, mọi thứ có thể thay đổi đáng kể nếu Ukraine có thể xác định và bắn hạ pháo binh Nga.
Nga có số lượng đạn pháo nhiều ở mức độ đáng kinh ngạc, cả trên chiến trường và trong kho dự trữ. Một báo cáo tháng 2/2024 của RUSI ước tính rằng Nga có chưa đến 5.000 khẩu pháo trên chiến trường, trong đó khoảng 1.000 khẩu là pháo tự hành trên xe bánh xích, số còn lại là pháo kéo kiểu cũ.
Những tổn thất trên chiến trường nhanh chóng được thay thế bằng các hệ thống pháo trong kho dự trữ, chủ yếu là các thiết bị có từ thời Liên Xô. Ở giai đoạn đầu xung đột, Nga có khoảng 19.000 khẩu pháo trong kho, nhưng nhiều chiếc trong số này đã không thể sử dụng được sau nhiều thập kỷ để ngoài trời.
Một số nhà phân tích của OSINT đã nỗ lực đánh giá chính xác lượng thiết bị của Nga còn lại trong các kho lưu trữ này, để biết bao nhiêu khẩu pháo đã được di dời và bao nhiêu khẩu còn lại vẫn có thể sử dụng được.
Chuyên gia quân sự có biệt danh Highmarsed đã công bố một số phân tích chi tiết nhất, xem xét từng địa điểm và cố gắng xác định từng thiết bị ở mọi vị trí lưu trữ. Kết quả này cùng với kết quả do CovertCabal và những người khác công bố, được giới quốc phòng coi là bằng chứng tốt nhất về năng lực pháo binh của Nga.
Theo Highmarsed, Nga nhiều khả năng vẫn còn lưu trữ khoảng 40% số lượng đạn pháo tồn kho trước xung đột. Gần đây, Moscow bắt đầu di chuyển khẩu pháo cũ M-46 cỡ nòng 130mm ra khỏi kho, có thể là để sử dụng đạn do Iran hoặc Triều Tiên cung cấp. Đến thời điểm hiện tại, Nga vẫn chưa coi việc đưa vào sử dụng trở lại một số hệ thống pháo như 2S1 và 2S3 là ưu tiên chính.
Ukraine phá thế áp đảo của pháo binh Nga
Việc phá hủy các hệ thống pháo của đối phương là một quá trình gồm 3 giai đoạn. Đầu tiên, cần phải định vị được vị trí chính xác của chúng thông qua dữ liệu do vệ tinh cung cấp hoặc các nguồn thông tin tình báo nước ngoài. Ukraine có thể đã sử dụng radar phản pháo do Mỹ cung cấp hoặc máy bay không người lái để theo dõi đường đạn của pháo binh Nga. Tiếp theo các thông tin này sẽ được chuyển đến hệ thống chỉ huy và kiểm soát. Khi đó người chỉ huy có thể chỉ định vũ khí dùng để phá hủy các khẩu pháo trong thời gian ngắn trước khi nó di chuyển. Thứ ba, cần phải có loại vũ khí có khả năng bắn trúng mục tiêu ở xa chiến tuyến.
Ukraine có 2 khả năng đầu, nhưng lại thiếu vũ khí tấn công tầm xa. Điều này có thể khắc phục một phần thông qua việc sử dụng hệ thống HIMARS. Nhưng số lượng HIMARS mà Kiev có lại quá ít ỏi, không đủ khả năng tạo ra thay đổi lớn trên chiến trường. Ngoài HIMARS, Ukraine thời gian gần đây đã gia tăng tần suất sử dụng Máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV).
Máy bay không người lái FPV thường có tầm bắn tối đa khoảng 20km. Trước đây, hầu hết pháo binh Nga nằm ngoài tầm bắn, nhưng trong những tháng qua, Nga đã sử dụng nhiều loại pháo có cỡ nòng nhỏ hơn, tầm 122mm thay vì 152mm. Các loại pháo này có tầm bắn ngắn hơn nên rất dễ bị FPV tấn công. Ukraine đã công bố nhiều video ghi lại cảnh FPV tấn công các hệ thống pháo cỡ nhỏ của Nga. Ngoài ra, còn có những video quay cảnh FPV bắn trúng pháo cỡ nòng 152mm. Điều này cho thấy Nga có thể đã đặt những khẩu pháo lớn ở khoảng cách gần mục tiêu hơn so với dự kiến.
Kể từ tháng 4, Ukraine đưa vào sử dụng máy bay không người lái Ukrolancet, về bản chất là UAV FPV nhưng có kích thước lớn hơn một chút, có cánh hình chữ X và tầm hoạt động lớn hơn nhiều, tương tự như UAV Lancet của Nga. Các đơn vị vận hành UAV của Ukraine cho biết, Ukrolancet có tầm hoạt động xa gấp đôi hoặc gấp 3 FPV thông thường, khoảng 57km, đưa phần lớn pháo binh Nga nằm trong tầm bắn.
Vào năm 2023, Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Nga đã triển khai các UAV Lancet để tấn công những mục tiêu ưu tiên và chúng ngày càng trở nên nổi bật trong cuộc tấn công đáp trả nhằm vào pháo binh của Ukraine”. Nhưng Nga sử dụng UAV Lancet với số lượng rất ít nên tầm ảnh hưởng của chúng bị hạn chế. Nếu Ukraine có thể sản xuất được hàng nghìn UAV tương đương Lancet với số lượng lớn họ có thể tấn công pháo binh Nga ngay khi phát hiện và định vị được mục tiêu của đối phương.
Theo đánh giá của Highmarsed, sức mạnh pháo binh Nga dường như không bị ảnh hưởng sau các đợt tấn công của Ukraine. Tổn thất đang được bù đắp do Nga còn kho dự trữ pháo binh khổng lồ và tăng cường sản xuất trong nước. Tuy vậy, nếu tốc độ tổn thất tiếp tục gia tăng, Nga có thể gặp khó khăn trong việc duy trì sức mạnh trên tiền tuyến. Điều đó sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến khả năng chiến đấu của Nga. Máy bay không người lái và bom lượn có thể bù đắp phần nào sự thiếu hụt, nhưng với số lượng pháo binh hạn chế, Nga sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong cả hoạt động tấn công và phòng thủ.
Câu hỏi đặt ra hiện này là tốc độ hao hụt pháo binh của Nga nhanh đến mức nào và liệu điều này có tiếp tục gia tăng hay không. Một vấn đề khác là liệu Ukraine có thể cầm cự lâu dài trong cuộc chiến pháo binh với Nga hay không.
Theo Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chia-khoa-giup-ukraine-pha-the-ap-dao-cua-phao-binh-nga-post1108717.vov