Cập nhật: 19/07/2024 07:50:00
Xem cỡ chữ

Cuộc xung đột khốc liệt giữa Nga và Ukraine đang đứng trước triển vọng to lớn sớm chấm dứt sau những diễn biến mới nhất và bất ngờ tại Mỹ và Đức - hai quốc gia viện trợ chủ chốt cho chính quyền Kiev.

Hungary nhắc EU về triển vọng xung đột Ukraine sớm chấm dứt

Thủ tướng Hungary Orban đã thông báo cho các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) bằng thư riêng rằng ứng viên tổng thống Mỹ Trump sẽ nhanh chóng thúc đẩy chấm dứt xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.

xung dot ukraine co the som cham dut nho vao dien bien moi tai my va Duc hinh anh 1

Xung đột vũ trang Nga - Ukraine đã gây ra nhiều tổn thất về nhiều mặt cho hai nước này cũng thế giới. Ảnh: AP

Sao những cuộc thảo luận riêng tư với ông Trump, Thủ tướng Orban cho hay, ông Trump sẽ nhanh chóng yêu cầu đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine nếu ông chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 này. Không những vậy, ông Orban cho biết, cựu Tổng thống Trump đã xây dựng được những kế hoạch có cơ sở vững chắc để đạt được mục tiêu đó.

Tuyên bố này của ông Orban rất có sức nặng trong bối cảnh cơ hội đắc cử của ông Trump đã tăng lên cao sau 2 sự kiện gần đây - cuộc tranh luận trực tiếp giữa ông Trump và đối thủ Biden (đương kim Tổng thống Mỹ) và vụ mưu sát bất thành nhằm vào ông Trump (khi sát thủ bắn sượt qua tai của ông Trump lúc ông diễn thuyết tranh cử).

Thủ tướng Hungary nói với giới lãnh đạo EU rằng triển vọng ông Trump đắc cử và thúc đẩy hòa đàm đồng nghĩa với việc EU cần mở lại kênh liên lạc ngoại giao trực tiếp với Nga cũng như khởi động đàm phán “cấp cao” với Trung Quốc để tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Bức thư của Thủ tướng Orban gửi cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và các nhà lãnh đạo khác của EU có đoạn: “Dự kiến trước bầu cử Mỹ sẽ không có sáng kiến hòa bình nào từ phía ông Trump. Tuy nhiên, tôi có thể tuyên bố chắc chắn rằng ngay sau khi ông Trump đắc cử, ông ấy sẽ không đợi chờ đến khi nhậm chức mà sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải cho hòa bình ngay lập tức. Ông ấy có các kế hoạch chi tiết, với cơ sở vững chắc cho điều đó”.

“Phương Tây nên thức thời”

Thủ tướng Hungary gợi ý rằng trong hoàn cảnh nói trên, EU nên dự tính trước sự thay đổi trong chính sách của nước Mỹ, phải lựa chọn giữa chủ động thúc đẩy tức thời đàm phán Nga - Ukraine và chịu trách nhiệm cung cấp thêm tiền cho hoạt động phòng thủ của Ukraine.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã viết thư đáp lại ông Orban, trong đó ông Michel khẳng định ông Orban “không có vai trò” trong việc đại diện EU ra quốc tế và cũng không được trao thẩm quyền như vậy.

Trong lá thư gửi tới Financial Times, ông Michel lặp lại quan điểm Nga phải rút quân khỏi Ukraine và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Theo ông, đây là cách trực tiếp nhất để đạt được hòa bình tại Ukraine.

Thế nhưng tình hình nước Mỹ vẫn đang bất lợi cho các tính toán của giới lãnh đạo EU. Nghị sĩ JD Vance - phó tướng của ông Trump, đã đăng một bài bình luận cũng trên tờ Financial Times, trong đó ông kêu gọi châu Âu hãy gánh lấy trách nhiệm lớn hơn trong việc hỗ trợ cho Ukraine.

Trước đó, hai cố vấn của ông Trump là Keith Kellogg và Fred Fleitz đã trình lên ông Trump kế hoạch chấm dứt xung đột Ukraine, trong đó viện trợ quân sự cho Ukraine được gắn với yêu cầu Kiev chấp nhận hòa đàm với Moscow.

Nga để ngỏ đàm phán, Đức bất ngờ cắt giảm một nửa viện trợ cho Ukraine

Chiến sự giữa Nga và Ukraine cơ bản giằng co trong thời gian qua. Tuy nhiên, chiến dịch phản công của Ukraine vào cuối năm 2023 đã thất bại nặng nề, còn Nga đã giành thêm một số lãnh thổ (dù với tốc độ chậm) kể từ khi họ tổ chức tiến công vào tháng 5/2024 này.

Nhìn tổng thể hiện nay, Ukraine vẫn khó lòng lấy lại bán đảo Crimea trong tương lai gần, còn Nga vẫn phải dốc sức để chiếm nốt những vùng chưa kiểm soát được trong 4 tỉnh mà họ tuyên bố sáp nhập vào nửa sau của năm 2022. Nga sở hữu lợi thế về quân số và về vũ khí - đạn dược nhưng vẫn chưa tạo được bước đột phá quyết định trên chiến trường. Chính vì vậy, Nga vẫn có lý do để sẵn lòng bước vào đàm phán.

Trong lúc Mỹ đứng trước khả năng lớn sẽ quay ngoắt chính sách của họ đối với Ukraine sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới thì nước Đức đã chủ động điều chỉnh viện trợ quân sự của mình cho Ukraine theo chính hướng đó.

Dù ngày bầu cử Mỹ còn cách hiện tại khoảng 4 tháng nữa, Đức đã có kế hoạch giảm một nửa viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm 2025 tới.

Theo dự thảo ngân sách 2025 của Đức, viện trợ của nước này cho Ukraine sẽ cắt giảm từ mức khoảng 8 tỷ euro trong năm 2014 xuống còn 4 tỷ euro (khoảng 4,35 tỷ USD) trong năm 2025.

Đây là một thay đổi lớn vì Đức vừa qua là nhà viện trợ vũ khí lớn nhất châu Âu cho Ukraine.

Phát biểu sau khi nội các Đức mới đây phê chuẩn dự thảo ngân sách trên, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nói rằng Ukraine sẽ phải dựa nhiều hơn vào quỹ từ các “nguồn châu Âu” khác cũng như từ lợi nhuận thu được từ tài sản Nga bị phương Tây đóng băng.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN tổng hợp

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/xung-dot-ukraine-co-the-som-cham-dut-nho-vao-dien-bien-moi-tai-my-va-duc-post1108791.vov