Tại các tuyến phố quanh Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, dòng người kiên nhẫn xếp hàng đợi vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn.
Sáng 25/7, Lễ viếng Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/7/2024.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Tại khu vực Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội
7 giờ sáng 25/7, rất đông người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Từ những học sinh, sinh viên đến những người lớn tuổi, những người ở tỉnh xa về Thủ đô, tất cả đều một lòng hướng về Tổng Bí thư với một niềm xúc động và tiếc thương vô hạn.
Các tuyến phố Nguyễn Cao, Lò Đúc, Hàn Thuyên, Lê Thánh Tông, Tăng Bạt Hổ... quanh Nhà tang lễ, dòng người kiên nhẫn xếp hàng đợi vào viếng vì "ngày mai ông đi rồi." Lẫn trong dòng người có tiếng sụt sùi, nức nở.
Tại phố Tăng Bạt Hổ, cầm trên tay tấm ảnh chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Đào Thị Ngọc Lan, hội viên cựu chiến binh thôn Phúc Xuyên, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội bùi ngùi cho biết để được vào “viếng bác Trọng," bà đã thuê trọ ở gần Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông từ ngày 24/7. Sáng nay, bà dậy từ rạng sáng và hơn 4 giờ đã có mặt để làm thủ tục vào viếng.
“Bác là vị lãnh đạo một lòng son sắt với Tổ quốc, với nhân dân. Nghe tin bác mất, ngày nào tôi cũng khóc, không ngày nào mà tôi không nghĩ về bác. Tôi mong các cán bộ, đảng viên tiếp tục học theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và noi gương theo phẩm chất của bác Trọng," bà Đào Thị Ngọc Lan xúc động chia sẻ.
Anh Hoàng Văn Toản (54 tuổi, Từ Sơn, Bắc Ninh) cùng vợ có mặt trong dòng người tại phía trước Nhà tang lễ. Hai vợ chồng anh dậy từ rất sớm, di chuyển từ quê nhà tới Hà Nội và có mặt ở đây lúc 5 giờ sáng.
Lực lượng an ninh quét mã QR trên căn cước của người dân vào viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ Quốc gia. (Ảnh: TTXVN)
Anh Toản nói mấy ngày nay, trong cuộc sống thường ngày, trên báo chí, các trang mạng xã hội, đến nơi công sở đều tràn ngập những lời nói, câu chuyện, dòng tâm trạng của nhân dân ta ở mọi miền Tổ quốc dành cho Tổng Bí thư. Nhiều người bày tỏ nỗi buồn như sự mất đi chính người thân trong gia đình.
“Ông là một nhà lãnh đạo liêm khiết, mẫu mực, có lối sống giản dị, bản lĩnh và trí tuệ. Đông đảo người dân Việt Nam đều kính trọng, yêu mến ông," anh Hoàng Văn Toản bùi ngùi nói.
Chị Đỗ Lê Thuý Hằng và em gái từ Đà Lạt (Lâm Đồng) ra Hà Nội và đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với mong muốn được nhìn thấy “bác Trọng lần cuối." Chị nói: “Không diễn tả được cảm xúc của mình, chỉ biết rất kính trọng Tổng Bí thư và Việt Nam đã mất đi một con người mẫu mực, một người học trò xuất sắc của Bác Hồ, vì ông là một người quá đỗi giản dị, một người đảng viên cộng sản rất tuyệt vời."
“Bác Nguyễn Phú Trọng là tấm gương để thế hệ chúng em noi theo, học tập. Bác là một người rất đỗi giản dị, luôn có tâm với đất nước và dành tâm sức lo cho đất nước, nhân dân những điều vẹn toàn. Từ những câu nói của bác Trọng, chúng ta đều có thể vận dụng vào cuộc sống hằng ngày của mình. Tôi sẽ phấn đấu được một phần như bác ấy," chị Đỗ Lê Thúy Hằng xúc động chia sẻ.
Trong dòng người đến viếng, ông Lê Văn Đồng, một cựu chiến binh năm nay ngoài 70 tuổi đến từ thành phố Thanh Hóa cho biết 2 giờ sáng 25/7, ông đã bắt xe khách để lên Hà Nội mong sớm được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo ông Lê Văn Đồng, trong suốt quá trình làm việc, Tổng Bí thư luôn quan tâm và dành nhiều tình cảm đặc biệt với Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa. Người dân vô cùng yêu mến và ngưỡng mộ đồng chí Tổng Bí thư. Thành phố Thanh Hóa nói riêng rất tự hào khi đất nước có một đảng viên xuất sắc, một người hết lòng vì nước, vì dân như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Người dân chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo tận tụy, vì nước, vì dân, người cộng sản kiên trung, chân chính và cực kỳ giản dị, một người dành hết sức mình góp phần xây dựng Đảng vững mạnh.
"Nhân dân rất tâm đắc câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư 'lửa đã đốt lên rồi, lò đã nóng rồi thì củi tươi cũng phải cháy.' Điều đó thể hiện quyết tâm sắt đá của Tổng Bí thư trong chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực," ông Lê Văn Đồng chia sẻ.
Cũng là một trong nhiều người dân có mặt từ rất sớm, bà Lâm Thị Khuyên, ở thành phố Hưng Yên chia sẻ: "Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, chúng tôi không cầm được nước mắt. 5 giờ sáng nay tôi đã có mặt ở đây xếp hàng để mong sớm được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bác là vị lãnh đạo cao nhất nhưng lại có cách sống rất giản dị, chan hòa và gần gũi với người dân, đó cũng chính là điều mà người dân chúng tôi thêm yêu quý bác," bà Khuyên nói.
Cũng trong niềm thương tiếc vô cùng lớn lao của Đảng ta, Tổ quốc ta và toàn thể dân tộc Việt Nam, Đại tá Nguyễn Thái Hòa, với hơn 55 năm tuổi Đảng không giấu nổi cảm xúc khi lặng lẽ ngồi theo dõi Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua Truyền hình Thông tấn.
Ông Nguyễn Thái Hòa cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà văn hóa lớn đã cống hiến trọn đời cho nước cho dân đến phút cuối cùng của đời mình.
Suốt thời gian qua, Tổng Bí thư cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đoàn kết một lòng lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân quyết tâm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc theo con đường chủ nghĩa xã hội. Tổng Bí thư là người chèo lái vĩ đại nhất.
Ông luôn gương mẫu, giản dị, gần dân, nghe dân và trong mọi chủ trương, đường lối luôn lấy dân làm gốc, làm nền tảng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đặc biệt là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, đã “đốt lò” lửa lớn để “thiêu đốt” những loài “sâu mọt” vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước tới mức suy thoái tư tưởng đạo đức... Ông Nguyễn Thái Hoà tin tưởng vững chắc vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ biến đau thương thành hành động tích cực, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.
“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là vị lãnh đạo có tâm, có tầm, có uy tín, luôn cống hiến hết sức mình vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, hạnh phúc. Một trong những di sản nổi bật của Tổng Bí thư là đường lối ngoại giao cây tre, Tổng Bí thư là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh," bác Trần Tuấn Khanh, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố số 9, phường Phạm Đình Hổ tự hào nói.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, sáng 25/7, dòng người từ các đơn vị, cơ quan, đoàn thể trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam xếp hàng trước Hội trường Thống Nhất, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thức dậy từ 3 giờ sáng để kịp chuyến xe lên Thành phố Hồ Chí Minh tham dự lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng ông Hà Văn Beo (76 tuổi, tỉnh Bến Tre) vẫn không cảm thấy mệt mỏi. Ông mong ngóng đến giờ để được vào kính cẩn nghiêng mình trước di ảnh của người lãnh đạo đáng kính.
Không giấu được sự bùi ngùi, ông Beo bày tỏ: “Là một người dân, chúng tôi vô cùng thương tiếc một vị lãnh đạo cao quý nên đã lên kế hoạch đến tận nơi để được viếng và cầu nguyện trước di ảnh của Tổng Bí thư. Dù chưa từng được gặp bác Trọng, nhưng qua các việc Tổng Bí thư đã làm mang lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân thì chúng tôi biết ông là một lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân."
Đại diện các cơ quan đoàn thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Không ngăn nổi dòng nước mắt tiếc thương, bà Trần Thị Thôi, Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Thành phố Hồ Chí Minh nghẹn ngào: “Từ lúc nghe tin bác Trọng ra đi, tôi vô cùng thương tiếc và đau xót. Những việc làm của Tổng Bí thư cho đất nước, cho nhân dân là vô cùng lớn lao."
Cũng bày tỏ sự tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Hoàng Đôn Nhật Tân, nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ Tổng Bí thư là người đã mở ra con đường mới, gắn Việt Nam với thế giới, đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Tổng Bí thư ra đi là sự tổn thất lớn của Đảng, Nhà nước, nhưng ông đã để lại di sản vô cùng lớn cả về lý luận cũng như công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ tin rằng, dù bác Nguyễn Phú Trọng ra đi nhưng cách mạng Việt Nam vẫn tiếp bước, đất nước vẫn phát triển theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chỉ ra.
Tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội
Ngày 25/7, tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội đã cử hành trọng thể Lễ viếng theo nghi thức Quốc tang đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương.
Mới tờ mờ sáng, từng đoàn người trang nghiêm đã cùng hướng về khu vực Nhà văn hóa. Trên khắp các đường thôn, ngõ xóm của thôn Lại Đà, không khí bao trùm sự tiếc thương, niềm tự hào, sự kính trọng đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những lá cờ rủ buộc dải băng đen đã được người dân treo từ vài ngày trước.
Giây phút xúc động nghẹn ngào của người dân Đông Anh tại lễ viếng. (Ảnh: TTXVN)
Công tác bảo đảm an ninh an toàn cho lễ tang được các lực lượng vũ trang, lực lượng địa phương triển khai bài bản, khoa học. Do đó, dù số lượng người về viếng Tổng Bí thư tại quê nhà rất đông, song không có hiện tượng ùn tắc hay chen lấn.
Tuyến đường từ cổng thôn Lại Đà đến Nhà văn hóa thôn đều có các trạm dừng nghỉ, phục vụ nước uống miễn phí cho người dân đến viếng. Phía trong Nhà văn hóa, những bức ảnh ghi lại cuộc đời bình dị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trưng bày dọc hai bên, ngay dưới ban thờ.
Lễ viếng Tổng Bí thư tại quê nhà được tổ chức từ sớm để người thân, họ hàng trong gia đình Tổng Bí thư tới viếng. Tiếp theo là hàng trăm người dân, hàng xóm, người dân sống cùng thôn, cùng xã, cùng huyện với Tổng Bí thư. Ai ai cũng nghẹn ngào tiếc thương người con ưu tú của quê hương.
Với lòng xúc động và thương tiếc khôn nguôi, anh Phan Anh Xuân (xóm 4, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh) cẩn thận cài miếng mica màu đen lên áo cho con. Anh cho biết, từ khi biết tin Tổng Bí thư không còn nữa, gia đình anh thấy như vừa mất đi một người thân ruột thịt.
“Giờ phút này, đứng đây chờ vào viếng bác, trong tôi tràn ngập những suy nghĩ tự hào, vinh dự khi quê hương có một người con ưu tú, một vị lãnh đạo sống trọn một đời vì dân, vì nước. Bác là tấm gương lớn để chúng tôi học tập, noi theo và nguyện sống, làm việc theo tinh thần cao cả của bác," anh Phan Anh Xuân chia sẻ.
Người dân đến viếng đám tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TTXVN)
Cùng đồng đội đến lễ viếng, cựu chiến binh-Thượng tá Lê Văn Hà (thôn Hội Phụ, xã Đông Hội, huyện Đông Anh) cho biết, ông luôn cảm phục trước nhân cách, tinh thần, ý chí của Tổng Bí thư cả trong sự nghiệp cách mạng lẫn trong đời thường.
Ông Hà cùng bày tỏ mong muốn ý chí, tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được các thế hệ sau tiếp nối để cùng nhau xây dựng Tổ quốc Việt Nam.
Hòa cùng đoàn người vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cháu Vương Bảo Nam, học sinh lớp 6A5, Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) chia sẻ, cháu đi cùng với cô giáo và các bạn đến viếng Tổng Bí thư từ sớm.
Từ tối hôm trước, cháu đã nhờ mẹ là thật phẳng chiếc áo đồng phục để thật trang nghiêm dự lễ viếng.
“Con đã đọc rất nhiều câu chuyện kể về ông. Con thương ông lắm. Con sẽ học ông ở đức tính yêu Tổ quốc, sống giản dị, khiêm tốn. Con nhất định sẽ học tập thật tốt để trở thành một người có ích, một công dân tốt," cháu Vương Bảo Nam nói với đôi mắt hoe đỏ.
Tất bật cùng các lực lượng địa phương chuẩn bị cho đến sát giờ viếng, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết việc tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà thôn Lại Đà là niềm vinh dự, trách nhiệm lớn lao của chính quyền và người dân địa phương.
Ngay sau khi có Thông cáo đặc biệt về Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chính quyền và người dân nơi đây đã gấp rút chuẩn bị đầy đủ, kịp thời các điều kiện phục vụ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo đúng nghi thức Lễ Quốc tang, đảm bảo trang trọng nhất, chu đáo nhất và đúng quy định; thể hiện sự thành kính, lòng tiếc thương vô hạn của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân quê hương Đông Anh đối với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng trong toàn Đảng, toàn dân, nhất là cho thế hệ trẻ hiện nay./.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nguoi-dan-ca-nuoc-bay-to-niem-tiec-thuong-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-post966688.vnp