Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, góp phần chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Năm 1977, theo tiếng gọi của Tổ quốc, thanh niên Đỗ Quốc Oanh, thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch lên đường nhập ngũ. Năm 1982, thương binh Đỗ Quốc Oanh xuất ngũ trở về địa phương với nhiều thương tật, sức khỏe suy giảm cho nên cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thầu một phần khu vực đầm lúa chiêm trũng để phát triển chăn nuôi, nhờ vậy cuộc sống gia đình ông đã từng bước được cải thiện.
Xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch hiện có hơn 300 đối tượng chính sách. Công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được địa phương quan tâm thực hiện; đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chế độ, chính sách, đồng thời địa phương tạo thêm nguồn lực giúp cải thiện đời sống cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Tỉnh Vĩnh Phúc đang quản lý trên 127.000 người có công với các mạng, trong đó có hơn 5.000 thương binh; hơn 2000 bệnh binh và 14 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Các chính sách ưu đãi đối với người có công luôn được tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời. Ngoài chế độ chung của Đảng và Nhà nước, Vĩnh Phúc cũng đã có những cơ chế riêng đối với người có công. Trung bình mỗi năm, tỉnh bố trí khoảng 40 tỷ đồng để tặng quà cho các gia đình chính sách. Đặc biệt, thể chế hóa sự quan tâm của địa phương HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20/2021 hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công và hỗ trợ hằng tháng đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.
Với sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn thể Nhân dân, đến nay, các hộ gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, không có hộ gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo và được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở. 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời./.
Thu Hoài