Cập nhật: 31/07/2024 16:18:00
Xem cỡ chữ

Nhiều doanh nghiệp trong nước khó chồng khó khi đứng trước áp lực với hàng nhập khẩu giá rẻ, lại sắp bị Liên minh châu Âu điều tra kiện chống bán phá giá.

Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) đặt kế hoạch sản lượng thép thành phẩm năm 2024 hơn 3 triệu tấn. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) đặt kế hoạch sản lượng thép thành phẩm năm 2024 hơn 3 triệu tấn. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)  

 

Cơ quan chức năng Bộ Công Thương Việt Nam vừa khởi xướng việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Ngay lập tức Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã “để mắt" tới sản phẩm này có xuất xứ từ Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp trong nước khó chồng khó khi đứng trước áp lực với hàng nhập khẩu giá rẻ, lại sắp bị EU điều tra kiện chống bán phá giá.

Vừa mới đây, Tổng cục Thương mại của Ủy ban châu Âu (EC) thông tin đã nhận được đơn khiếu nại với đầy đủ hồ sơ yêu cầu khởi xướng chống bán phá giá sản phẩm thép dẹt cán nóng bằng sắt, thép không hợp kim hoặc thép hợp kim khác nhập khẩu vào Liên minh châu Âu có xuất xứ từ Việt Nam.

Trong trường hợp EC quyết định khởi xướng điều tra, họ sẽ gửi các bên liên quan các tài liệu gồm đơn yêu cầu, quyết định khởi xướng điều tra và bản câu hỏi điều tra.

Liên quan vấn đề này, phía Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị yêu cầu điều tra theo dõi vụ việc và có phương án ứng phó phù hợp.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay thép HRC là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác.

Là mặt hàng quan trọng nên với tình trạng gia tăng nhập khẩu thép HRC mới đây, chắc chắn ngành sản xuất trong nước sẽ gặp khó, từ đó không tự chủ được sản xuất các sản phẩm hạ nguồn khác. Tuy nhiên, đầu tư sản xuất loại thép này không dễ.

Hiện Việt Nam có hai doanh nghiệp là Hòa Phát và Formosa sản xuất thép HRC với tổng mức đầu tư lên đến hàng tỷ USD.

Việc gặp khó cả ở thị trường trong nước và nguy cơ bị kiện chống bán phá giá ở nước ngoài sẽ khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất thị trường, các chuyên gia cho hay.

Theo Tập đoàn Hòa Phát, sản lượng thép cuộn cán nóng trong quý 2/2024 của doanh nghiệp đã giảm 10% so với quý 1/2024 do những khó khăn trong tiêu thụ tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Cụ thể, lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu giá thấp tràn vào thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 tăng mạnh (6 triệu tấn, tăng gấp rưỡi cùng kỳ 2023 và vượt mức tăng trưởng toàn thị trường) gây nên sức ép lớn cho việc tiêu thụ thép cuộn cán nóng của Hòa Phát tại thị trường nội địa.

Cùng với đó giá HRC tại thị trường Việt Nam tuy có tăng lên một nhịp ngắn trong tháng 2/2024 nhưng đã giảm liên tục từ tháng đến hết quý 2/2024. Thị trường xuất khẩu cũng có nhiều thử thách đến từ tình trạng dư thừa thép cuộn cán nóng cũng như việc tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại tại các quốc gia nhập khẩu.

Theo Báo cáo của Trung tâm WTO và Hội nhập, riêng tại Việt Nam thời gian qua đã có 12/28 vụ phòng vệ thương mại là đối với các sản phẩm thép, chiếm khoảng 46% tổng các vụ phòng vệ thương mại đã từng tiến hành đối với tất cả các loại sản phẩm ở Việt Nam. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra 73 vụ phòng vệ thương mại với thép xuất khẩu Việt Nam. Điều đó cho thấy các nước vận dụng rất nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường sở tại.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, cho hay nếu chỉ tính trong nhóm WTO thì thép cũng là nhóm bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất, chiếm gần 49% số vụ việc.

Trước áp lực này, bà Trang đề xuất nhà nước có thể thiết kế một khuôn khổ pháp lý và tổ chức một bộ máy thực thi công cụ phòng vệ thương mại một cách hợp lý, chặt chẽ, minh bạch, phù hợp với WTO để làm sao các doanh nghiệp sản xuất nội địa có thể sử dụng một cách thuận lợi, hiệu quả, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định.

ttxvn-nganh thep2.jpg

Kiểm tra sản phẩm thép cuộn chất lượng cao trước khi xuất hàng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Các chuyên gia cho rằng không có thống kê đầy đủ nào về những thiệt hại mà doanh nghiệp Việt Nam phải chịu do những vụ kiện gây ra. Nhưng có thể nhận thấy một cách rõ ràng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thép tại Việt Nam thì việc gia tăng các vụ kiện có ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng tài chính của toàn bộ ngành thép. Việc khối lượng xuất khẩu của mặt hàng này có thể sụt giảm là điều không tránh khỏi; chưa kể các chi phí nhân lực, vật lực để theo đuổi các vụ việc trong suốt nhiều năm.

Cạnh tranh và xuất khẩu khó khăn có thể khiến doanh nghiệp ngừng sản xuất, thậm chí phá sản, kéo theo những ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động, phát triển ngành công nghiệp thượng nguồn trong nước.

Để tránh được những tác động do phòng vệ từ các thị trường, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng điều mấu chốt là các doanh nghiệp cần phải tự mình nâng cao khả năng cạnh tranh, chủ động áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng thương hiệu, đồng đa dạng hóa sản phẩm, thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường./.

Theo (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/nganh-thep-viet-nam-truoc-ap-luc-phong-ve-thuong-mai-tu-cac-thi-truong-post967869.vnp